(CATP) Tại Hội nghị chuyên đề Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực nông nghiệp với các khách mời đến từ Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), Hiệp hội Phần mềm và CNTT (Vinasa), Diễn đàn Học sâu (Deeplearning) được tổ chức vào chiều 18/10 cùng lắng nghe và trao đổi về ứng dụng AI trên tinh thần học hỏi do Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở. Ông Nguyễn Quốc Toản (Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp) cho biết, trong nông nghiệp, ứng dụng AI đã tiến hành ở nhiều nơi và mang đến nhiều kết quả thực tiễn. Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước, cán bộ công chức - viên chức (CBCCVC) cũng đã tiếp cận nhiều sản phẩm gọi là trợ lý ảo.
Theo ông Vũ Ngọc Hiển (Giám đốc Trung tâm công nghệ số Quốc gia, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ TT&TT), phát triển và thử nghiệm trợ lý ảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất của Bộ TT&TT trong năm nay, với định hướng cần kết hợp hài hòa xu thế thời đại, thực tiễn Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Sau gần một năm thử nghiệm, Bộ TT&TT xác định trợ lý ảo có thể là một trong những ứng dụng hứa hẹn đột phá lớn, giúp nâng cao tri thức của đội ngũ CBCCVC, thay đổi cách làm việc của một tổ chức, làm thông minh hóa hệ thống công chức Việt Nam.
Hiện tại, trợ lý ảo đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi chia sẻ kinh nghiệm rộng rãi cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu. Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Hiển cho rằng trợ lý ảo của Việt Nam tiêu tốn ít nguồn lực hơn thế giới bởi chúng ta có thể chia nhỏ bài toán, thu hẹp lại hàng trăm triệu lần để dễ giải hơn, nhờ đó có tính cá thể hóa cao hơn. Trợ lý ảo của Bộ TT&TT là sự kết hợp giữa hệ tri thức chuyên gia do con người xây dựng và mô hình ngôn ngữ lớn của trí tuệ nhân tạo. Kỳ vọng thông qua việc thúc đẩy sử dụng trợ lý ảo hỗ trợ công việc, các đơn vị có thể tích lũy lại tri thức của tổ chức, là tài sản vô giá để lại cho các thế hệ kế tiếp.
Ông Vũ Ngọc Hiển - Giám đốc Trung tâm công nghệ số Quốc gia, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ TT&TT
Ông Trương Xuân Nam - Giám đốc Diễn đàn Học sâu (Deep Learning) cho rằng giải pháp nông nghiệp thông minh cho tổ chức cần sự vào cuộc của doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và người nông dân có thể là một phần của giải pháp AI, hưởng lợi từ AI. Một số giải pháp ứng dụng AI cho nông dân mà ông Nam đề xuất như giảm lãng phí đầu vào (thuốc sâu, thức ăn, nước, phân bón), bảo đảm đơn giản và dễ sử dụng, cải thiện phòng bệnh (phát hiện sớm, các biện pháp phòng ngừa) và tinh giản chuỗi cung ứng (loại bỏ bước trung gian, bán hàng trực tiếp).
Bộ Nông nghiệp có thể xây dựng hệ thống AgriAI sử dụng AI cung cấp dịch vụ cho từng nông dân hay hệ thống hỏi đáp thông tin nông nghiệp để giúp giám sát chất lượng nông sản, mở rộng truy xuất nguồn gốc tốt hơn. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp có thể triển khai ngay trợ lý ảo để thay đổi cách thức làm việc của hệ thống CBCCVC.