(CAO) Chiều 2-3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm với phần thẩm vấn về trách nhiệm của người quản lý nguồn vốn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Oceanbank.
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank), khi chị ta thay thế vị trí Tổng giám đốc Oceanbank của Nguyễn Xuân Sơn, Sơn có cuộc trao đổi để bàn giao công việc lại cho Thu. Cuộc trao đổi liên quan đến hoạt động huy động vốn của khách hàng, chủ yếu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Các bị cáo tại tòa
Theo lời khai của Hà Văn Thắm, việc chi lãi ngoài là xuất phát từ bàn bạc của anh ta với bị cáo Sơn. Sau khi bị cáo Sơn chuyển về PVN, Sơn chuyển giao công việc cho Nguyễn Minh Thu và nói sẽ hướng dẫn Thu làm. Thắm khai mình đồng tình với Sơn vì thời điểm đó, thị trường rất khó khăn. Thực hiện việc chi lãi ngoài, Thắm đưa Sơn tiền để "chăm sóc khách hàng" và chi cho ai thì Sơn tự quyết. Thắm không trực tiếp đưa tiền cho bị cáo Sơn mà đều qua người trung gian và hầu hết Sơn không trực tiếp ký nhận tiền mà để người trung gian ký nhận. "Tại thời điểm đó, khoản tiền PVN gửi Oceanbank khoảng trên 20.000 tỷ đồng. Nếu như chi 1% thì lãi ngoài là 20 tỷ đồng/tháng, tùy kỳ hạn", Hà Văn Thắm khai nhận.
Tuy Hà Văn Thắm và các thuộc cấp khai chi lãi ngoài cho khách hàng, nhưng tại phiên toà, đại diện ủy quyền PVOil cho biết, trong quá trình điều tra phía PVOil đã rà soát hệ thống tài khoản, khẳng định không nhận bất cứ khoản tiền nào từ Phó TGĐ OceanBank Nguyễn Minh Thu và OceanBank.
Không chỉ vậy, phía PVOil cũng mời các cán bộ cũ về hỏi nhưng họ cũng khẳng định không nhận tiền. Trong khi đó, Thu khẳng định quá trình chi trả cho khách hàng có giám đốc hoặc phó giám đốc đi cùng. Cụ thể, Thu đã chi trả cho PVOil 15,7 tỷ đồng và cho biết, việc chi lãi ngoài, OceanBank không yêu cầu các khách hàng phải ký nhận.
(CAO) Ngày 2-3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm với phần thẩm vấn. Hà Văn Thắm đã thừa nhận, mình đã lừa cấp dưới, dẫn đến nhiều người dính vòng lao lý.
Trong khi đó Ninh Văn Quỳnh – kế toán trưởng PVN cho biết tổng số tiền PVN gửi ở OceanBank thời điểm cao nhất là năm 2011 khoảng 11.000 tỷ đồng. Tất cả các hợp đồng đều do ông Quỳnh ký. Ông Quỳnh cũng khẳng định chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ OceanBank, không chịu áp lực nào về việc gửi tiền vào OceanBank.
Ngoài ra, ông Quỳnh cũng cho biết, một số cán bộ góp vốn trước đây đều đưa vào góp vốn cho OceanBank. PVN sở hữu 20% vốn tại OceanBank, góp vốn thành 3 lần, tổng cộng 800 tỷ đồng, OceanBank đều có hồ sơ và Thủ tướng Chính phủ đồng ý. PVN có quy chế quản lý nguồn vốn về các bước và trách nhiệm của từng người theo từng tháng, từng quý, từng năm.
Ông Quỳnh cũng cho biết, việc góp vốn vào OceanBank có nghị quyết của HĐQT, khi đã có thống nhất mới đồng ý góp vốn. Khi HĐXX thẩm vấn đại diện PVN: “Trong khi tình hình sản xuất kinh doanh như thế, trên thực tế từ năm 2012 Ngân hàng Nhà nước đã có những cảnh báo với PVN về tình hình kinh doanh tiền tệ của Oceanbank, theo đó nợ xấu của Oceanbank lên rất cao, thế PVN có động tác gì, trách nhiệm của những người quản lý số vốn này như thế nào” thì đại diện PVN trả lời: “Chúng tôi không nhận được báo cáo nào!”. Chính sự tắc trách này dẫn đến việc mất khoản đầu tư 800 tỷ đồng của PVN.
Tại phiên tòa chiều 2-3, Hội đồng xét xử cho biết, với căn cứ và diễn biến tại phiên tòa, Tòa sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân người quản lý vốn của PVN tại OceanBank (số tiền 800 tỷ đồng) bởi số vốn đó suy cho cùng là tiền thuế của nhân dân. Buổi thẩm vấn ngày 2/3, HĐXX cũng đặt các câu hỏi nhằm làm rõ vai trò của người chịu trách nhiệm trong việc góp số vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank.