Sự thật về những công trình hoành tráng ở miền Tây:

Bài 3: Nhiều dự án bị thu hồi vì không triển khai

Thứ Sáu, 14/10/2022 12:44  | Thiện Thảo

|

(CATP) Trước thái độ bất hợp tác của chủ đầu tư, không ít địa phương buộc phải thu hồi dự án để mời gọi nhà đầu tư khác. Có cả nhà đầu tư là cơ quan nhà nước nhận dự án rồi… để đó.

Chấm dứt hoạt động 7 dự án

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, một lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cho biết: Tỉnh luôn chào đón những nhà đầu tư nhận thực hiện dự án, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. Dù công việc bề bộn, nhưng nhận được tin doanh nghiệp đến để xúc tiến đầu tư, thương mại là lãnh đạo tỉnh đều sắp xếp lịch đón tiếp. "Tỉnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư, như: miễn tiền thuê đất, giảm hoặc miễn thuế... Nhưng có chủ đầu tư nhận dự án rồi... để đó. Qua tìm hiểu của địa phương, hầu hết các doanh nghiệp không thực hiện dự án do không có năng lực về tài chính"- vị lãnh đạo tỉnh Trà Vinh xác nhận.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Trà Vinh thu hút được 4 dự án đầu tư, với tổng số vốn trên 13.617 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, tuy giảm 10 dự án, nhưng số vốn tăng gần 3.300 tỷ đồng. Cạnh đó, tỉnh này cũng tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Hội nghị Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch năm 2022. Tỉnh Trà Vinh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với 14 nhà đầu tư, thực hiện hơn 20 danh mục dự án.

Trong đó, có 7 dự án thuộc lĩnh vực thủy sản, 10 dự án về nông sản, 2 dự án về du lịch và 1 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng. Địa phương có 382 dự án còn hiệu lực; gồm 37 dự án đầu tư nước ngoài (tổng số vốn đăng ký là 3,05 tỷ USD) và 345 dự án đầu tư trong nước (tổng số vốn đăng ký trên 136.830 tỷ đồng). Nếu các dự án trên sớm thực hiện thì tỉnh Trà Vinh sẽ khoác lên mình "bộ áo mới".

Lễ khởi công dự án của Tập đoàn FLC

Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư bất hợp tác, nhận dự án rồi không triển khai. Tỉnh Trà Vinh nhiều lần ra "tối hậu thư” đôn đốc thực hiện các thủ tục, nhưng không nhận được sự phối hợp. Vừa qua, tỉnh đã quyết định chấm dứt hoạt động 7 dự án (tổng số vốn đầu tư trên 308 tỷ đồng). Trong đó, có 2 dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế là Dự án đầu tư Kho xăng dầu Long Toàn của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu sản xuất thương mại Petrol Life (vốn đăng ký là 150 tỷ đồng) và Dự án đầu tư Kho xăng dầu Petrol Vina của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại dầu khí Petrol Vina (vốn đăng ký đầu tư là 57 tỷ đồng).

Năm dự án còn lại gồm: Cơ sở dệt chiếu Hàm Tân của Hợp tác xã (HTX) Dệt chiếu Hàm Tân (vốn đầu tư hơn 31,6 tỷ đồng), "Nuôi nghêu trên đất bãi bồi cồn mới nổi ven biển" của HTX Nghêu Thành Công (1,94 tỷ đồng), Nhà máy gạch đất sét nung theo công nghệ sấy nung Tuynel của Công ty cổ phần Cosinco Cửu Long (hơn 24 tỷ đồng), Khu nông nghiệp Công nghệ cao của Công ty cổ phần Nông Trường Xanh (40 tỷ đồng), Phòng tập thể hình và thể dục thẩm mỹ Bội Ngọc của Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (4 tỷ đồng). Tỉnh đang kêu gọi nhà đầu tư mới nhận thực hiện các dự án trên.

"Cơn bão" liên quan đến Tập đoàn FLC

Ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt giam một số lãnh đạo Tập đoàn FLC, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã xem xét lại dự án có liên quan đến tập đoàn này. Những dự án nào đã thực hiện thì dự kiến sẽ tiếp tục triển khai. Nhưng qua kiểm tra, phần lớn dự án nằm ở vị trí đắc địa, chủ đầu tư nhận rồi... để đó. Vì vậy, địa phương ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án.

Tháng 3-2020, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt (P5 và P6TP.Sóc Trăng), tổng vốn đầu tư gần 2.500 tỷ đồng, trên diện tích hơn 47 héc-ta, trong đó có hơn 14,6 héc-ta là đất xây dựng nhà ở. Tập đoàn FLC là đơn vị được lựa chọn đầu tư dự án này. Mục tiêu của dự án là xây dựng khu đô thị gắn liền với công viên vui chơi giải trí, gồm: Nhà ở, dịch vụ thương mại tổng hợp, trung tâm văn hóa - thể dục - thể thao, các tiện ích đô thị khác..., phục vụ nhu cầu của người dân trong khu vực.

Dự án La Vista Sadec tại Đồng Tháp bị chậm tiến độ. Ảnh phối cảnh dự án

Từ khi có kết quả phê duyệt trúng thầu dự án đến nay, Tập đoàn FLC vẫn chưa ký hợp đồng thuê đất và chưa thực hiện các thủ tục về đầu tư. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chuyên môn hoàn tất thủ tục, trình UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã ban hành quyết định thu hồi chủ trương tiếp cận nghiên cứu, đề xuất 3 dự án đối với Tập đoàn FLC, gồm: Khu đô thị mới kết hợp công viên cây xanh Vị Thanh (P5TP.Vị Thanh), trên diện tích khoảng 185 héc-ta; Khu đô thị mới nam Vị Thanh (P5TP.Vị Thanh và xã Vị Trung, H.Vị Thủy), diện tích khoảng 120 héc-ta; nghiên cứu, tiếp cận Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu đô thị mới 927C (H.Châu Thành), quy mô gần 488 héc-ta. Tỉnh Hậu Giang đang phối hợp với các địa phương tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án trên.

Ngày 21-7-2019, Tập đoàn FLC khởi công Dự án La Vista Sadec. Đây là dự án du lịch - nghỉ dưỡng đồng bộ trên địa bàn Đồng Tháp, gồm: Khu đô thị thông minh (quy mô 275 héc-ta), tổ hợp khách sạn, thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp (quy mô 3,5 héc-ta) tại TP.Cao Lãnh... Ngày khởi công, nhà đầu tư cam kết quý 2/2022, dự án sẽ đi vào hoạt động. Thế nhưng đến nay, Dự án La Vista Sadeckhông đạt tiến độ theo kế hoạch.

Lãnh đạo địa phương kiểm tra, xác định phần đường giao thông, vỉa hè thực hiện đạt 95%, đài phun nước (đạt 65%), công trình trung tâm thương mại và công trình trường mầm non đang làm thủ tục mời thầu, không đạt tiến độ. Phần thi công các dãy nhà, có tổng số 353 căn, với 4 phân khu. Phân khu 1 gồm 76 nhà ở liền kề, mới thi công phần thô 10 căn (đạt 45%), phân khu 2 (đạt 25%), phân khu 3 gồm 61 căn nhà ở liền kề, mới thi công xong phần ép cọc đại trà móng 35 căn, phân khu 4 gồm 66 căn biệt thự, mới thi công phần móng 1 căn.

Tính đến tháng 6-2022, chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán 160 căn, còn lại 193 căn chưa có người đăng ký mua. Do tình hình dịch Covid-19, giá vật tư xây dựng tăng, nhân sự lãnh đạo của tập đoàn này có sự thay đổi, chủ đầu tư chậm lựa chọn nhà thầu xây dựng, dẫn đến tình trạng dự án chậm tiến độ. Chủ đầu tư đã xin gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến cuối tháng 11-2023. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo UBND TP.Sa Đéc rà soát lại các thủ tục, đề xuất phương án xử lý. UBND tỉnh sẽ có buổi làm việc với nhà đầu tư để tìm phương án tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, không để tình trạng chậm trễ kéo dài.

Dự án nhà khách dừng triển khai

Trong thời gian dài, người dân TP.Cần Thơ tỏ ra tiếc rẻ khi đi trên đường Nguyễn Văn Cừ, hướng đến H.Phong Điền. Một hàng rào phủ rêu phong, cỏ dại bám đầy kéo dài gần chục cây số. Vào bên trong, cỏ dại mọc um tùm. Được biết, nhiều năm trước, địa phương tiến hành thu hồi đất của người dân để thực hiện Dự án Khu nghỉ dưỡng - Nhà khách Thành ủy. "Đất thu hồi xong, sau đó xây hàng rào bê-tông gần cả chục cây số rồi để đó..." - một người dân cho biết.

Được biết, để thực hiện Khu nghỉ dưỡng - Nhà khách Thành ủy do Văn phòng Thành ủy Cần Thơ làm chủ đầu tư, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 14 héc-ta. Tuy nhiên, sau khi bồi thường cho người dân và thu hồi đất xong, chủ đầu tư chỉ xây dựng hàng rào, không triển khai thi công xây dựng nhiều năm liền. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo TP.Cần Thơ cho biết: "Hiện nay, Dự án Khu nghỉ dưỡng - Nhà khách Thành ủy tạm dừng. Chủ đầu tư không kêu gọi đầu tư. Hướng tới, thành phố sẽ xem xét tiếp tục thực hiện dự án hoặc chuyển đổi công năng cho phù hợp".

(Còn tiếp...)

Bài 2: Bệnh nhân chờ... bệnh viện!
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang