Thần chết rình rập và nguy cơ bị 'cướp' mất tay, chân suốt đời vì... điện

Thứ Sáu, 26/08/2016 01:57  | Ngô Đồng

|

(CAO) Chỉ cần một giây bất cẩn, người bị phỏng điện có thể đối mặt với cái chết. Nếu may mắn vượt qua cửa tử, họ cũng đối mặt với nguy cơ tàn phế suốt đời.

Phỏng điện để lại nhiều hậu quả: khả năng lao động, sinh hoạt kém; chấn thương về tâm lý, khó hồi phục. Nhiều bệnh nhân phải cắt cụt chi, có ý định tự tử... Những sự việc thương tâm xảy ra ngày càng dồn dập, gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn lao động.

Những tai nạn thương tâm

Tại Khoa Phỏng Phỏng - Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, nơi điều trị cho những bệnh nhân phỏng nặng, trong đó có không ít trường hợp phỏng điện thương tâm.

Trường hợp một bệnh nhân phải cắt 2 tay và 1 chân tại khoa này khiến nhiều người rơi nước mắt. Đó là hoàn cảnh của anh Đinh Văn Tuấn (1974, quê Châu Thành, Hậu Giang).

Nạn nhân bị phỏng điện 23% độ 2,3,4 toàn thân và tứ chi, nhập viện ngày 20-7. Sau hơn 1 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân được cứu sống, nhưng để sống sót, bệnh nhân phải trãi qua 3 lần cắt cụt chi: Cụ thể cắt cụt 1/3 cẳng tay trái, cắt cụt 1/3 cẳng tay phải và cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái.

Nạn nhân bị phỏng điện bị phỏng điện được điều trị tích cực ở BV Chợ Rẫy

Tương tự, bệnh nhân Lê Đình Minh (1984, ngụ tại Thanh Chương, Nghệ An). Anh làm thợ điện 10 năm cho một công ty, trong một ngày định mệnh, ngày 24-7, anh chẳng may bị điện giật trong lúc làm việc. Ngay lập tức, anh được chuyển đến cấp cứu tại BV quận 7 TP.HCM, sau đó đưa về 115 rồi chuyển sang Chợ Rẫy. Trãi qua nhiều đợt phẫu thuật, để vượt qua cửa tử, các bác sĩ buộc phải cắt cụt 2 chi trên của bệnh nhân. Không chỉ bị đoạn chi, bẹn trái bị tổn thương do phỏng.

Bệnh nhân cho biết, mỗi năm đều được học, tập huấn điện, học trung cấp điện. Trước thời điểm bị tai nạn, anh đã làm đơn xin nghỉ việc nhưng do công ty thiếu người nên kêu quay lại, làm ngày nào trả tiền ngày đó.

Anh kể: "Tôi chưa bao giờ bị điện giật. Hôm đó trời nắng bình thường, họ nói cắt điện rồi nên tôi mới trèo lên, nhưng vừa trèo lên, quàng vào dây, điện phóng, tôi bị giật ngất không còn biết gì...".

Hành trình giành giật sự sống của chàng trai nghèo bị cháy như ngọn đuốc
 

Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chia sẻ:

Phỏng điện ngày càng gia tăng, hậu quả để lại nặng nề. Hiện tại khoa Phỏng của BV Chợ Rẫy có khoảng 70 bệnh nhân, nhưng số trường hợp bị bỏng điện chiếm khoảng 10-15%, trong số đó, 50% phải cắt chi.

Cũng theo bác sĩ Hiệp, Khoa có nhiều bệnh nhân bị cắt cụt chi quá cao, hiện có 15 ca phỏng điện, trong đó có 7 ca phải cắt cụt chi, 3 ca cắt 2 chi trên, 1 tay 2 ca… Đa số vẫn còn trẻ, trong độ tuổi lao động và là trụ cột chính trong gia đình.

"Phỏng điện để lại nhiều hậu quả, khả năng lao động, sinh hoạt kém, chấn thương về tâm lý, khó hồi phục. Nhiều bệnh nhân cắt cụt chi có ý định tự tử, chúng tôi phải làm tâm lý trước khi thực hiện. Ngoài ra, nạn nhân có thể bị chấn thương cột sống thắt lưng, gãy xương, vỡ xương chậu…", bác sĩ Hiệp nhận định.

 

Hồi chuông cảnh báo an toàn lao động

Hầu hết các trường hợp bị phỏng điện ghi nhận tại BV Chợ Rẫy là do làm việc gần đường điện, treo bảng quảng cáo, lắp ăng ten tivi, lái máy cẩu đi qua dòng điện, câu cá gần đường dây điện…

Đặc biệt mùa mưa, độ ẩm không khí tăng cao nên khả năng dẫn điện giữa dây điện và người là rất lớn, điện trở khi trời mưa gần như bằng 0 nên phóng điện rất dễ dàng.

Tuy nhiên, kể cả đảm bảo khoảng cách an toàn về điện, nhưng khi trời mưa, khoảng cách đó không an toàn nữa.

Nạn nhân phỏng điện chịu hậu quả nặng nề

Bác sĩ Hiệp chia sẻ: "Việc cứu chữa các nạn nhân bị phỏng điện khá khó khăn và đòi hỏi thời gian điều trị lâu dài. Về nguyên tắc, nếu không đoạn chi thì chi hoại tử, gắn với cơ thể, toàn bộ khu vực đó sẽ gây ra nhiễm trùng, thấm ngược vào máu gây nhiễm độc, gây nhiễm trùng máu, bệnh nhân dễ tử vong. Trong trường hợp giữ được chi, khả năng sinh hoạt, lao động cũng bị ảnh hưởng, hầu như không còn tác dụng nữa.

"Cứu sống nhưng sống như thế nào thì là vấn đề khó khăn đối với gia đình, xã hội", bác sĩ Hiệp nói.

 

Theo bác sĩ Hiệp, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng, góp phần giảm cắt cụt chi, bỏng điện tổn thương sâu, gây chèn ép cẳng bàn tay, cổ tay hoặc cẳng bàn chân, cổ chân. Ngay khi xảy ra sự cố, cần cách ly nguồn điện, di chuyển bệnh nhân tới khô ráo, hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân ngưng thở… Phẫu thuật phóng chèn ép càng sớm càng tốt tại các cơ sở y tế gần nhất, sau đó chuyển lên các bệnh viện lớn để được can thiệp và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên , vấn đề quan trọng nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do đó, qua các trường hợp trên, khuyến cáo các doanh nghiệp sử dụng lao động cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động khi làm việc gần đường điện, về khoảng cách, bảo hộ đặc biệt là hướng dẫn cho người lao động quy tắc an toàn về điện. Người lao động cũng cần cẩn trọng trong lúc làm việc để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang