Thủ đoạn cưỡng đoạt tài sản tinh vi của nhóm đối tượng là cộng tác viên báo chí

Thứ Năm, 04/05/2023 14:30

|

(CAO) Ngày 4/5, tin từ Công an TP.Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra CATP đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 3 đối tượng để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự. Các quyết định tố tụng nêu trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Cụ thể, 3 đối tượng bị bắt giữ gồm Đinh Tiến S (SN 1998, trú tại xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội); Nguyễn Phước H (SN 1988, trú tại phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) là cộng tác viên của tạp chí Thương hiệu và Pháp luật; Nguyễn Quang D (SN 1986, trú tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) là cộng tác viên tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn.

Đối tượng Nguyễn Quang D có thẻ nhà báo thuộc Báo Pháp luật Việt Nam, nhưng đã hết hạn từ ngày 31/12/2020.

Cơ quan điều tra lấy lời khai bị can Nguyễn Quang D (áo đen) và bị can Đinh Tiến S (áo kẻ)

Theo tài liệu điều tra, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 26/4, căn cứ đơn tố giác của công dân, Cơ quan An ninh điều tra, Công an Hà Nội, phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, bắt quả tang Đinh Tiến S nhận tiền của một cá nhân để gỡ bài viết về công tác quản lý xây dựng của các phường trên địa bàn TP.Hà Nội trên trang web "Xaydungvadothi.net" có hình ảnh giao diện như một báo chính thống của Nhà nước.

Quá trình khai thác, Công an đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ mở rộng, bắt thêm 2 đối tượng đồng phạm là Nguyễn Phước H và Nguyễn Quang D.

Xác định 3 đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản, ngày 27/4, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét khẩn cấp nơi ở của 3 đối tượng.

Cơ quan điều tra lấy lời khai bị can Nguyễn Phước H.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, Nguyễn Quang D là chủ mưu, quản trị 18 trang web, trong đó có trang web “Xaydungvadothi.net” có giao diện giống các trang web của báo chính thống của Nhà nước mang tên Thanh tra Chính phủ, Báo Pháp luật Việt Nam... khiến người đọc nhầm lẫn và liên kết các cộng tác viên các báo chính thống, sau đó chỉ đạo Phạm Phước H đi thu thập thông tin, chụp ảnh các công trình có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn Hà Nội, đưa thông tin lại cho Nguyễn Quang D để viết và đăng bài trên trang web.

Sau đó, Nguyễn Quang D gửi đường link bài viết trên web cho Phạm Phước H. Tiếp theo đó, H đến gặp trực tiếp các đơn vị, địa phương có sai phạm, tự giới thiệu là cộng tác viên tạp chí Thương hiệu và Pháp luật, cho họ xem đường link và lấy số điện thoại.

Phạm Phước H cũng giao cho Đinh Tiến S sử dụng số điện thoại khác gửi đường link bài viết, đồng thời nhắn tin đe dọa và yêu cầu cá nhân, đơn vị đồng ý gặp đưa tiền. Khi bị hại đã đồng ý đưa tiền, H chỉ đạo S đi gặp và lấy tiền về chia làm 3 phần, trong đó H nhận 20%, S nhận 20% và D là 60% số tiền cưỡng đoạt được.

Cùng thủ đoạn trên, Nguyễn Quang D còn lập nhiều trang web và liên kết các báo, tạp chí không chính thống khác để cùng đăng bài đe dọa nhiều phường trên địa bàn thành phố gây bức xúc cho người dân và các đơn vị thuộc TP.Hà Nội từ năm 2019 đến nay.

Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.Hà Nội, nhận định đây là phương thức thủ đoạn mới rất tinh vi, xảo quyệt. Đối tượng dùng thẻ nhà báo đến làm việc đặt vấn đề, lấy số điện thoại của lãnh đạo, sau đó về nhắn tin, gửi bài viết để đe dọa, uy hiếp các cơ quan, tổ chức chi tiền để gỡ bài.

Các đối tượng hoạt động có tổ chức, phân công vai trò từng người cụ thể như người thu thập thông tin, chụp ảnh các công trình có dấu hiệu sai phạm; người viết và đăng bài, người đến làm việc đe dọa và người nhận tiền.

Các đối tượng đã hoạt động trong thời gian dài, với thủ đoạn đăng rất bài nhiều trang web có tên gọi, giao diện, hình thức như một cơ quan báo chí, sau đó thông tin để viết, đăng tải tin bài phản ánh về những dấu hiệu sai phạm, gây sức ép, đe dọa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phải chi tiền đề gỡ, sửa bài. Hoạt động trên đã gây bức xúc, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các doanh nghiệp, tổ chức.

Qua sự việc trên, Công an TP.Hà Nội, khuyến cáo các đơn vị quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố nếu có cá nhân tự xưng là cộng tác viên, nhân viên... các báo đăng bài phản ánh và đến gặp yêu cầu đưa tiền để gỡ bài thì cần cảnh giác, đồng thời báo cáo cơ quan công an để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng.

Bắt tạm giam nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và pháp luật

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Giàng, Hải Dương vừa khởi tố, bắt tạm giam Lê Tuấn Dũng, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và pháp luật, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 3, Điều 174 Bộ Luật hình sự.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương điều tra mở rộng vụ án “Gây rối trật tự công cộng” liên quan đến việc tổ chức đấu giá đất quyền sử dụng đất tại thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng và vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn” xảy ra tại Công ty TNHH MTV TM và DV Tiến Minh (trụ sở tại phường Hải Tân, TP.Hải Dương).

Cơ quan điều tra tống đạt các quyết định đối với ông Lê Tuấn Dũng (bên phải)

Quá trình điều tra phát hiện Lê Tuấn Dũng (SN 1958, trú tại khu đô thị Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội), nguyên là Phó Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nhận tiền của các bị can trong vụ án trên để hứa hẹn “chạy án”.

Ngày 29/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Giàng phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh thi hành lệnh bắt bị can đối với Lê Tuấn Dũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 3, Điều 174 Bộ Luật hình sự để tạm giam, đồng thời thực hiện Lệnh khám xét nơi ở của bị can.

Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét nơi ở của bị can đã được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cẩm Giàng phê chuẩn.

Vụ án đang được tiếp tục điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang