Đường dây làm giả CCCD và nhiều loại giấy tờ quy mô lớn, phục vụ lừa đảo

Thứ Tư, 14/04/2021 18:38

|

(CAO) Ngày 14-4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hải Dương cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị truy tố 9 bị can về hành vi làm giả bằng PTTH, giấy phép lái xe (GPLX), giấy chứng minh nhân dân (CMND) và căn cước công dân (CCCD) giả…

Các bị can bị đề nghị truy tố về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức gồm: Ngô Hùng Phúc (SN 1965, trú tại Vĩnh Long), Phạm Đăng Khương (SN 1984, ở tại Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương), Đỗ Đức Duy (SN 1986, trú tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), Lê Thị Thanh Nhã (SN 1989, ở tại quận Hải An, TP Hải Phòng). Các bị can bị truy tố về tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức gồm Huỳnh Mạnh Dũng (SN 1985, trú tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Phương Linh (SN 1988, trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân), Trần Thanh Hùng (SN 1978, trú tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), Nguyễn Tấn Sĩ (SN 1987, ở tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) và Phan Thị Thanh Hương (SN 1997, trú tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).

Các đối tượng trong vụ án

Đối tượng điều hành có nhiều tiền án, tiền sự

Qua công tác quản lý nghiệp vụ, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương có thông tin về đường dây làm giả giấy tờ trên mạng Internet với thủ đoạn tinh vi. Đối tượng làm giả các loại giấy tờ gồm CMND, bằng cấp giả để xin việc vào các cơ quan, sử dụng để vay vốn ngân hàng…

Từ các căn cứ thu thập được, ngày 8-7-2020, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đã tổ chức lực lượng, bắt quả tang Khương khi đang thực hiện hành vi phạm tội.

Quá trình điều tra, Khương khai nhận: Nắm bắt được nhu cầu sử dụng bằng cấp giả của một số người và vì cần tiền tiêu xài, Khương đã nghĩ đến việc bán giấy tờ giả để kiếm lời. Khoảng tháng 5-2019, Khương lên mạng Internet tìm kiếm thông tin đã tìm được số điện thoại của người tên là Minh ở Hà Nội và biết người đàn ông trên có thể làm được các loại bằng cấp giả từ THCS đến đại học với giá 1 triệu đồng/bằng.

Khương và người đàn ông tên Minh thống nhất, Khương cung cấp thông tin của người cần làm giấy tờ giả cho Minh; việc thanh toán tiền được thực hiện sau khi đã kiểm tra các giấy tờ giả… Khi khách có nhu cầu mua bằng, cấp giả, Khương nhận thông tin rồi chuyển cho Minh. Sau khi giao dịch, khoảng 4-5 ngày, Minh chuyển bằng giả cho Khương qua xe khách, Khương kiểm tra và thanh toán tiền cho nhà xe. Với thủ đoạn như trên, Khương đã đặt Minh làm khoảng 4-5 bằng giả.

Tháng 10-2019, qua mạng xã hội, Khương tiếp tục tìm hiểu và biết người tên Long ở Hà Nội cũng làm văn bằng giả và đã liên hệ với người đàn ông này đặt mua bằng giả với giá 600 nghìn đồng/1 bằng.

Để tránh bị phát hiện, Khương sử dụng zalo “Làm bằng cấp uy tín” liên hệ đặt mua bằng giả của Long với giá 600 nghìn đồng/1 bằng giả. Khương lấy tên “Văn Trung”- khu công nghiệp Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương” để làm địa chỉ nhận bằng giả do Long gửi về, sau đó cũng sử dụng địa chỉ này để gửi cho khách mua. Long thực hiện việc giao bằng giả cho Khương qua đường giao hàng tiết kiệm, còn Khương thực hiện thanh toán bằng việc đưa tiền trực tiếp cho người giao hàng.

Khương đã đặt mua của Long khoảng hơn 100 bằng giả các loại từ THCS đến đại học rồi bán lại cho khách đặt mua. Việc giao dịch diễn ra đến tháng 5-2020 thì dừng lại.

Để tránh sự phát hiện của lực lượng Công an, trong quá trình giao dịch, Khương giao giấy tờ giả cho khách qua dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện. Đối tượng đồng thời mở tài khoản mang tên mình tại Ngân hàng Techcombank chi nhánh Hải Dương; mua qua mạng Internet 1 tài khoản của Nông Thị Sóng, trú tại Lục Yên, Yên Bái, mở tại Ngân hàng Techcombank. Khách mua tài liệu giả thanh toán cho Khương bằng cách chuyển tiền vào các tài khoản trên hoặc trả qua dịch vụ chuyển phát thu hộ của bưu điện.

Quá trình đấu tranh, Cơ quan ANĐT xác định từ tháng 7-2019 đến tháng 5-2020, Khương đã sử dụng CMND giả mang tên Trần Văn Trung đến các bưu cục để rút tiền thu hộ đối với các bưu phẩm là giấy tờ giả nêu trên. Khương đã chuyển 133 bưu phẩm cho khách đặt mua giấy tờ giả… Với hai đầu mối của Minh và Long, Khương đã nhận được 242 triệu đồng.

Mở rộng điều tra, ngày 15-7-2020, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đã thực hiện lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Ngô Hùng Phúc, đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự.

Khương khai nhận, cùng với việc mua hàng của Minh và Long, từ tháng 5-2020 đến ngày 8-7-2020, Khương còn liên hệ với Ngô Hùng Phúc đặt mua các loại bằng cấp giả các loại với giá 600 nghìn đồng; GPLX, CCCD, biển số xe giả với giá 400 nghìn đồng/chiếc. Để tránh bị phát hiện, trong quá trình giao dịch, Khương sử dụng tên giả là “Mạnh Thắng”, địa chỉ tại khu công nghiệp Phúc Điền, Cẩm Giàng để nhận giấy tờ giả do Phúc gửi qua dịch vụ bưu điện.

Sau khi mua được giấy tờ trên, Khương bán lại cho khách hàng với giá từ 800 đến 2 triệu đồng cho một giấy tờ giả tuỳ từng loại và tuỳ từng khách hàng. Với phương thức giao dịch như trên, Khương đã đặt mua của Ngô Hùng Phúc 91 tài liệu giả.

Ngày 8-7-2020, Khương mang bằng cấp giả đi bán thì bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hải Dương phát hiện, bắt giữ. Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT xác định, tổng số tiền Khương thu lời bất chính từ việc mua bán tài liệu giả với 3 đối tượng trên là 339 triệu đồng.

Mở rộng điều tra, Phúc còn khai còn bán cho đầu mối, trong đó có của Lê Thanh Nhã và một số người khác… Tổng số tiền Phúc chiếm đoạt được trong việc mua bán giấy tờ giả, sau khi chi trả chi phí là hơn 1,4 tỷ đồng.

Tang vật

Sử dụng giấy tờ giả để xin việc, vay vốn ngân hàng

Quá trình điều tra xác định: Tháng 7-2019, Nhã sử dụng CMND giả mang tên Lê Bình An ký hợp đồng làm việc trong thời gian 3 tháng (7,8,9-2019) với Công ty TNHH Thiết bị Khoa học và Vật tư Y tế Hồng Phúc, có địa chỉ tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Sau đó, đối tượng sử dụng CMND và sổ tạm trú giả mang tên Lê Bình An để làm hồ sơ đề nghị vay vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng nhưng không được giải ngân.

Khoảng cuối năm 2019, Nhã làm cho Nguyễn Phương Linh 2 CMND giả mang tên là Nguyễn Diệu Linh và 1 sổ hộ khẩu giả mang tên Nguyễn Diệu Linh… Sau đó, Nhã tiếp mục mở tài khoản mang tên chị ta tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam và tài khoản mang tên Lê Thành Nam tại Ngân hàng TMCP Quân đội. Từ khoảng tháng 5-2020, Nhã đã sử dụng tài khoản Zalo mang tên “Minh Anh” để liên hệ mua của Phúc 47 tài liệu giả với giá 46 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, tháng 8-2020, Nhã nhận và làm hộ giấy chuyển hộ khẩu giả mang tên Nguyễn Nam Phong và bằng tốt nghiệp THPT giả mang tên Vũ Hữu Thắng, đặt cọc 500 nghìn đồng/chiếc. Ngày 5-8-2020, khi Nhã mang các giấy tờ giả nêu trên đi giao cho người mua thì bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hải Dương phát hiện thu giữ.

Ngoài ra, Nhã có nhờ Phúc chuyển hộ 1 con dấu tròn giả đề tên “Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á chi nhánh Đống Đa” và 1 con dấu chức danh đề tên “Phó Giám đốc - Lê Thị Mai” từ một người khác, không rõ nhân thân. Nhã đã sử dụng con dấu này để đóng lên giấy biên nhận thế chấp xe ô tô biển kiểm soát 29D-065.94 và đưa Đỗ Văn Nghĩa (SN 1993, trú tại An Hưng, An Dương, Hải Phòng).

Nhã còn làm 6 con dấu tròn giả (mang tên “Trường Cao đẳng công nghiệp Huế”, “Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội”, “UBND xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội”, “Công an huyện Thanh Trì - Công an thành phố Hà Nội”, “Công an xã Long Xuyên - Công an H. Kinh Môn tỉnh Hải Dương”, “Văn phòng công chứng Hà Đông”), CMND giả mang tên Lê Thị Thanh Nhã bằng cách scan màu CMND thật của bản thân Nhã.

Trong vụ án này, Cơ quan ANĐT còn làm rõ hành vi phạm tội của Huỳnh Mạnh Dũng. Mặc dù biết Phúc là người làm các giấy tờ giả nhưng khi được Phúc nhờ mang các bưu phẩm là giấy tờ giả đi giao cho các khách lẻ và gửi qua hệ thống bưu phẩm được trả công đã nhận lời và đi gửi cho Ngô Hùng Phúc. Huỳnh Mạnh Dũng được hưởng lợi từ Ngô Hùng Phúc trong việc vận chuyên giấy tờ giả cho khách là 2,1 triệu đồng.

Quá trình đấu tranh, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương còn xác định được các trường hợp đã sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả…, với nhiều lý do khác nhau. Trong số đó có trường hợp của Phan Thị Thanh Hương (trú tại tỉnh Bình Dương) đã từng theo học tại Trường Đại học Thủ Dầu Một nhưng do nợ môn nên phải thi lại.

Cá biệt, có trường hợp còn mua GPLX xe hạng A1 giả để tham gia lưu thông trên đường như trường hợp của Nguyễn Tấn Sĩ, Lê Đình Quân và Nguyễn Thị Thu Huyền (cùng trú huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam); một số trường hợp còn sử dụng bằng cấp giả liên quan đến các chuyên ngành để phục vụ cho việc đấu thầu.

Quá trình xác minh, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương còn xác định được người cung cấp tài liệu giả cho Phúc là Nguyễn Thanh Phong; đối tượng hiện này hiện đang bị Công an TP.Hồ Chí Minh khởi tố điều tra về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang