Vì sao doanh nghiệp kinh doanh vàng "ngó lơ” nhiều phiên đấu thầu vàng miếng? (kỳ cuối)

Thứ Năm, 09/05/2024 08:38

|

(CATP) Thiếu nguồn cung đã khiến giá vàng trong nước neo cao. Lợi dụng tình trạng này, nhiều đối tượng tìm cách buôn lậu vàng, bất chấp nguy cơ phải đối diện với án phạt tù. Hàng loạt đường dây buôn lậu vàng với số lượng hàng ngàn lượng đã bị cơ quan chức năng bóc gỡ trong thời gian qua.

Những vụ buôn lậu rúng động vùng biên

Vụ án buôn lậu 51kg vàng do "trùm" buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, SN 1969, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) cùng 24 đồng phạm thực hiện gây xôn xao dư luận vẫn chưa kịp lắng xuống, bởi số vàng mà Công an tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ ở tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia (phường Vĩnh Nguơn, TP.Châu Đốc) vào tháng 10/2020 là cực lớn. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, đầu tháng 5/2021, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tịnh Biên tiếp tục bắt giữ vụ buôn lậu vàng và ngoại tệ cũng với số lượng "khủng".

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang, lúc 13 giờ 55 ngày 07/5, tại khu vực Barie số 2 thuộc Trạm Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), Tổ Công tác thuộc của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) và Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tịnh Biên phát hiện một phụ nữ điều khiển xe máy BS: 67F1-189.18 đi từ hướng cột mốc 257 vào Việt Nam có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng phương tiện.

Một số vụ buôn lậu vàng, ngoại tệ bị lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian qua (ảnh CTV)

Qua kiểm tra, trong túi da mà Huỳnh Thị Nguyên (SN 1983, trú thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang) đang đeo chứa 5 miếng kim loại màu vàng có chữ nước ngoài và 1.040.000 Riel (đơn vị tiền Campuchia). Ngay sau đó, lực lượng làm nhiệm vụ lập biên bản phạm tội quả tang, tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện.

Bước đầu, Nguyên khai đang sinh sống bên kia biên giới, được đối tượng tên Huôl thuê mang về Việt Nam giao cho tiệm vàng S.H (khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên). Tiến hành kiểm đếm tang vật, lực lượng chức năng xác định, ngoài 5kg vàng có chữ nước ngoài (tương đương 133 lượng, trị giá khoảng 7 tỷ đồng), 1.040.000 Riel, 1 xe máy, còn có 4 triệu đồng, 1 điện thoại Oppo và CMND mang tên Huỳnh Thị Nguyên.

Vào tháng 01/2022, Công an tỉnh An Giang tiếp tục bắt quả tang Nguyễn Thanh Bình (SN 1965, trú phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên) và Trang Kiến Cường (SN 1976, trú phường Châu Phú A) đang có hành vi mua bán vàng nhập lậu và đôla. Tại hiện trường, Công an thu giữ 3kg vàng 9999 (nhập lậu từ Campuchia), gần 190.000USD và 700 triệu đồng. Mở rộng vụ án, Cơ quan quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đồng loạt khám xét tiệm vàng Phước Quang (TP. Long Xuyên, An Giang) cùng 2 địa điểm khác có liên quan đến Bình và Cường.

Trong vụ án này, cơ quan chức năng đã khởi tố Nguyễn Thanh Bình; Trang Kiến Cường, Lê Văn Phi (SN 1991) và Lê Văn Hậu (SN 2002, cùng trú ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc); Phan Hùng (SN 1983, trú ấp Mỹ Thiện, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú); Nguyễn Bình Minh (SN 1972, trú ấp Phước Quản, xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) cùng về tội "buôn lậu".

Liên tục bị bắt giữ, khởi tố nhưng trước sự cám dỗ của sự chênh lệch giá vàng cực lớn, các đối tượng buôn lậu vàng, ngoại tệ vẫn lao vào như những con thiêu thân. Trong đó, đường dây buôn lậu 6.150kg vàng 9999 từ Campuchia về Việt Nam do 2 "bà trùm" Nguyễn Thị Minh Phụng (43 tuổi, quê Bình Định) và Nguyễn Thị Kim Phượng (39 tuổi, quê Tây Ninh) cầm đầu có tổng giá trị hơn 8.400 tỷ đồng tiếp tục bị cơ quan chức năng triệt phá.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, các bị can: Nguyễn Thị Minh Phụng kinh doanh tự do tại TPHCM; Nguyễn Thị Kim Phượng kinh doanh tự do tại Tây Ninh và Nguyễn Thị Thúy Hằng là chủ cửa hàng vàng Kim Oanh Hằng (TP.Tây Ninh). Trong quá trình kinh doanh, các đối tượng thấy giá vàng trên thị trường Việt Nam cao hơn giá vàng Campuchia nên đã thỏa thuận, thống nhất nhận đặt bán vàng lậu cho các chủ cửa hàng vàng trong nước.

Sau đó, Phụng, Phượng, Hằng liên hệ với các đối tượng người Campuchia và Nguyễn Thị Ngọc Giàu (44 tuổi, sinh sống tại cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh) đặt mua vàng lậu từ Campuchia mang về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc để bán lại kiếm lời. Các đối tượng này đã lợi dụng chính sách "không kiểm soát thường xuyên phương tiện đi lại vì mục đích sinh hoạt của cư dân biên giới" để chuyển hàng bằng cách để vàng vào ngăn bí mật của xe ba gác, chất đá lạnh lên trên ngụy trang, rồi qua cửa khẩu Chàng Riệc về Việt Nam. Vàng sau đó được tập kết tại xưởng đá lạnh của Giàu tại huyện Tân Biên (Tây Ninh) trước khi chia nhỏ, giao người của Phụng.

Qua xác minh, từ tháng 8 đến tháng 9/2022, đường dây của Phụng đã buôn lậu với tổng khối lượng 4.830kg vàng thỏi (trị giá hơn 6.644 tỷ đồng) từ Campuchia về Việt Nam, hưởng lợi hơn 17 tỷ đồng. Còn Nguyễn Thị Kim Phượng đặt mua vàng tại Camphuchia với giá 54.000USD/kg vàng 9999 rồi mang lậu về Việt Nam bán với giá cao hơn 300USD/kg. Việc vận chuyển vàng trong đường dây do Phượng cầm đầu cũng dùng thủ đoạn giấu hàng bằng xe ba gác, chất đá lạnh rồi vận chuyển qua biên giới.

Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2022, Phượng móc nối với Nguyễn Thị Ngọc Giàu và lôi kéo 5 người khác tham gia buôn lậu 1.320kg vàng thỏi, trị giá 1.817 tỷ đồng từ Campuchia về Việt Nam, hưởng lợi hơn 6,8 tỷ đồng.

Nên sớm điều chỉnh

Trên thực tế, giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn đã khiến Nghị định 24 bộc lộ nhiều bất cập. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho biết, thời gian vừa qua, do những "cú sốc" về dịch bệnh Covid-19, xung đột chính trị giữa Nga - Ukraina nên giá vàng có những biến động bất thường, dẫn đến giá vàng trong nước chênh lệch cao hơn giá vàng thế giới. Chênh lệch này đòi hỏi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải sớm nghiên cứu điều chỉnh sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng trong thời gian sớm nhất.

Việc sửa đổi Nghị định 24 giúp giảm sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Nếu không sửa sớm có thể dẫn đến các yếu tố tiêu cực như buôn lậu vàng, đôla đen. Theo đó, khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới thì các đối tượng buôn lậu sẽ dùng nhiều thủ đoạn để vận chuyển trái phép vàng qua biên giới kiếm lời.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đã đến lúc cần phải xem xét điều chỉnh Nghị định 24. Việc SJC là đơn vị duy nhất được lựa chọn sản xuất vàng miếng sẽ tạo ra thế độc quyền cho một thương hiệu. Vấn đề cần tính đến là phải tạo ra sự cạnh tranh, tránh việc tạo ra một thương hiệu, một sản phẩm vượt trội hơn những sản phẩm, thương hiệu khác.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), việc giao cho một đơn vị độc quyền trong một thị trường mở, rất mở và biên giới rộng sẽ rất khó có thể giữ được ổn định giá vàng. Bởi nếu chênh lệch thì lợi nhuận quá to mà biên giới thì dài, phức tạp nên không thể nào kiểm soát được việc buôn vàng để kiếm chênh lệch giá. Tốt nhất chúng ta chấp nhận giá quốc tế và nên tổ chức tốt hơn thị trường vàng, đồng thời ban hành khung luật pháp rõ ràng, tránh việc độc quyền.

Nếu độc quyền mà không kiểm soát được thị trường và không có đủ lực thì độc quyền đó sẽ không phát huy tác dụng. Không nên tiếp tục giữ việc độc quyền trong khi cơ quan được giao việc độc quyền lại không đủ lực để bảo đảm được chức năng đó.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả tổng hợp phiên đấu thầu vàng miếng SJC vào sáng 08/5. Theo đó, có 3 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 34 lô (3.400 lượng vàng). Giá trúng thầu duy nhất là 86,05 triệu đồng/lượng, cao hơn 750.000 đồng/lượng so với giá tham chiếu. Như vậy, đã có 3.400 lượng vàng miếng SJC được đấu thầu thành công trong tổng số 16.800 lượng được Ngân hàng Nhà nước đem ra đấu giá. Đây là phiên đấu giá thành công thứ hai trong tổng số 4 phiên đấu giá. Tổng số lượng vàng đấu giá thành công sau 2 phiên này là 6.800 lượng. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang