Thành phố bị hủy diệt Pompeii - Kỳ cuối: Pompeii ngày nay ra sao?

Thứ Ba, 08/08/2017 02:30  | Đức Thiện

|

(CAO) Sau khi cuộc khai quật đầu tiên được tiến hành vào năm 1748, các bí ẩn về Pompeii dần được hé mở. Trải qua hơn 200 năm sau khi được hồi sinh, Pompeii như đang sống lại thời huy hoàng của nó. Tuy nhiên, nó cũng đang phải đối đầu với không ít các vấn đề đáng lo ngại.

Thành phố bị hủy diệt Pompeii - Kỳ 3: Cuộc khai quật quan trọng
 

Điểm hút khách du lịch

Ngày nay, các cuộc khai quật và khám phá vẫn đang được tiếp diễn ở Pompeii. Song song với đó, thành phố còn được mở cửa để làm điểm đến du lịch.

Giá trị lịch sử của Pompeii với kho tàng kiến thức loài người là không thể phủ nhận. Đó là nguyên nhân chính để thu hút hàng triệu lượt du khách đến khu di tích để tham quan. Với việc nhiều công trình, nhà cửa tại Pompeii được giữ nguyên trạng sau hàng ngàn năm bị chôn vùi dưới tàn tích núi lửa, nó lại càng trở nên hấp dẫn với nhiều người trên thế giới đến đây để khám phá, tìm hiểu về lịch sử thành phố cũng như của đế chế La Mã cổ đại.

Không khó để tìm kiếm các tour du lịch Pompeii được quảng bá rầm rộ trên Google. Nhiều trang web, blog cá nhân chia sẻ kinh nghiệm du lịch tại khu thành cổ cũng không quá khó để tìm thấy. Theo số liệu thống kê vào năm 2013, tổng cộng có đến 2,5 triệu lượt du khách đã đến Pompeii để tham quan.

Những điểm đến khiến cho Pompeii hấp dẫn bao gồm đấu trường xây từ năm 70 TCN. Như kỳ trước đã nêu, đây là đấu trường La Mã lâu đời nhất trong lịch sử và là một biểu tượng văn hóa không thể thiếu của đế chế La Mã nói chung và của Pompeii nói riêng.

Ngoài ra, sự xa hoa tráng lệ của Pomeii cũng được tận dụng triệt để nhằm thu hút du khách mỗi năm. Một trong những biểu tượng cho sự giàu sang tại Pompeii là Căn biệt thự Vettii. Sở dĩ nó được đặt tên thế này, vì căn nhà có lẽ từng thuộc sở hữu của anh em Vettii. Theo BBC, giả thuyết được đặt ra rằng đây là những người buôn rượu trong thành phố, nhờ đó họ có rất nhiều tiền.

Điểm nổi bật tại Căn biệt thự, chính là khu vườn với lối kiến trúc độc đáo bộc lộ rõ sự phồn vinh của căn nhà. Xung quanh khu vườn là rất nhiều bức tượng làm bằng đồng và cẩm thạch. Ngoài ra, nó còn có 12 đài phun nước hình đầu các vị thần và nước đổ ra từ miệng các bức tượng xuống bồn chứa bên dưới. Toàn bộ khuôn viên khu vườn được bao bọc bằng những bức tường có kiến trúc vòm, với rất nhiều phòng ốc như có vẻ là dành cho các vị khách giàu sang đến đây giải trí.

Đấu trường cùng Căn biệt thự Vettii chỉ là hai trong số những điểm đến nổi bật nhất ở Pompeii. Thành phố đã chết cách đây hơn 2000 năm giờ đây luôn tấp nập và náo nhiệt người qua lại.

Báo động tình trạng bảo tồn

Mặc dù vẫn giữ được sự nguyên vẹn sau nhiều thế kỷ bị vùi lấp dưới tro tàn núi lửa, kể từ khi được khai quật vào năm 1748, Pompeii đang dần dần bị tàn phá do ảnh hưởng của con người.

Đầu tiên, là việc nhiều cổ vật quý báu bị đánh cắp và đưa đi rao bán tại khắp nơi. Điều này không chỉ xảy ra trong thời nay, mà đã là tình trạng tồn tại từ khi nó cùng các khu vực lân cận như Herculaneum được khai quật. Theo Forbes, những công nhân làm nhiệm vụ khai quật đã lén đánh cắp các cổ vật để mang đi bán. Tuy nhiên, ngay cả giới quý tộc cũng tận dụng nguồn lực này để làm giàu cho chính mình. Họ mang về những mảnh cổ vật như bình, lọ, tranh ảnh cổ,… rồi bang cho những kẻ giàu sang khao khát sở hữu những thứ này. Ngày nay, thị trường chợ đen luôn “nóng” với những món hàng được đánh cắp từ Pompeii.

Hồi tháng 3 vừa rồi, giám đốc Dự án Pompeii Vĩ đại là Luigi Curatoli đã phải cho mở một trang web nhằm tố cáo hành vi tội phạm và các hoạt động đáng ngờ diễn ra tại Pompeii. Nói về dự án, đây là chương trình được Liên minh châu Âu (EU) thông qua hồi năm 2012. Mục đích chính của dự án này là nhằm bảo tồn khu vực khảo cổ và khai quật của Pompeii, cũng như phục hồi những di tích bị hư hại qua năm tháng.

Từ khi chịu thảm họa vào năm 79 cho đến năm 1748, Pompeii được giữ nguyên vẹn nhờ tro tàn núi lửa che chở. Tuy nhiên khi những nhà khảo cổ “lôi” nó ra khỏi lớp tàn tích, mọi thứ bắt dần bị bào mòn vì yếu tố thiên nhiên cũng như hoạt động của con người. Một trong số đó có từ những trận dội bom dữ dội trong Thế chiến thứ 2.

Tuy nhiên, những sự chú ý dành cho việc bảo tồn chỉ bắt đầu từ khi một trong những công trình cực kỳ quan trọng của thành phố bị anh hưởng. Vào năm 2010, Ngôi đền Đấu sĩ bất ngờ sụp đổ. Đây là một trong những dấu tích mang đậm nét văn hóa của Pompeii cổ đại. Sau sự cố này, chính quyền sở tại chỉ còn cho khách du lịch tham quan 13% tổng số diện tích đã được khai quật. Số lượng nhà cửa mở cửa tự do giảm xuống chỉ còn 10, trong khi vào năm 1956 con số này lên đến 64.

Chính những hồi còi báo động đó, mà Dự án Pompeii Vĩ đại được thông qua. Theo National Geographic, hiện nay có hơn 200 chuyên gia và kỹ thuật viên của dự án đang làm việc tại Pompeii. Những người này bao gồm các kiến trúc sư, nhà khảo cổ, thợ hồ, thợ điện, thợ ống nước, họa sĩ, thợ mộc, nhiếp ảnh gia, nhà sinh vật học, nhà địa lý học, và rất nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tất cả những người này đang ngày đêm làm việc cật lực để không chỉ bảo tồn một nét đặc trưng trong lịch sử nhân loại, mà còn giúp nó hồi sinh một cách sống động trong thời hiện đại ngày nay.

Thành phố bị hủy diệt Pompeii - Kỳ 1: Thành phố phồn hoa của đế chế La Mã
Thành phố bị hủy diệt Pompeii - Kỳ 2: Mối hiểm họa bị phớt lờ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang