(CAO) Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng, trong đó có ứng dụng gọi xe công nghệ (taxi công nghệ) trong thời gian qua không chỉ khiến các hãng taxi truyền thống lâm vào tình cảnh khó khăn mà cơ quan chức năng cũng bị lúng túng trong quản lý.
Tìm một mô hình thích hợp để vừa có thể tạo ra được một môi trường cạnh tranh công bằng, vừa không kìm hãm xu thế phát triển chung của thời đại đang là một nhu cầu bức thiết hơn bao giờ hết.
Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới thời gian qua cũng đã ban hành nhiều khung pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn loại hình kinh doanh mới mẻ này.
Tại Singapore, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có hiệu lực tháng từ tháng 7-2017 thể hiện quan điểm ủng hộ loại hình kinh tế chia sẻ mới này nhằm nâng cao hiệu quả nguồn lực, cho phép người dùng có nhiều lựa chọn hơn với chi phí thấp hơn.
Theo đó, Singgapore không coi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối vận tải là doanh nghiệp vận tải. Các doanh nghiệp như Uber/Grab được coi là các doanh nghiệp cung cấp công nghệ và mô hình kinh doanh mới, thông qua nền tảng kinh tế chia sẻ (sharing economy platform).
Tuy nhiên, nước này lại đặt ra nhiều quy định điều chỉnh đối với phương tiện cho thuê cá nhân (Private Hire Vehicles) và tài xế tham gia vào hoạt động vận tải nhằm đảm bảo sự an toàn và lợi ích của hành khách.
Cụ thể, phương tiện cho thuê cá nhân phải được đăng ký với Cơ quan vận tải đường bộ (LTA) và phải dán phù hiệu phương tiện cho thuê cá nhân. Lái xe phải được cấp giấy phép lái xe cho thuê cá nhân chuyên nghiệp (PDVL) với nhiều điều kiện khắt khe như chứng nhận sức khỏe, phải tham gia khóa huấn luyện kéo dài 10 tiếng về an toàn giao thông và các quy định liên quan.
Tại Malaysia vào tháng 7-2017, hạ viện nước này cũng đã thông qua 2 dự luật sửa đổi Luật Giao thông Công cộng Đường bộ 2010 và Đạo luật Cấp phép Phương tiện Thương mại 1987 để hợp pháp hóa dịch vụ gọi xe bằng di động.
Theo đó, một định nghĩa mới là “Dịch vụ trung gian” (intermediation business) được đặt ra để hợp pháp hóa các dịch vụ gọi xe theo nhu cầu qua ứng dụng. Qua đó, các hãng gọi xe như Grab có cơ hội để mở rộng phạm vi hoạt động.
Tuy nhiên, cũng giống như Singapore, các tài xế đối tác của những hãng như Grab sẽ phải có giấy phép hành nghề dịch vụ vận tải công cộng. Nếu đối tác nào không có giấy phép mà vẫn hoạt động sẽ bị cơ quan chức năng phạt tiền tối đa lên đến 500.000 ringgit (khoảng hơn 2,7 tỷ đồng) hoặc phạt tù không quá 3 năm...
Nhiều nước đưa ra các quy định nghiêm ngặt về các ứng dụng công nghệ nhưng đều mục đích hướng đến bảo vệ người tiêu dùng
Trung Quốc cũng hợp pháp hóa các dịch vụ gọi xe trực tuyến như Uber, Didi Chuxing... Chính phủ Trung Quốc khuyến khích việc phát triển kinh tế chia sẻ.
Nhưng các tài xế tham gia dịch vụ phải có ít nhất ba năm kinh nghiệm lái xe, phương tiện ô tô dùng để cung cấp dịch vụ không được sử dụng nếu đã chạy quá 600.000 km và thông tin người dùng cũng như dữ liệu thu thập được từ các sàn giao dịch đặt xe phải được lưu trữ trong nước trong thời gian ít nhất hai năm.
Tại Việt Nam, thời gian qua loại hình kinh tế chia sẻ có những bước phát triển hết sức nhanh chóng. Trong lĩnh vực vận tải, hàng loạt các nền tảng ứng dụng gọi xe trực tuyến như Grab, Go-Việt, Aber, FastGo, T.net, VATO… đua nhau xuất hiện.
Sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng gọi xe công nghệ đã tạo nên những mâu thuẫn giữa một bên là các hãng kinh doanh vận tải truyền thống và một bên là các công ty cung cấp các ứng dụng công nghệ theo đề án thí điểm do Chính phủ ban hành.
Vụ kiện giữa Vinasun và Grab là mâu thuẫn giữa hai xu hướng truyền thống và công nghệ
Đỉnh điểm của mâu thuẫn này chính là vụ Vinasun khởi kiện Grab để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền lên tới hơn 41,2 tỷ đồng. Theo đó, Vinasun cho rằng Grab là một công ty vận tải taxi chứ không phải là một công ty công nghệ và nhà nước cần phải có những chế tài cần thiết để quản lý loại hình kinh doanh này như các doanh nghiệp taxi truyền thống để tạo môi trường cạnh tranh công bằng.
Trong khi đó, Grab liên tục phủ nhận và cho rằng mình chỉ đơn thuần là công ty công nghệ cung cấp dịch vụ kết nối vận tải giữa khách hàng với các đối tác có xe nhàn rỗi.
Việc định danh các công ty như Grab là vận tải hay công ty công nghệ đến nay vẫn chưa có hồi kết. Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng nếu nói các công ty như Grab hoàn toàn là công ty công nghệ thì không đúng. Nhưng nếu nói đây là công ty vận tải thì cũng sai.
“Nó là một mô hình hoàn toàn mới. Chúng ta phải quản lý nhưng không thể áp mô hình quản lý như taxi truyền thống vào mô hình mới này được. Cần phải dùng chính công nghệ để quản lý những sản phẩm công nghệ chứ không thể quản lý theo như cách cũ được”, luật sư Đức nêu quan điểm.
Theo các chuyên gia kinh tế thì ngay cả thế giới, người ta cũng đã phải thừa nhận Grab, Uber… là mô hình khác biệt và cần một khung hành lang pháp lý riêng để quản lý. Việc đưa một mô hình mới vào một mô hình mới vào quản lý chung với mô hình truyền thống chẳng khác nào đưa công nghệ 4.0 về thành 0.4.
Tại Hội thảo “Smart IoT Vietnam 2018” với chủ đề “Hiện thực hóa tiềm năng và khai phá thị trường IoT của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức vào ngày 25-10 vừa qua tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm khi cho rằng cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ.