Chương trình “Chuyến xe nghĩa tình” do Báo Công an TP.HCM khởi xướng:

Mang ‘ước mơ nhỏ’ đến xóm ngụ cư

Thứ Tư, 07/02/2018 19:28

|

(CAO) Chúng tôi tìm đến xóm ngụ cư lúc trời tắt nắng. Giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp, có một căn nhà chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông, nhưng là nơi che chở cho hơn 20 “vị khách” tha hương.

Họ đến từ xứ “nẫu” xa xôi, vào Sài Gòn hành nghề bán vé số dạo. Mỗi người mang theo một số phận, một nỗi niềm riêng. Ngày Tết cận kề, ai cũng có ước mơ nho nhỏ nhưng lạ một nỗi, chẳng khi nào họ dám nói thành lời,…

Cọc vé số lúc chiều tà

Tết đã đến rất gần! Đường phố Sài Gòn tuy tất bật nhưng bình yên đến lạ. Giữa góc ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Cao Thắng (Q3), chúng tôi bắt gặp một gương mặt rầu rĩ với cọc vé số dày cộm trên tay. “Cô chú ơi mua giúp con vài tờ! Cô chú ơi, làm ơn…!” – em Nguyễn Như An đang mời khách mua vé số với vẻ khẩn cầu.

Lê đôi chân đi bộ cả quãng đường dài, mời cả hàng chục vị khách đi đường, vậy mà em chẳng bán nổi một tờ. Lúc ấy đã gần 16 giờ và trên đôi tay em vẫn còn hơn chục tờ vé số, mắt An buồi rười rượi…

Bữa cơm trưa đơn sơ của những phận đời tha hương trong xóm ngụ cư tại con hẻm bên trong đường Nguyễn Đình Chiểu, Q3

An kể, em năm nay 11 tuổi, quê ở tận xứ “nẫu” khô cằn, nắng gió. Hơn 2 tháng trước, một cơn bão đi qua, quét sạch tất cả. Nhà em trơ mái, ba mẹ “hết đường” nên cả nhà dắt díu nhau bỏ xứ vào Nam, dù lúc đó An vẫn đang học lớp 5 dang dở. Thế là cậu bé vùng quê “bỗng dưng” trở thành một cư dân “nhí” của đường phố theo cách không thể nào bất đắc dĩ hơn.

“Chiều hôm em đi, cả lớp kéo lại nhà. Em hẹn tụi nó Tết năm nay em lại về. Mà hôm qua nghe má nói chắc Tết phải ở lại” – An nói, cũng buồn rười rượi như thế. “Sao Tết mà không được về?” – nghe chúng tôi hỏi, chẳng nói chẳng rằng, em dụi mắt bỏ đi.

Sau bữa cơm, mỗi người mỗi hướng, ngược xuôi cầu thực

Ngày hôm sau, khi trời vừa tắt nắng, tại đường Nguyễn Thông (Q.3), chúng tôi lại được một người phụ nữ mời mua vé số. Chị tên Nguyễn Thị Dư, nhà cũng ở xứ "nẫu" - Phú Yên và đã ngồi trên xe lăn đi bán vé số ở Sài Gòn gần 10 năm nay. Cũng như bao phận đời xa xứ khác, gia cảnh nghèo túng, dù tật nguyền nhưng chị Dư quyết “liều một chuyến”, bắt xe vào Nam bán vé số, phụ chồng nuôi con gái đang tuổi cắp sách đến trường.

“Mấy ngày đầu vào đây không quen, với lại mình bị tật nguyền, sức yếu nên cứ bệnh đau suốt. Cũng may được ông trời thương, người Sài Gòn thương nên mới thích nghi dần rồi kiếm ra đồng tiền nhờ nghề bán vé số” – chị Dư vừa nói xong, sực nhớ ra cọc vé số ngày hôm nay phải bán hết mới đủ tiền gửi về cho chồng con lo Tết, liền vội lái bánh xe lăn đi mời tiếp. “Thế chị không về sao?” – cũng câu hỏi đó, chúng tôi lặp lại. “Chị cũng chưa biết có về được hay không” – chị Dư miệng nhoẻn cười nhưng mắt thì buồn thiu.

Đất cưu mang

Đêm về, men theo một con hẻm ngoằn ngoèo nằm sâu bên trong đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), chúng tôi đến với căn nhà là nơi tá túc của những người ngụ cư. Một căn nhà 3 tầng, bề ngang chưa đầy 4 mét, nhưng là nơi ăn chốn ở cho hơn 20 con người hành nghề bán vé số dạo đến từ Phú Yên.

Anh Nguyễn Văn Hóa (quê Phú Yên) đang tỉ mỉ kiểm tra xấp vé số trước khi đi bán

“Hôm nay nhà mình có khách ha!”. Thấy chúng tôi ở đầu cổng, chị Võ Thị Thân (SN 1973), chủ đại lý vé số và cũng là “quản gia” của căn nhà này liền cất giọng niềm nở. Ở đây, chị Thân là người khởi xướng ra nghề bán vé số dạo.

Nhớ lại quá khứ, chị kể: Gần 20 năm trước, ở quê mất mùa nên 2 vợ chồng dắt nhau vào Sài Gòn làm mướn. Lúc đó chị tính đường đi bán vé số dạo. Bán được thời gian, thấy bà con đồng hương mình vất vả, đã cảnh tha hương rồi mà mỗi người còn sống một nơi, chị mới ráng tích góp, đứng ra mướn một căn nhà rồi gọi “đồng nghiệp” đến đây nương nhau mà sống.

Hằng ngày, chị Thân nhận vé số từ đại lý lớn về chia cho mọi người đi bán lại. Để chi trả tiền thuê nhà, điện nước thì mỗi người sẽ trích 200 đồng tiền lời trên mỗi tờ số để chị lo liệu.

Anh Nguyễn Văn Hóa cùng người bạn đồng hương trên hành trình mưu sinh ở phố thị. Tết đến gần nhưng cả 2 anh đều chưa có vé xe để về quê
Số tiền mà anh Hóa và người bạn khiếm thị kiếm ra sẽ được dùng để trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình nơi quê nhà
Chị Dư và công việc mưu sinh thường nhật. Tết này, chị được Báo CATP tặng vé xe về quê trong chuyến trình “Chuyến xe nghĩa tình”

Chị Thân cũng là người đứng ra lo cơm nước cho các thành viên trong nhà và cái tên “nữ quản gia” cũng có từ đó. “Mùa nắng còn đỡ, tới mùa mưa là “thâu rầu” (thôi rồi - PV), bà con không ai đi bán được thì mình cũng đâu có tiền trả tiền nhà, phải chạy vạy đắp trước bù sau thì may ra mới xoay xở được” – chị Thân thở dài.

Trong “căn nhà chung” này, chị Nguyễn Thị Dư cũng thuộc hàng “thâm niên” khi đã gắn bó gần 10 năm trời. Mặc dù tạo hoá không cho một đôi chân lành lặn nhưng chị không muốn làm gánh nặng cho gia đình. Được hàng xóm rủ vào Nam bán vé số dạo, chị đi theo và gắn bó với công việc này đến giờ.

Không có tiền mua xe lăn, mới đầu chị dùng tấm ván đẩy làm phương tiện di chuyển mỗi ngày. “Nhờ mình lúc nào cũng vui vẻ nên mọi người thương, hầu như vé số ngày nào cũng bán hết. Làm thời gian, người ta thấy tội nên mới cho một chiếc xe đẩy để tiện bề đi bán” - chị Dư chia sẻ.

Mỗi người một cảnh đời, một số phận, ai cũng lắm nỗi éo le nhưng ở xóm ngụ cư này, những “cư dân vé số” luôn được biết đến với nghị lực phi thường và trên hết, họ yêu thương nhau. Có người, để kiếm được những đồng lời ít ỏi từ tờ vé số, họ phải lội bộ cả vài chục cây số mỗi ngày. Đó là chưa kể đến những lần bị kẻ xấu lừa gạt, trấn lột,… Nhưng sau tất cả, giữa một Sài Gòn rộng lớn và bao dung, họ vẫn đứng vững trước cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt.

“Sài Gòn là đất nghĩa tình, đất cưu mang. Như cu Bi đây nè, nó có thấy đường đâu mà ngày nào cũng được bán được vài trăm tờ, đem tiền về đủ. Nó đứng ở ngã tư, người ta tự lấy, rồi tự bỏ tiền vào túi áo nó. Nhờ ở đây người ta thương nên mới bán được như thế” – bà Nguyễn Thị Năm (60 tuổi) chỉ tay về phía một người đàn ông bị khiếm thị để minh chứng cho điều mình nói.

Bản nhạc ngày xuân

Câu chuyện của chúng tôi đang rôm rả thì một bản nhạc xuân được ai đó bật lên. Chủ đề về Tết lập tức được đưa ra bàn luận. Những nét mặt vui bỗng thoáng đượm buồn. Ở xóm ngụ cư này, không ít người nhiều năm chưa về Tết. Họ phải gác lại nỗi nhớ nhà, nhớ quê vì không đủ tiền mua vé xe về Tết. Anh Nguyễn Văn Hay (35 tuổi) là một trong số đó: đã 3 năm rồi, anh chưa một lần về quê và có lẽ, năm nay anh lại tiếp tục nỗi canh cánh trong lòng.

“Tiền đâu về Tết?”, đó không chỉ là câu hỏi khó ở xóm ngụ cư này mà còn là nỗi lòng của vài chục con người tha hương trong một xóm ngụ cư khác nằm phía trong đường Hoàng Sa (Q.3). Cô Nguyễn Thị Đẹp (70 tuổi - ngụ tại đây) kể, vé xe Tết về Phú Yên năm nay bị đội lên tới gần 500 ngàn đồng/vé (giá trước Tết là 250 ngàn đồng).

Để về được quê, 2 mẹ con đã “bấm bụng” chi gần 1 triệu đồng và chuyến khứ hồi cũng với giá như thế. “Thật sự đó là số tiền quá lớn với những người nghèo như mẹ con tui. Nhưng đành chịu, chứ biết sao giờ. Ở đây còn cả chục người không có tiền về quê ăn Tết” – cô Đẹp than thở.

Vài ngày theo chân những người bán vé số dạo, chúng tôi ghi nhận được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và trước cái Tết cận kề, họ ao ước được một chuyến xe về với gia đình.

Biết được tâm nguyện đó, năm nay Báo Công an TP.HCM tiếp tục phát động chương trình “Chuyến xe nghĩa tình” với quy mô 5 chiếc xe (200 ghế) cho bà con nghèo, sinh viên đang lao động và học tập tại TP.HCM để bà con có điều kiện về quê ăn Tết.

“Chuyến xe nghĩa tình” do Báo CATP tổ chức vào trước Tết Âm lịch năm ngoái đã mang lại niềm vui cho rất nhiều người Phú Yên xa quê cầu thực

Đây là chương trình ý nghĩa mà Báo CATP đã thực hiện lần đầu tiên vào trước Tết Âm lịch năm ngoái, mang lại niềm vui cho rất nhiều người nghèo xa xứ mưu sinh tại TP.HCM.

“Năm nay tui tưởng phải ở lại vì vé mắc quá với không mua kịp, giờ nhận được tấm vé do Báo CATP trao tặng, tui không thể nói thành lời” – bà Lê Thị Lan (SN 1969 – quê Phú Yên), nghẹn ngào nói khi biết chương trình ý nghĩa này.

Chúng tôi quay lại xóm ngụ cư mà chị Dư đang tá túc với 50 chiếc vé do chị đề xuất cho người nghèo. Cầm những tấm vé trên tay, chị rưng rưng nước mắt, nói chậm rãi từng nhịp: “10 năm ở Sài Gòn là 10 năm tôi nhận được tấm lòng bao dung của con người ở nơi đây. Có những người họ không cần dò vé số nhưng vẫn mua để giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn như chúng tôi. Và còn có những người đã âm thầm làm tất cả để mang đến những tấm vé xe đầy ắp tình người”.

Chị Dư dứt lời, cũng là lúc nhà hàng xóm thêm lần nữa cất vang bản nhạc xuân réo rắt. Ở xóm ngụ cư đêm nay, không khí xuân đã đến rất gần. Và đó, chắc chắn không còn là nỗi buồn “mất Tết” mà họ, những con người xa quê, phải cố nén chặt ở trong lòng…

Bà Lương Thị Y (75 tuổi): “Chúng tôi rất cảm kích”

Đây là năm thứ 2 nhờ chương trình “Chuyến xe nghĩa tình” của Báo CATP mà tôi được về quê ăn Tết. Tôi mừng lắm! Cứ mỗi đợt cuối năm là giá vé tăng gấp đôi, người nghèo như tôi vì cuộc sống ở quê quá khó khăn nên mới vào Sài Gòn kiếm kế mưu sinh, mỗi năm người lao động xa quê như tôi ai cũng nơm nớm lo không có vé xe về Tết.

Bà Lương Thị Y trong lần được phóng viên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) phỏng vấn trong chương trình “Chuyến xe nghĩa tình” vào trước Tết Âm lịch năm ngoái

Được sự quan tâm, giúp đỡ của Báo CATP, chúng tôi có được chuyến xe về với gia đình, có được cái Tết đoàn viên. Những người dân như chúng tôi rất cảm kích những gì mà quý báo đã thực hiện cho người nghèo. Sài Gòn nghĩa tình từ những điều như thế.

Anh Lê Ngân: “Cần nhiều chương trình hơn thế”

Tôi được biết ngoài chương trình “Chuyến xe nghĩa tình” mà Báo CATP vận hành 2 năm nay thì hiện nay tại TP.HCM, vẫn có nhiều nhóm và cá nhân đang thực hiện “chuyến xe 0 đồng” giúp cho bà con nghèo về Tết, bằng nguồn kinh phí quyên góp hoặc tự bỏ ra.

Anh Lê Ngân

Tôi thấy đây là một hoạt động ý nghĩa, cần được nhân rộng và lan toả, nhất là trong bối cảnh người dân miền Trung vừa trải qua nhiều cơn bão trong năm vừa qua. Hy vọng ngày càng có nhiều chuyến xe đong đầy sự yêu thương trước thềm Tết đến, xuân về.

Ông Quách Hải Đạt (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM):

Mỗi năm gần đến Tết, trong chuỗi chương trình mà Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM triển khai để hỗ trợ cho sinh viên, học sinh đang học tập trên địa bàn thành phố thì chúng tôi luôn có chương trình xe về Tết. Năm nay, dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, tổ chức đưa 3000 sinh viên với 400 chuyến xe.

Ông Quách Hải Đạt

Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều người dân trên mọi miền đất nước đang kiếm sống tại TP.HCM chưa có điều kiện đi xe về Tết. Mặt khác, giá vé đến nay đã tăng 150% đẩy cơ hội đoàn tụ với gia đình của người dân xa xứ có hoàn cảnh khó khăn vụt xa tầm tay.

Vì vậy, “Chuyến xe nghĩa tình” của Báo CATP là hết sức ý nghĩa. Tôi mong quý báo và các tấm lòng hảo tâm ở TP.HCM tiếp tục duy trì và tổ chức nhiều hơn nữa những chuyến xe như thế để chung tay giúp bà con có cơ hội sum vầy bên gia đình trong ngày xuân sau cả năm trời học tập, lao động kiếm sống trên mảnh đất thành phố nghĩa tình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang