Trung Quốc: Nói một đằng, làm một nẻo

Thứ Hai, 15/06/2015 08:41  | Minh Phương

|

(CATP) “Tại sao không thể tin được người Trung Quốc” là đầu đề bài viết của tác giả Jeffrey Ordaniel, nghiên cứu sinh tiến sĩ về Chương trình Nghiên cứu Quốc tế của Viện Nghiên cứu chính sách Đại học quốc gia Tokyo, đăng trên báo Mỹ The National Interest hôm 14-6-2015. Dưới đây là một trích đoạn trong bài viết của ông:

“Trong một bài báo đăng trên China Daily số ra ngày 27-5-2015, Ouyang Yujing, Tổng giám đốc Cục Các công việc về Ranh giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, báo cáo rằng, việc lắp đặt gây tranh cãi đang được tiến hành trên các đảo Bắc Kinh tự tiện tôn tạo ở biển Đông (trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam) “chủ yếu vì các mục đích dân sự”, trong đó bao gồm “đường băng, bến tàu, trạm viễn thông, trạm quan trắc, an toàn hàng hải và các cơ sở giám sát môi trường”.

Chỉ một ngày sau tuyên bố của Ouyang, Wall Street Journal báo cáo rằng, hoạt động do thám của Mỹ phát hiện hai khẩu pháo đã lắp động cơ trên một trong những đảo này. Các quan chức Mỹ được dẫn lời nói rằng, những vũ khí mà Trung Quốc đã lắp trên một đảo nhân tạo chưa xây dựng xong có thể bắn tới các đảo lân cận từ lâu thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam và Philippines.

Tàu nạo vét của Trung Quốc được nhìn thấy đang làm việc tại Đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Sự hiện diện của vũ khí tấn công ngược hoàn toàn với tuyên bố công khai của Bắc Kinh rằng, các đảo tôn tạo được sử dụng chủ yếu vì mục đích dân sự. Van Jackson tại Trung tâm An ninh New American gọi đó là sự trái ngược rõ ràng giữa lời nói và hành động của Trung Quốc là “chiến lược nói nước đôi”. Nhưng môi trường chiến lược ngày càng tồi tệ ở biển Đông đòi hỏi có một đánh giá kỹ hơn về những đề nghị an ninh và ngoại giao của Trung Quốc. Một câu hỏi chính phải được trả lời là: việc nói với làm của Trung Quốc xưa giờ có đi đôi với nhau hay vẫn thường xuyên mâu thuẫn nhau?

Một nghiên cứu ngắn về cách Bắc Kinh đã nói và hành xử với các láng giềng của họ trong hai thập kỷ qua tiết lộ sự thật ở về sau. Ví dụ, tháng 2-1995, gió mùa nguy hiểm khiến các lực lượng Philippines phải ngừng tuần tra ở Đá Vành Khăn (rạn san hô thuộc cụm Bình Nguyên trên quần đảo Trường Sa).

Sự mất cảnh giác của Manila nhanh chóng bị Trung Quốc nắm lấy và họ đã chiếm lãnh thổ tranh chấp này. Ngay sau đó, Philippines phát hiện ra rằng Trung Quốc đã xây dựng nhiều kết cấu trên rạn san hô - bốn bệ lắp thiết bị liên lạc vệ tinh, với ít nhất ba hầm trú ẩn trên mỗi bệ. Vô số tàu của hải quân Trung Quốc (PLAN) cũng được khám phá xung quanh khu vực, trong đó một số tàu vũ trang nặng.

Khi Tổng thống Philippines lúc đó là Fidel Ramos nêu vấn đề với các bên tương tác trong ASEAN và Mỹ, và ra lệnh phá các phao mà tàu Trung Quốc thả ở những nơi khác thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đe dọa từ Trung Quốc ngay lập tức vang lên khắp khu vực.

Ở đây cần phải nhắc lại rằng, Bắc Kinh đã nhất trí ký một bộ quy tắc ứng xử song phương với Philippines để trấn an khu vực rằng họ không có ý định tiếp tục phá vỡ nguyên trạng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 3 đến tháng 5-1995, Trung Quốc bị phát giác đã nâng cấp các cơ sở trên rạn san hô bằng thiết bị điện tử tinh vi hơn. Đến năm 1998, kết cấu nhỏ này đã trở thành một tòa nhà nhiều tầng kiên cố và từ đó nó là nơi định kỳ lưu trú ít nhất một tàu khu trục của PLAN.

20 năm sau sự việc này, Trung Quốc giờ đang tiến hành một chương trình bồi đắp đất khổng lồ cũng ở rạn san hô này (và một số đảo đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Những gì Bắc Kinh mô tả chỉ là nơi trú ẩn cho ngư dân giờ là một cơ sở quân sự lớn, có thể sắp tới là bến đậu của nhiều tàu từ PLAN, và thậm chí cả máy bay - có lẽ là một mở đầu cho tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông...”.

Trong bài viết khá dài của mình, Jeffrey Ordaniel còn đưa ra nhiều minh chứng nữa về sự khác biệt giữa lời nói và hành động của Trung Quốc, bao gồm cả việc Bắc Kinh đã ký Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) với ASEAN, trong đó nhấn mạnh các bên phải kiềm chế tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định... Nhưng những gì đang diễn ra hiện nay rõ ràng ngược hoàn toàn với những cam kết của họ.

Kết thúc bài viết, Ordaniel nói ông không thể kể hết các trường hợp, nhưng tất cả đều minh chứng một điều: thực tế thường xuyên có sự tách rời giữa lời nói và hành động của Trung Quốc trong nhiều cam kết của họ với các nước láng giềng. Jeffrey kết luận: “Với những hành động luôn mâu thuẫn với các đề nghị ngoại giao của Trung Quốc... thế giới không còn coi những lời nói của Bắc Kinh là có giá trị nữa”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang