Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Cần khơi thông dòng vốn bị nghẽn

Thứ Sáu, 28/06/2024 10:54

|

(CATP) GDP quý II của Việt Nam có thể tăng trưởng 6%, nhưng dòng vốn chờ đầu tư vẫn rất lớn. Trong khi tiền gửi tiết kiệm của người dân đạt kỷ lục, lên đến 6,676 triệu tỷ đồng, dù mức lãi suất xuống rất thấp. Tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức... vẫn rất cao. Nếu dòng vốn được khơi thông, tăng trưởng tín dụng cao, kinh tế nước ta sẽ tốt lên trong 6 tháng cuối năm 2024.

Tiền gửi tiết kiệm đạt kỷ lục

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện rất nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, tuy nhiên việc sức cầu thị trường thấp nên tăng trưởng tín dụng vẫn rất gian nan. Dòng vốn vẫn nằm trong tiết kiệm, trong tài khoản mà không chảy về các doanh nghiệp (DN).

Trong khi đó, tiền gửi tiết kiệm của người dân vẫn tăng rất cao. Theo thống kê từ NHNN, đến cuối tháng 3/2024, tiền tiết kiệm của dân cư được gửi vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,676 triệu tỷ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm ngoái, bất chấp lãi suất tiền gửi thấp nhất trong suốt 20 năm qua, kể cả trong 2 năm đại dịch Covid-19.

Tiền gửi tiết kiệm của người dân đạt 6,676 triệu tỷ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay. Do lãi suất ngân hàng ngắn hạn (dưới 6 tháng) ở nhiều ngân hàng còn thấp hơn mức lạm phát, nên việc gửi tiền tiết kiệm không còn hấp dẫn nhưng người dân vẫn thích gửi kỳ hạn ngắn, khoảng 3 - 6 tháng, vì chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn không nhiều, cho thấy gửi tiết kiệm vẫn chỉ là nơi trú ẩn tạm thời của dòng tiền trong lúc chờ tín hiệu từ các kênh đầu tư khác.

Thực tế này khác với dự báo của nhiều chuyên gia tài chính cho rằng khi lãi suất tiết kiệm xuống đáy, người dân sẽ tìm những kênh khác có lợi hơn để đầu tư, tiền tiết kiệm gửi trong ngân hàng sẽ được rút ra để "chảy" sang các kênh đầu tư khác. Thời gian qua giá vàng "nhảy múa", người dân có tiền vẫn muốn đầu tư kênh mua vàng hay một số người nhảy sang lĩnh vực đầu tư chứng khoán nhưng thị trường này vẫn bấp bênh. Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn chưa ấm lên khi mà nhiều thủ tục pháp lý chưa được tháo gỡ, chờ đợi các luật liên quan đến đất đai, nhà ở có hiệu lực.

Theo nhận định của NHNN, xu hướng người dân gửi thêm tiền vào ngân hàng được duy trì suốt từ tháng 9/2022 đến nay, chỉ có tháng 01/2024, lượng tiền gửi có giảm nhẹ. Không chỉ người dân, tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức, theo thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 3/2024, đạt 6,627 triệu tỷ đồng, tăng 104.000 tỷ đồng so với tháng 2. So với cuối năm ngoái, lượng tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có giảm hơn 3%, song vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng vẫn rất thấp. Hiện một số ngân hàng có tăng lãi suất tiền gửi nhưng không đáng kể, mức cao nhất chỉ 5 - 6%/năm, lãi suất cao nhất 6,1%/năm cho kỳ hạn tiền gửi từ 18 đến 60 tháng...

Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 phải đạt 15 - 16% Ảnh: TTXVN

Kỷ lục về tiền gửi, tiền chờ trên tài khoản chứng khoán cũng được ghi nhận tại các công ty chứng khoán rất lớn. Cao nhất về lượng tiền của khách hàng tính đến cuối năm 2023 vẫn là Chứng khoán VPS với hơn 16.500 tỷ đồng. Tại VNDirect, số dư tiền gửi hơn 6.366 tỷ đồng, tăng 35% so với cuối năm 2022, TCBS (5.774 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần) và SSI (5.274 tỷ đồng, tăng gần 12%). Nhóm VCBS, Mirae Asset, MBS, VCI, HCM, FPTS, BVS, BSI, VPBanks... tiền gửi của khách hàng tồn cả nghìn tỷ đồng. Trong số này chiếm chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư theo phương thức công ty chứng khoán quản lý.

Đây là số vốn rất lớn mà các nhà đầu tư tạm gửi, để trông chờ cơ hội thị trường, rót tiền và chuẩn bị sẵn sàng giao dịch ở thời điểm phù hợp, hoặc vẫn đang lựa chọn cổ phiếu... Các chuyên gia kinh tế nhận định, đó là nghịch lý của tiết kiệm, khi tiền gửi vào hệ thống ngân hàng và tiền mặt trong tài khoản chứng khoán cao kỷ lục.

Hai thị trường có sự hấp dẫn nhà đầu tư nhất là chứng khoán và bất động sản, cả hai vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Thị trường bất động sản chưa thể ấm lên, vẫn còn vướng nhiều vấn đề như vốn, đặc biệt về các cơ sở pháp lý, trong khi chờ đợi các luật liên quan đến đất đai, nhà ở có hiệu lực từ ngày 01/8.

Các doanh nghiệp trên đà phục hồi

Kinh tế nước ta đang ấm lên, nhưng thực sự vẫn chưa trở lại tăng trưởng mạnh mẽ như những năm trước đại dịch. GDP quý I đã cao hơn 4 năm trở lại đây, nhưng cần lưu ý rằng đó là sự so sánh tăng trưởng trên nền thấp những năm trước, khi 4 năm qua đã có 3 năm ngưng trệ vì dịch Covid-19 và năm 2023 quá khó khăn trước những biến động địa chính trị kinh tế thế giới.

Theo dự báo của Ngân hàng UOB, GDP quý II của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trên cơ sở các hoạt động kinh tế đang đi đúng hướng. Dòng vốn FDI tích cực cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường chính trị và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. UOB nhận định: "Dựa trên dữ liệu được công bố cho đến nay, kỳ vọng tăng trưởng GDP trong quý II sẽ tăng lên 6% so với cùng kỳ, kéo dài mức tăng 5,66% trong quý I. Dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024".

Tăng trưởng kinh tế các quý trong năm 2023 và dự báo tăng trưởng quý II/2024 của Ngân hàng UOB Nguồn: Tổng Cục thống kê, UOB

Dự báo của UOB khá chính xác. Ông Bùi Huy Sơn (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công thương) cho biết tại họp báo thường kỳ, 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 370 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD. Đó là những tín hiệu lạc quan ở tầm kinh tế vĩ mô, chủ yếu nhờ các DN có vốn khu vực FDI nhưng các DN trong nước, đặc biệt các DN vừa và nhỏ chậm phục hồi, cần có thời gian mới có thể bứt phá.

Tốc độ phục hồi hiện tại của kinh tế Việt Nam đang theo mô hình tuyến tính, và cần thời gian để có thể trở lại như năm 2022. Mặc dù các chính sách đang hỗ trợ rất tốt cho DN và người dân, nhưng sức cầu vẫn tương đối yếu do yếu tố tâm lý khi người dân vẫn đang ưu tiên cho tiết kiệm để phòng ngừa những rủi ro về sinh kế hơn là tiêu dùng và đầu tư.

Tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Để các DN trong nước phục hồi vững chắc, các chuyên gia Ngân hàng UOB kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trên cơ sở cân bằng giữa các yếu tố phục hồi kinh tế trong nước ổn định, áp lực lạm phát vừa phải và đồng VND yếu đi so với USD. Các chuyên gia khuyến nghị: "Thay vì thay đổi lãi suất, nhà điều hành đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ hoạt động kinh tế, các lĩnh vực tăng trưởng mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và nhà ở xã hội".

Nhận định này phù hợp với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng cần đạt 5 - 6%, cả năm đạt 15 - 16% theo mục tiêu đề ra. NHNN cũng lấy mục tiêu này để phấn đấu và đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng để chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Chính phủ cũng yêu cầu tăng trưởng tín dụng vẫn phải kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống, không những tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, mà còn phải đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh, đồng hành cùng quá trình cam kết tiến đến Net zero vào năm 2050.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 14/6, tín dụng mới tăng 3,79% so với cuối năm 2023, dù ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, nhưng đến thời điểm hiện tại tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Mức tăng 3,79% của 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước, mà đó là những năm nước ta vừa thoát khỏi đại dịch Covid-19. Mức tăng đó phản ánh sự hấp thụ tài chính của nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Thực trạng ở một số địa phương, tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, đến nay vẫn còn 23 tỉnh tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh tăng trưởng không quá 2%. Đối với hệ thống tổ chức tín dụng, bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng cao hơn 10% thì vẫn có những ngân hàng tín dụng âm hơn 4%.

"Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó cần duy trì các chính sách nới lỏng hiện tại cả về tài khóa và tiền tệ, Chính phủ cần tung ra các gói nới lỏng định lượng trong dài hạn cho nhiều ngành nghề cần vốn. Việc nền kinh tế được khơi thông nguồn vốn dài hạn sẽ giúp cho người dân, DN tự tin hơn trong tiêu dùng và đầu tư, từ đó thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ cho tăng trưởng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang