TP.Hồ Chí Minh: Kinh tế bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch

Thứ Bảy, 30/04/2022 11:51

|

(CATP) Ngày 20-3, đoàn công tác của Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội. Theo Chủ tịch Quốc hội, sau dịch Covid-19, TPHCM trở lại nhanh hơn mong muốn, hơn kỳ vọng. Điều này rất đáng mừng, mừng đến phát khóc...

KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT

Nhìn lại chặng đường vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành tặng cho TPHCM 6 chữ "T". Đó là Tự hào - Tự tin - Trí tuệ - Toàn tâm - Toàn ý - Thành công. Nói về đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng nhìn nhận: "Cả TP đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm chưa từng có trong lịch sử của dịch bệnh. Ngày cao điểm 28-8-2021, số ca mắc mới lên đến 17.403 ca, cùng lúc phải chăm sóc cho hơn 104.000 F0, trong đó có gần 40.000 F0 nặng. TP đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến và chuyển công năng 54 bệnh viện và bệnh viện nào cũng quá tải. Từ 18-8 đến 24-8, số tử vong tăng lên đến 2.105 ca/tuần".

Qua những con số đó mới thấy những tháng cuối năm 2021, TPHCM khó khăn như thế nào, đặc biệt trong các tháng 7, 8, 9. Dịch bệnh Covid-19 là chưa có tiền lệ và những hệ quả của nó cũng rất khó dự báo để ứng phó. Trước khi bước vào những tháng ngày giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 bùng phát lần thứ 4, đầu tàu kinh tế của Việt Nam từng ghi nhận thành tích GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) nửa đầu năm nay đạt 680.328 tỷ đồng (tăng 5,46%), mức cao nhất trong vòng năm 5 trở lại đây.

Kinh tế TPHCM đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19- Ảnh: Độc Lập

Tháng 6-2022, kinh tế TPHCM vẫn ổn, đến tháng 7, 8 và 9 tất cả bắt đầu xoay trục. Những tổn thương nghiêm trọng đã xảy ra ở ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ. Tình hình xấu đi nhiều trong tháng 8 và 9 khi xuất nhập khẩu bắt đầu giảm mạnh, lần lượt sụt 39,3% và 15% so với tháng 6 - tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Doanh số thương mại dịch vụ tháng 8 chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp lúc này cũng giảm sâu 22,4% so với tháng trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9 ghi nhận giảm 12,9% so với cùng kỳ 2020. Suốt cả tháng, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ 594, thấp hơn cả số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trung bình trong một ngày giai đoạn bình thường. Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM công bố vào cuối tháng 9-2021, có hơn 90% doanh nghiệp cho rằng tình hình rất khó khăn. Dịch bệnh cũng tác động tiêu cực đến người lao động khi 381.420 người mất việc và 18.464 hộ, sạp của thương nhân tại các chợ truyền thống phải tạm dừng do giãn cách.

Đại dịch Covid-19 khiến quy mô nền kinh tế TPHCM vận hành dưới 50% trong tháng 9-2021; suy giảm tăng trưởng chưa từng có: năm 2019 đạt 7,8%, năm 2020 là 1,36%, thì năm 2021 ước -5%. Bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi ngày thành phố thu khoảng 1.800 tỷ đồng, nhưng tháng 7, tháng 8, mức thu mỗi ngày chỉ đạt 700 tỷ đồng và đến tháng 9 giảm còn trên 600 tỷ đồng, cân đối ngân sách năm nay của thành phố sẽ vô cùng khó khăn.

VƯỢT QUA "BẠO BỆNH"

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyên Văn Nên, TPHCM là đầu tàu kinh tế, vừa vượt qua cơn "bạo bệnh" và đang bật dậy một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, đầu tàu này đã bị giảm tốc từ lâu, nhất là những năm gần đây: mất trớn, mất đà và yếu lực. Đầu tàu khởi động, tăng tốc được sẽ kéo cả con tàu vượt qua khó khăn. Và TPHCM đã vượt qua những khó khăn tưởng như không thể vượt qua, tất cả nhờ Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Chính nhờ Nghị quyết này cả nước bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh, khắc phục được tình trạng đứt gãy quá trình lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và tiêu thụ, củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của nhà đầu tư về xu hướng, khả năng phục hồi của nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, di chuyển của người dân, người lao động đang trở lại trạng thái bình thường. TPHCM bừng tỉnh dậy. Hàng ngàn doanh nghiệp như sống lại, hàng trăm ngàn lao động trở lại TP, trở lại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất được nối lại, các kênh tiêu thụ được khơi lại nhanh chóng.

Lực lượng y, bác sĩ hoạt động hết công suất trong bệnh viện dã chiến thời điểm dịch bùng phát

Tính đến hết quý I/2022, sản xuất công nghiệp TPHCM khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 5,5%. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 11,9 tỷ USD, tăng 3,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 10.000 tỷ đồng. Tất cả cho thấy, tăng trưởng kinh tế TPHCM đang phục hồi mạnh mẽ. Theo báo cáo của UBND TPHCM, từ đầu năm 2022 đến đầu tháng 4, trên địa bàn TPHCM có 9.150 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 145.931 tỷ đồng; 17.335 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, vốn điều chỉnh bổ sung tăng 137.044 tỷ đồng, tăng 16,26% so với cùng kỳ.

Về vốn tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 10.533 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn gần 53 tỷ USD - vẫn dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước. Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TPHCM thu hút ước đạt 406,58 triệu USD, ước giảm khoảng 40,09% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước quý 1-2022 ước thực hiện hơn 121.000 tỷ đồng, đạt 31,3% dự toán và tăng 9,4% so với cùng kỳ. Đây là tiền đề, khởi đầu tốt đẹp trong năm 2022, cho thấy kinh tế TPHCM đang trên đà phục hồi nhanh chóng.

Tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân TPHCM hôm 7-4, bà Nguyễn Thị Lệ đánh giá, kinh tế TPHCM đã hồi phục sau đại dịch Covid-19 và có nhiều điểm sáng, báo hiệu sự khởi sắc, cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp kinh tế thành phố khá tốt.

VẪN CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Nếu nhìn lại kinh tế TPHCM nửa cuối năm ngoái, với mức giảm sâu GRDP tới gần -25% trong quý III, giảm chậm lại -11,64% trong quý IV thì có thể thấy sự phục hồi tăng trưởng dương quý I năm 2022 là hết sức tích cực. Điều quan trọng là dịch bệnh Covid-19 ở TPHCM đã được kiểm soát rất tốt. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, số người F0 (mắc Covid-19) mới giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay, những ngày gần đây chỉ ghi nhận dưới 100, thậm chí dưới 50 người/ngày. Có thời điểm nhiều ngày không ghi nhận người tử vong.

Trong những điều kiện đó, kinh tế TPHCM đã trở lại hoạt động gần như bình thường, đặc biệt ngành du lịch đang hồi sinh mạnh mẽ. Đặc biệt nhu cầu đi lại bằng đường hàng không bất ngờ bứt tốc, sân bay đông nghẹt người trước thềm dịp Lễ 30-4, mở ra cơ hội làm ăn lớn cho ngành hàng không và du lịch. Theo Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, hiện nay 1.500 nhà máy đã hoạt động ổn định. Lượng công nhân quay trở lại làm việc đạt gần 100%.

Dù vậy kinh tế TPHCM vẫn có những thách thức phía trước khi mà dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp, như đang diễn ra ở Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Tình hình chính trị thế giới biến động khó lường với xung đột tại Nga - Ukraine. Chưa kể, nền kinh tế TPHCM cũng đang đứng trước thời điểm rất thách thức như sự tăng giá năng lượng và các yếu tố đầu vào, sự đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu làm tăng thời gian xuất nhập khẩu hàng hóa.

Do đó, để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững thời gian tới, các chuyên gia đưa ra 3 giải pháp: Thứ nhất, xây dựng kế hoạch phục hồi nhanh chóng ngành du lịch; thứ hai, đẩy nhanh hơn nữa các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp như miễn giảm, gia hạn nộp thuế, tái cơ cấu lại nợ...; thứ ba, tiếp tục hỗ trợ người lao động thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội. Các giải pháp này đang được TPHCM thực hiện, để TPHCM trở lại là đầu tàu mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm 2022.

ADB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 6,5%

Tại cuộc họp báo Triển vọng phát triển Việt Nam hôm 6-4, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries đánh giá, sự bùng phát đại dịch Covid-19 đã cản trở sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, thắt chặt thị trường lao động và gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất trong năm 2021. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng cao đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt. Sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh. Kinh tế Việt Nam sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất định.

Ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Việt Nam cho biết, các động lực tăng trưởng của Việt Nam hiện đang rất mạnh mẽ. Một trong những động lực đó là sự phục hồi của ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP...

"Với những động lực trên, ADB rất lạc quan vào triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2022. ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam như trong lần công bố dự báo lần trước. Theo dự báo của chúng tôi, kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,5% trong năm 2022 và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023" - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang