(CAO) Sau khi đưa những chiếc ôtô nhập lậu, ôtô không rõ nguồn gốc từ Lào về, thông qua mạng xã hội, các đối tượng móc nối với nhau làm giả giấy tờ, BS để “khai sinh” thành chiếc ôtô hợp pháp bán ra thị trường với giá cao. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xác lập chuyên án, khởi tố 10 bị can, tạm giữ 26 chiếc xe ôtô các loại trị giá 40 tỷ đồng.
Đấu tranh lấy lời khai Trần Quang Đông
Phát hiện đường dây buôn lậu xe ôtô qua mạng xã hội
Sáng 14-6, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức trao thưởng cho Ban chuyên án vừa triệt phá thành công đường dây làm giả tài liệu cơ quan tổ chức, sử dụng con dấu giả và buôn lậu xe ôtô từ Lào về Việt Nam.
Tại lễ trao thưởng, Đại tá Đặng Hoài Sơn – Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh, cho biết vào cuối năm 2018, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh nhận được tin báo, có một đường dây buôn lậu xe ôtô từ Lào về Việt Nam với quy mô lớn. Để hợp pháp hóa những chiếc xe ôtô này bán ra thị trường với giá cao, thông qua mạng xã hội như Facebook, zalo, Wechat… các đối tượng móc nối với nhau làm giả giấy tờ.
Với những thủ đoạn tinh vi, đường dây buôn lậu này hoạt động rất có tổ chức, kín kẽ. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã móc nối với nhau làm giả giấy tờ, buôn lậu hàng chục chiếc xe ôtô, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Các đối tượng trong đường dây
Xác minh, thu thập đầy đủ thông tin, ngày 5-12-2018, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành xác lập chuyên án để đấu tranh triệt phá.
Ngay sau khi chuyên án được xác lập, nhiều tổ công tác được phân công đến các địa bàn như: Nha Trang, Đồng Nai, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Trị, Nghệ An, Bắc Ninh… để tiếp tục điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ, đồng thời lên danh sách rà soát những đối tượng có biểu hiện nghi vấn.
Hàng trăm BS giả bị thu giữ
Có đủ tài liệu, chứng cứ trong tay, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, đường dây làm giả, sử dụng tài liệu giả, buôn lậu xe từ Lào vào tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Ban chuyên án tập trung lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhanh chóng triệt xóa đường dây buôn lậu ôtô này.
Ngày 22-4, Ban chuyên án đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố chia ra làm nhiều mũi tiến hành bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến đường dây buôn lậu xe ôtô này.
Dụng cụ để làm giả giấy tờ
Thu giữ 26 chiếc ôtô trị giá hơn 40 tỷ đồng
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố 10 bị can, đưa vào diện có đủ căn cứ để tiếp tục khởi tố 6 đối tượng và triệu tập nhiều đối tượng liên quan để điều tra. Theo đó, đường dây tội phạm này được chia thành 2 nhóm. Nhóm làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức gồm có 14 đối tượng do Trần Quang Đông (SN 1991, trú H.Long Thành, Đồng Nai) cầm đầu, còn nhóm làm BS ôtô, xe máy có 2 đối tượng do Định Thị Vân (SN 1968, trú P.Hưng Bình, TP.Vinh, Nghệ An) cầm đầu.
Cơ quan điều tra đã thu giữ 26 chiếc xe trị giá 26 tỷ đồng
Qua đấu tranh khai thác, Ban chuyên án xác định, từ cuối năm 2018, Trần Quang Đông lên mạng xã hội biết được nhu cầu cần làm các loại giấy tờ giả liên quan đến xe ôtô, ngân hàng, nhân thân và một số giấy tờ khác.
Từ đó, Đông nảy sinh ý định làm giấy tờ giả bán cho những người có nhu cầu. Đông lên mạng mày mò, tìm hiểu học cách làm giả giấy tờ như đăng ký, đăng kiểm, tem kiểm định, giấy chứng nhận thế chấp tài sản ngân hàng.... để hợp thức hóa cho xe ôtô BS Lào, xe trộm cắp, xe không có nguồn gốc…
Tiếp đó, Đông mua các dụng cụ về “sản xuất” giấy tờ giả mạo để bán. Từ cuối năm 2018 đến tháng 3-2019, qua mạng xã hội, Đông đã làm giả, bán hơn 400 bộ giấy tờ. Mỗi bộ giấy tờ, Đông bán với giá từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Ban Giám đốc Công an Hà Tĩnh khen thưởng Ban chuyên án
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ 26 chiếc xe ôtô các loại trị giá hơn 40 tỷ đồng, hơn 200 BS ôtô, xe máy giả, 1 bộ dụng cụ sản xuất BS ôtô, xe máy giả, hơn 360 mẫu con dấu, trong đó 189 mẫu dấu tên của những người có thẩm quyền, 172 dấu cơ quan, tổ chức, 30 mẫu phôi giấy phép lái xe, máy in màu và máy đúc dấu của các cơ quan, tổ chức. Kiểm tra trên máy tính của Đông, Ban chuyên án phát hiện 200 thông tin về đăng ký xe giả đã phát hành.
Hiện chuyên án đang được tiếp tục điều tra mở rộng