Tội phạm chứng khoán:

Bài cuối: Khi "bí ẩn" bị phanh phui

Thứ Sáu, 06/05/2022 12:49

|

(CATP) Qua các vụ án "nổi cộm" về thao túng, trục lợi trên thị trường chứng khoán cho thấy bọn xấu lợi dụng thị trường chứng khoán phát triển, về số lượng nhà đầu tư gia tăng cao, các hội nhóm chứng khoán lập nhiều "nhóm kín", rồi tư vấn "lôi kéo" các nhà đầu tư tham gia mua bán cổ phiếu nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư cũng như một số thông tin không lành mạnh gây ảnh hưởng đến thị trường.

Lật mặt "ông lớn"

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan là một vụ án nổi cộm và điển hình. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, thị hành lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng và 6 bị can đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 7-2021 đến 3-2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Ngày 5-4-2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng và 6 bị can đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Đỗ Hoàng Việt - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Trần Hồng Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Khoa Đức - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông; Lê Văn Thịnh - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh và Phùng Thế Tính - nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính Kế toán, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Hiện với những vụ án nổi cộm về thao túng thị trường chứng khoán, Bộ Công an tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương điều tra làm rõ những vi phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, góp phần minh bạch, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Vi phạm trên thị trường vốn chủ yếu là công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán.

Phát biểu tại "Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế", thiếu tướng Lê Văn Tuyến - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, thị trường chứng khoán trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế. Những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, quy mô giao dịch ngày càng tăng. Tuy nhiên, song hành với đó là sự xuất hiện của những hành vi thiếu minh bạch trên thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi phức tạp.

Có thể tập trung vào một số hành vi phổ biến như sau: "Việc chấp hành không đúng quy định của pháp luật về công bố các thông tin liên quan đến thị trường và giao dịch. Theo Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ riêng trong năm 2021 đã có 38 đoàn thanh tra kiểm tra và ban hành 471 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 20 tỷ đồng. Phân tích các hành vi vi phạm thì chủ yếu tập trung vào các hành vi như công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán và các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự".

Đặc biệt là hành vi mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan cổ đông nội bộ vẫn diễn ra có chiều hướng gia tăng phức tạp, gây thiếu niềm tin cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch, đặt ra những vấn đề thiếu minh bạch trên thị trường chứng khoán. Cũng theo thiếu tướng Lê Văn Tuyến, những hành vi này tác động đến tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và tiềm ẩn những vấn đề phức tạp.

Tình trạng cung cấp, đưa thông tin sai lệch thất thiệt trên các trạng xã hội và lôi kéo các nhóm đầu tư, nhóm tư vấn mua bán gây thiệt hại cho nhà đầu tư có chiều hướng gia tăng. Lợi dụng thị trường chứng khoán phát triển, số lượng nhà đầu tư gia tăng, các hội nhóm chứng khoán lập nhiều nhóm kín tư vấn lôi kéo nhà đầu tư tham gia mua - bán cổ phiếu nhằm trục lợi.

Đỗ Anh Dũng

Tội phạm tiềm ẩn

Từ năm 2021 đến những tháng đầu năm 2022, trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng như một số thông tin không lành mạnh gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, kẻ xấu lôi kéo các nhà đầu tư tập trung vào chứng khoán gây tiềm ẩn gia tăng nợ xấu và an toàn an ninh tiền tệ. Tiềm ẩn nguy cơ liên quan đến an ninh tiền tệ.

Thiếu tướng Lê Văn Tuyến nhấn mạnh: "Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu các doanh nghiệp là để hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, giảm sự phụ thuộc vào việc cung ứng vốn từ kênh chính ngân hàng. Đây là quan điểm xuyên suốt được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tập trung chỉ đạo. Qua đó cũng giúp cho các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, định hướng các nhà đầu tư vào các khoản đầu tư trung và dài hạn giảm bớt rủi ro của các ngân hàng thương mại trong việc huy động vốn ngắn hạn, để cho vay vốn trung và dài hạn, nâng cao tính công khai minh bạch trên thị trường".

Tuy nhiên thời gian qua, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nổi lên một số vấn đề tiềm ẩn rủi ro gây nguy cơ liên quan đến an ninh tiền lệ như việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tài sản đảm bảo tỉ lệ thấp. Khảo sát thì số lượng này chiếm khoảng 50,9%. Tình trạng doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp, thua lỗ nhưng vẫn phát hành khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp với mục đích huy động vốn cho công ty.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng sử dụng sai mục đích, mức lãi suất trái phiếu cao khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán cũng như là vỡ nợ. Quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp phát sinh các hành vi vi phạm không minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo công khai thông tin liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành cũng như nhân viên môi giới không có chứng chỉ hành nghề.

Có thể nói tội phạm trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ được coi là tội phạm ẩn diễn ra thời gian dài, khi bị phát hiện gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cũng gây khó khăn trong quá trình phát hiện điều tra xử lý của các cơ quan chức năng. Xử lý nghiêm vi phạm, tạo niềm tin cho nhà đầu tư đó là thời gian qua với chức năng được giao, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ ngành liên qua tập chung chỉ đạo công an các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an ninh tài chính, an ninh kinh tế, nhất là trên lĩnh vực thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp.

Trên lĩnh vực này, cơ quan chức năng chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi bổ sung một số văn bản cho phù hợp để hạn chế những sơ hở, bất cập. Đồng thời, Bộ Công an cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương điều tra làm rõ những vi phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, góp phần minh bạch, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Thời gian tới, trước những biến động của thị trường tài chính tiền tệ, sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế các nước, cũng như vấn đề nội tại của thị trường vốn Việt Nam, để đảm bảo an toàn minh bạch thị trường, giám sát thị trường chứng khoán, cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang