Dự thảo quản lý xe công nghệ tiếp tục lẩn quẩn trong vòng tranh cãi

Chủ Nhật, 23/06/2019 08:24

|

(CAO) Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô để thay thế nghị định 86/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, dù đã được chỉnh sửa, bổ sung đến lần thứ 9 nhưng dự thảo lần này vẫn còn nhiều vấn đề tiếp tục gây tranh cãi, nhất là trong việc quản lý xe công nghệ.

Bình mới nhưng rượu vẫn… cũ!

Hiếm có một dự thảo Nghị định nào được trình tới trình lui nhưng như dự thảo thay thế Nghị định 86. Dù đã được Bộ GTVT trình Chính phủ đến lần thứ 9 nhưng không ai dám chắc dự thảo lần này sẽ được Chính phủ thông qua khi còn vấp phải những ý kiến trái chiều.

Dự thảo quản lý xe công nghệ tiếp tục lẩn quẩn trong vòng tranh cãi

Trước đó, khi đánh giá về dự thảo lần thứ 8 vào ngày 29-5-2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã hai lần kết luận: “Nội dung dự thảo Nghị định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn nhiều ý kiến khác nhau đối với một số nội dung trọng yếu; một số nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, điển hình là Luật giao thông đường bộ, Luật giao dịch điện tử…”, "Dự thảo Nghị định vẫn còn một số nội dung chưa nhận được sự đồng tình của các Bộ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”.

Đến dự thảo lần thứ 9 vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn chưa giải quyết được hai vấn đề tiếp tục gây tranh cãi gần đây là dịch vụ kết nối giữa lái xe với hành khách được phân loại là dịch vụ gì và xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng ứng dụng kết nối với hành khách qua thiết bị di động có cần phải gắn đèn (mào) taxi trên nóc xe hay không.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng các quy định quản lý trong dự thảo trình lần thứ 9 này vẫn “rối” và bày tỏ sự không đồng tình khi Bộ GTVT vẫn tiếp tục giữ quy định xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (như xe Grab, Go- Việt, Vato, Be) phải gắn hộp đèn “Xe hợp đồng” trên nóc xe.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Đồng - chuyên gia chính sách công cho rằng việc bắt xe công nghệ “gắn mào” là một yêu cầu không cần thiết với xe công nghệ vì khách “vẫy” xe bằng điện thoại thông minh chứ không gọi trên đường.

Việc Bộ GTVT lý giải để thuận tiện cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý cũng chưa thỏa đáng vì không thể dùng biện pháp thủ công để quản lý công nghệ. Thay vào đó, hãy dùng chính những giải pháp công nghệ để giám sát xe công nghệ.

Ngoài ra, ông Đồng cho rằng các ứng dụng kết nối (như Grab, GoViet) là một phương thức sử dụng công nghệ kinh doanh, chứ không phải là kinh doanh vận tải. Không cần phải “ép” Grab, GoViet hay Be vào “ngành vận tải”, Nhà nước vẫn có thể “quản” để các công ty này hoạt động mà không gây tổn hại tới lợi ích công nào. “Làn sóng công nghệ và giải pháp sáng tạo sẽ thay thế những cái cũ kém hiệu quả hơn là chuyện đương nhiên phải chấp nhận”, ông Đồng nói.

Dự thảo lần này còn dẫn đến sự chồng chéo khi cùng một loại hình dịch vụ ứng dụng kết nối, đặt xe (như Grab, Go-Viet, Be) nhưng có 3 khái niệm và quy định khác nhau do 3 Bộ quản lý bao gồm: kinh doanh vận tải (do Bộ Giao thông vận tải quản lý), thương mại điện tử (do Bộ Công Thương quản lý), và nền tảng công nghệ (do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý). Điều này gây nên sự chồng chéo cũng như khó thực thi cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Cần đảm bảo sự công bằng

Không thể phủ nhận việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải hành khách áp dụng hợp đồng điện tử đã giúp người dân hưởng lợi lớn. Với sự trợ giúp của kỹ thuật số, các nhà cung cấp dịch vụ vận tải bằng xe hợp đồng đã tạo ra một thị trường cạnh tranh hơn. 

Nhà nước phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa “taxi truyền thống” và “xe công nghệ”.

Sự cạnh tranh trong thị trường vận tải mang đến cho người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn với chất lượng dịch vụ được cải thiện và giá cả minh bạch cho mỗi chuyến đi. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải cùng hàng trăm nghìn lái xe có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập tăng.

Nhưng sự phát triển của xe công nghệ cũng đứng trước sự phản đối mạnh mẽ từ các doanh nghiệp taxi truyền thống. Trong đó chủ yếu tập trung vào việc nhấn mạnh sự không công bằng trong điều kiện kinh doanh. Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng cho rằng Nhà nước phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa “taxi truyền thống” và “xe công nghệ”.

Cụ thể, cơ quan quản lý cần “cởi trói” cho taxi truyền thống bằng cách bãi bỏ những quy định khắt khe không phù hợp; đồng thời, yêu cầu các nhà cung cấp ứng dụng kết nối phải phối hợp với Nhà nước để việc đảm bảo các nghĩa vụ thuế của đối tác vận tải, bảo vệ người lao động, đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng.

Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ kết nối vận tải (như Grab, Go-Viet…) phải cùng có trách nhiệm phối hợp với Nhà nước để giám sát việc tuân thủ pháp luật của các đối tác vận tải. Nếu đối tác là hãng vận tải trong nước thì đó là việc đảm bảo việc đóng bảo hiểm, chế độ phúc lợi xã hội cho những người lái xe; nếu lái xe là chủ xe cá nhân (lao động tự do) thì thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện .

Ngoài ra, nhà cung cấp dịch vụ kết nối vận tải phải có nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu hoạt động một cách phù hợp, giúp cơ quan thuế có thể thu thuế minh bạch và công bằng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang