Nhận diện tội phạm sử dụng trí tuệ nhân tạo để lừa đảo trong lĩnh vực giáo dục

Thứ Năm, 19/12/2024 08:31

|

(CATP) Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định là công nghệ trụ cột, đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên nhiều lĩnh vực, AI mang lại nhiều lợi ích, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Thực tế cho thấy, giáo dục là đối tượng thụ hưởng thành quả của AI. AI cũng góp phần trực tiếp đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục hướng đến sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới. Đồng thời, giáo dục là lĩnh vực then chốt cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy AI.

AI phát triển có thể mang lại nhiều lợi ích cho giáo dục như: Tạo ra trò chơi áp dụng trong giáo dục; Tạo ra nền tảng giáo dục thích ứng; Tạo ra các hệ thống chấm điểm và phản hồi tự động; Xây dựng các Chatbot hỗ trợ người dạy và người học; Xây dựng hệ thống gia sư thông minh...

AI có thể giúp ngày càng nâng cao hiệu quả và cá nhân hóa học tập, tăng khả năng tiếp cận giáo dục đối với các học sinh có nhu cầu học tập khác nhau. Công nghệ này cho phép giáo viên nắm rõ hơn năng lực của từng học sinh, từ đó điều chỉnh cách dạy phù hợp. Với giáo viên, AI có thể giúp giảm tải cho giáo viên bằng việc giúp giáo viên có thể tập trung vào các hoạt động giảng dạy quan trọng và tương tác với học sinh, trong khi các tác vụ hành chính như chấm điểm và quản lý được tự động hóa. Người dạy có thể tập trung vào việc hướng dẫn, tư vấn cho người học thay vì dành quá nhiều thời gian cho các công việc hành chính. AI có thể tự động phân tích dữ liệu học tập chuyên sâu, cho phép thu thập và phân tích dữ liệu học tập, giúp các nhà quản lý giáo dục hiểu rõ hơn về hiệu quả của các phương pháp giảng dạy và có kế hoạch cải thiện. AI giúp cải thiện trải nghiệm học tập: Các công cụ như chatbot và nền tảng học tập thích ứng giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Cảnh báo thủ đoạn các đối tượng lừa đảo tự xưng là giáo viên, nhân viên y tế, gọi điện cho phụ huynh thông báo rằng con em, người thân họ đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch

Trong thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng AI diễn ra hết sức phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực giáo dục nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung. Để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng AI, cần nhận diện về một số thủ đoạn phổ biến hiện nay, gồm: Thứ nhất, sử dụng công nghệ AI để tạo ra các hình ảnh, video không có thật, nhằm truyền bá thông tin sai lệch, tin giả gây ảnh hưởng đến dư luận, gây bất ổn xã hội; làm tổn hại đến danh tiếng, uy tín hoặc tống tiền bằng cách mạo danh, bôi nhọ hình ảnh của cá nhân, tổ chức; giả danh cơ quan chức năng, người thân để lừa đảo, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền hoặc cung cấp mã OTP để phá vỡ lớp bảo mật, sau đó chiếm đoạt tiền từ tài khoản của nạn nhân.

Hai là sử dụng AI tạo ra các mã độc, phần mềm độc hại nhằm mục đích tấn công mạng để đánh cắp dữ liệu, thủ đoạn này cũng có thể xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.

Ba là, sử dụng AI để phạm tội trên thị trường tiền điện tử (trong lĩnh vực giáo dục vẫn có những nạn nhân là cơ quan, tổ chức, trường học và cá nhân) như kêu gọi đầu tư vào những dự án lừa đảo và lan truyền trên quy mô lớn; tạo ra các đồng tiền điện tử lừa đảo liên quan đến AI và thao túng thị trường; tạo ra các trang web giao dịch lừa đảo và chương trình tặng tiền điện tử; phát hiện lỗ hổng giao dịch để trục lợi...

Để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng trí tuệ nhân tạo, khuyến cáo mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng sử dụng trí tuệ nhân tạo lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tin nhắn thông báo "con đang cấp cứu" để lừa đảo chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản

Trong lĩnh vực giáo dục, cần có một số biện pháp phòng ngừa như tăng cường nâng cao nhận thức cho người dạy, cán bộ quản lý giáo dục và người học, cần tổ chức tập huấn, tổ chức các buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức về AI, trong đó có vấn đề tác động tiêu cực từ AI đến hoạt động giáo dục (bản quyền, sự riêng tư, lừa đảo, lan truyền thông tin sai lệch nhằm mục đích trục lợi...); nắm được các phương thức, thủ đoạn của đối tượng xấu sử dụng AI gây tác động tiêu cực đến hoạt động giáo dục nhằm tạo ra "khả năng tự miễn dịch". Bên cạnh đó, cần trang bị các kỹ năng "ứng xử" với AI và xử lý các tình huống bất lợi. Người dạy, cán bộ quản lý giáo dục và người học cần có kỹ năng sử dụng AI hiệu quả, giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng và phân tích dữ liệu; có cách tiếp cận đúng đắn, không "sợ hãi", "xa lánh" mà biết học hỏi, sử dụng và phát huy những thành tựu của công nghệ trong giáo dục.

Trong bối cảnh công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ, Chính phủ cần sớm nghiên cứu, ban hành những quy định, khung pháp lý để kiểm soát và quản lý các hoạt động liên quan đến AI. Ưu tiên xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giáo dục. Xây dựng đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, khai thác, làm chủ và phát triển các ứng dụng AI trong hoạt động giáo dục, trong đó có năng lực phát hiện, kiểm soát, xử lý những vấn đề gây cản trở trong việc ứng dụng AI trong giáo dục và các hành vi phạm tội. Cần đầu tư, xây dựng nền tảng hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại cơ sở đào tạo gắn với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Nghiên cứu và triển khai công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data), phát triển các ứng dụng và công cụ thông minh. Sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn để phát hiện các mô hình, hành vi lừa đảo và gian lận trong hoạt động giáo dục. Tạo ra các ứng dụng và công cụ giáo dục thông minh có khả năng phát hiện và ngăn chặn lừa đảo..

Ngoài ra cần thiết lập một mạng lưới hợp tác giữa các trường học, tổ chức giáo dục và cơ quan chức năng để chia sẻ thông tin và nguồn lực trong việc phòng ngừa lừa đảo, thiết lập đường dây nóng hoặc kênh báo cáo an toàn, xử lý kịp thời và tăng cường bảo mật để phòng ngừa lừa đảo trong giáo dục.

Bình luận (0)

Lên đầu trang