(CATP) Một bản án về "tranh chấp hợp đồng tín dụng" được Tòa án tuyên xử mới đây, đã gióng lên tiếng chuông về thực trạng một bộ phận ngân hàng và tổ chức tín dụng đang áp đặt mức lãi suất phi lý, đẩy người vay vào vòng xoáy nợ nần.
Ngộp vì... lãi suất
Vụ án dân sự số 08/2025/DS-ST về "tranh chấp hợp đồng tín dụng" được xét xử tại TAND thị xã Đông Hòa (nay là TAND khu vực 12, tỉnh Đắk Lắk) vào ngày 24/3/2025 vừa qua, đã hé lộ câu chuyện tưởng nhỏ, nhưng thực chất là một "mảnh ghép" của bức tranh lớn về sự tùy tiện trong hoạt động tín dụng.
Theo hồ sơ vụ án, một ngân hàng cấp thẻ tín dụng tiêu dùng với hạn mức 46 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Mỹ Hoàng. Sau một thời gian không trả được nợ, bà Hoàng bị ngân hàng yêu cầu thanh toán tổng số tiền lên đến 128 triệu đồng, trong đó lãi và phí chiếm hơn 86 triệu đồng, tức vay nợ chỉ một năm nhưng phải trả gấp gần 2 lần số tiền gốc. Mức lãi suất ngân hàng này áp dụng trong hợp đồng là 29%/năm trong hạn, 43,5%/năm quá hạn. Tuy nhiên, theo Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, mức lãi suất cho vay dân sự không được vượt quá 20%/năm, nếu không có thỏa thuận hợp lệ. Tòa án xác định, ngân hàng không cung cấp được tài liệu nào chứng minh các mức lãi này được khách hàng chấp thuận rõ ràng và minh bạch, nên yêu cầu tính lãi như vậy là không có cơ sở pháp lý.
Quyết định của Hội đồng xét xử được ký bởi Thẩm phán Nguyễn Hữu Duyên đã thể hiện sự nghiêm khắc cần thiết, khi bác bỏ yêu cầu tính lãi của ngân hàng vượt quá quy định và buộc ngân hàng chỉ được thu theo mức lãi suất tối đa 20%/năm trong hạn và 30%/năm quá hạn, đúng theo luật định. Đây có lẽ là bản án đi vào tiền lệ đối với các vụ án giải quyết "tranh chấp hợp đồng tín dụng" từ trước tới nay, và sự kiên quyết này là minh chứng cho vai trò điều tiết của tư pháp trong việc bảo vệ người yếu thế và siết chặt các hoạt động tài chính có dấu hiệu lạm quyền.

Quang cảnh phiên tòa vụ án vay nợ chỉ một năm nhưng khách hàng phải trả gấp hơn 2 lần tiền gốc
Không dừng lại ở một bản án, quyết định này như một cú "phanh gấp" cho các tổ chức tín dụng đã và đang đi lệch khỏi giới hạn pháp luật. Bởi thực tế thời gian qua, nhiều ngân hàng và công ty tài chính cũng đã bị xử phạt vì hành vi tương tự. Cụ thể, năm 2023, một ngân hàng đã từng bị Thanh tra Ngân hàng Nhà nước xử phạt do áp dụng lãi suất thỏa thuận không rõ ràng, không minh bạch đối với khách hàng cá nhân, vi phạm quy định niêm yết và công khai lãi suất. Trước đó, một công ty tài chính khác cũng từng bị phạt vì tính phí phạt, phí quản lý nợ quá cao, không rõ ràng trong hợp đồng tín dụng với người vay. Những hành vi này, tuy tinh vi, nhưng thực chất đều dẫn tới hệ quả chung: Đẩy người vay vào thế không thể thoát nợ, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và hoạt động tín dụng đúng đắn của Nhà nước.
Tội phạm "núp bóng" tổ chức tín dụng liên tục bị triệt xóa
Điều đáng lo ngại là trường hợp của bà Nguyễn Thị Mỹ Hoàng không phải cá biệt. Còn nhiều vụ việc tương tự diễn ra với quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn. Cụ thể, ông L.V.H (ngụ tại TPHCM) vay 85 triệu đồng từ một ngân hàng vào cuối năm 2017, với lãi suất công bố ban đầu khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, sau nhiều lần đáo hạn và tính lãi kép, đến đầu tháng 5/2024, ông H. bất ngờ nhận được thông báo khởi kiện với khoản nợ lên đến hơn 8,8 tỷ đồng - tức gấp hơn 100 lần số tiền vay ban đầu. Đây là trường hợp điển hình cho thấy cách tính lãi kép "cắt cổ", khiến dư luận bất bình. Ông H. cho biết, ông không được cung cấp hợp đồng gốc, cũng không rõ điều khoản tính lãi sau khi trễ hạn, nhân viên ngân hàng không thông báo kỹ những cơ chế phạt và cộng lãi.
Báo động hơn, nhiều tổ chức tín dụng còn sử dụng các ứng dụng vay tiền trực tuyến để che đậy hành vi cho vay lãi nặng. Người vay tưởng chừng đang giao dịch với ngân hàng hợp pháp, nhưng thực chất chẳng khác nào rơi vào vòng xoáy tín dụng đen trá hình. Những trường hợp này không chỉ vi phạm Bộ Luật dân sự mà còn có dấu hiệu cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trước tình hình nêu trên, những năm vừa qua, Ban Giám đốc Công an TPHCM liên tục chỉ đạo triệt phá nhiều đường dây cho vay nặng lãi thông qua ứng dụng, website, với mức lãi suất "cắt cổ" từ 153% đến hơn 1.289%/năm, gấp từ 7 đến hơn 60 lần mức lãi suất tối đa theo quy định.
Trong số đó, vào giữa năm 2023, Phòng Cảnh sát hình sự TPHCM đã xác lập chuyên án triệt phá 3 công ty núp bóng "tư vấn tài chính" (gồm: Digital Credit, Fincap VN, Sofi Solutions...), thu lợi bất chính hơn 4.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay qua web "tamo.vn", "findo.vn" ở mức 153 - 1.289,67%/năm. Đặc biệt, vào tháng 3/2024, Công an TPHCM phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an và Công an tỉnh Khánh Hòa triệt phá đường dây app Oncredit, khám xét 4 công ty "ma", khởi tố, xử lý hàng chục đối tượng liên quan về tội danh cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Các nạn nhân được khuyến cáo đến Cơ quan điều tra để bảo vệ quyền lợi do không được công khai hợp đồng, phí phạt. Chiến công nêu trên của lực lượng Công an TPHCM đã và đang khẳng định vai trò là "lá chắn thép" trên mặt trận chống "tín dụng đen", không chỉ giải cứu hàng ngàn người dân khỏi vòng xoáy nợ nần mà còn góp phần gìn giữ sự trong sạch, minh bạch cho thị trường tài chính của đô thị lớn nhất cả nước.