Săn kiến vàng ở đại ngàn Tây Nguyên

Thứ Sáu, 14/06/2019 09:18

|

(CAO) Người Jrai tại huyện Krông Pa, Gia Lai có nhiều cách để tìm thấy tổ kiến vàng và biết cách khai thác khéo léo để không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên rừng, không làm cạn kiệt nguồn kiến.

“Lộc trời” ban tặng cho người Jrai Tây Nguyên

Nghe lời đồn thổi về một loài kiến vàng sống trên cây được chế biến ra các món ăn ngon, bổ, rẻ, chúng tôi vượt quãng đường khoảng 140km từ TP.Pleiku đến với xã Chư Drăng, huyện Krông Pa để tận mục sở thị.

Được mời thử muối kiến vàng, tôi và một đồng nghiệp lắc đầu nguầy nguậy. Tuy nhiên thấy mọi người nếm một cách ngon lành, chúng tôi mới dám thử, một mùi vị hoang sơ khó cưỡng đến lạ lùng.

Người Jrai ở Krông Pa thường xuyên lên rừng lấy kiến về ăn

Được nếm thử món kiến trứ danh, chúng tôi xin đi theo lên rừng để tận tay bắt kiến vàng cùng người dân xã Chư Drăng. Ông Nay Mơ (buôn Chư Krih, xã Chư Drăng) đồng ý để chúng tôi đi cùng, với một điều kiện: “Đường đi vất vả, đã đi là phải có sản phẩm, không được bỏ về giữa chừng”.

Khi đã chuẩn bị đầy đủ hành trang cho chuyến đi, chúng tôi xuất phát lúc hơn 7 giờ sáng. Cả nhóm chúng tôi cứ nhằm thẳng con đường mòn với đá lởm chởm để lên khu rừng tự nhiên. Vừa đặt chân đến con suối Ua nằm ngay cửa rừng, vọng từ núi bên kia, những tiếng gọi nhau í ới của những người cũng đi săn khiến cho khu rừng bớt đi phần im ắng.

Ông Nay Mơ đã có hơn 30 năm đi lấy kiến trên rừng

Đi bắt kiến từ nhỏ, đến nay đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nên ông Mơ biết tường tận từng khe suối, vách đá, nơi nào kiến vàng làm tổ, thời điểm nào bắt cho phù hợp.

Theo kinh nghiệm của ông Nay Mơ thì kiến vàng có thể lấy quanh năm, nhưng ngon nhất là thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Lúc này, con kiến có trứng rất nhiều nên các gia đình thường rủ nhau đi rừng lấy về ăn hoặc bán. Tuy nhiên chỉ khi nào trời nắng, họ mới đi lấy, vì hạ tổ kiến xuống dễ nhóm bếp lửa để tách ổ và an toàn khi leo trèo. Còn nếu mưa đi rừng rất khó quan sát tổ kiến và dễ gặp hiểm nguy hơn.

Những tổ kiến lấy xong sẽ nhanh chóng bỏ vào bì đựng

Để xua tan đi cái năng oi ả của vùng “chảo lửa” Krông Pa, vừa đi ông Mơ vừa chia sẻ kinh nghiệm đi săn kiến vàng cho cả đoàn nghe: “Trong rừng sâu mới có loại kiến to con, vàng ươm, bụng căng mọng. Có những tổ kiến ở tuốt trên ngọn cây cao, hay cheo leo giữa những cành cây rậm rạp, đan xen lẫn nhau, muốn lấy được phải khéo léo leo trèo rồi cẩn thận mang xuống, tách lấy tổ và mang kiến về”.

Nói rồi, ông Mơ chỉ tay lên trên ngọn cây cao phía trước mặt, một tổ kiến to hơn cái mủ cối nằm treo lơ lững trên cành cây. “Hễ lá quây ngoài tổ có màu vàng úa thì bên trong kiến đã có trứng. Kiến vàng làm tổ trên cây bằng cách dùng nước bọt kết những lá cây lại, nên thấy lá vàng chứng tỏ tổ kiến đã khai thác được. Cái tổ treo trên cành kia cũng phải nặng đến 3kg”, ông Mơ vừa chỉ vừa nói.

Vừa dứt lời, ông Mơ cầm con dao và cái bao trèo lên cây để lấy tổ kiến xuống. Thân hình khỏe mạnh với đôi tay rắn chắc, trong tầm một phút, ông Mơn đã vắt vẻo trên cao. Đưa tay không tới, ông Mơ đưa con dao chặt đứt cành cây nhỏ có tổ, vô tình đã làm kinh động đến bầy kiến bên trong.

Với đôi càng dữ tợn, kiến ào ào chui ra khỏi "thủ phủ" mà bâu kín xung quanh để bảo vệ tổ. Chúng len lỏi bám vào cổ, bò vào quần áo và chui vào bên trong người mà cắn. Người ở phía dưới cũng dính phải kiến rơi từ trên tổ xuống.

Từ trên cây, ông Mơn nói vọng xuống trấn an: “Kiến này cắn đau nhưng không độc, không sưng tấy. Một phút sau chỗ bị cắn không còn cảm giác đau nữa”.

Kiến vàng bị vở tổ lao ra ngoài cắn người đi săn

Đưa tổ kiến xuống, ông Mơn liền ra hiệu cho anh Nay Tiếu đi cùng đoàn lấy củi đốt lửa, nhóm bếp, bắc chảo lên. Ông Mơn lấy nguyên cả tổ kiến đổ vào cái chảo nhôm đang đun lửa phía dưới. Kiến bị đun nóng nằm lăn quay trên chảo, anh Nay Tiếu giũ bỏ hết lá cây, chỉ lấy con kiến và trứng cho vào rá đựng. Thành quả thu được sau khi tách ổ ra là gần 0,3kg con kiến vàng và trứng.

Bắt kiến nhưng không ảnh hưởng rừng

Theo ông Nay Mơ, việc bắt kiến vàng nhìn thì thấy dễ nhưng không phải vậy. Kiến vàng thường làm tổ trên cao nên việc lấy tổ kiến đòi hỏi có sức khỏe để leo trèo. Trèo lên cây không sợ kiến cắn mà sợ ong chích, rắn cắn, cành cây mục… Dễ gặp nhất là ong, khi thấy chúng thì phải nhanh chân tháo chạy, nếu không sẽ bị cắn nhừ tử. Chưa kể, khi leo lên cây cao, nếu không khéo léo thì bị té, ngã.

Một tổ kiến vàng

Người Jrai ở huyện Krông Pa cũng truyền tai nhau nguyên tắc khi lên rừng lấy kiến vàng và bắt buộc mọi người phải thực hiện. Kiến để bắt là những con to đã trưởng thành. Không lấy tổ gần khu dân cư, vì kiến tha nhiều chất bẩn. Và đặc biệt là vào rừng không được hạ cây, chặt cành to để lấy tổ kiến.

Khi mặt trời gần lặn sau núi, nhóm chúng tôi thu dọn đồ nghề để về, kết thúc chuyến đi săn kiến vàng. Về đến nhà của ông Mơ, nhóm chúng tôi bắt đầu đem chiến lợi phẩm của một ngày vất vả ra “khoe” với nhau.

Gần 1 ngày băng rừng, bạt núi, cả nhóm thu được hơn 6kg kiến vàng và trứng. Đang bàn tính xử lý với món “lộc trời” thu được của ngày hôm nay, thì ông Mlô Bưn – Trưởng thôn buôn Nung, xã Chư Drăng cầm hủ rượu cần sang nhà.

Bên trong một tổ kiến được lấy xuống

Ông Mơ mang từ trong nhà lấy thêm ít thịt bò 1 nắng ra để góp vui. Anh em trong nhóm thống nhất, trích 1 phần thành quả thu được từ chuyến đi săn để chế biến món muối kiến. Trưởng thôn Bưn trổ tài với món muối kiến. Ông Bưn lấy kiến rang sơ qua lửa rồi giã với ớt rừng, lá thèn len và vài loại lá rừng khác. Muối kiến từ tay ông Bưn làm ra không quá nặng mùi kiến mà có hương thơm, ăn vừa miệng.

Ngồi uống rượu cần và nhâm nhi các món chế biến từ kiến vàng, ông Mlô Bưn hào hứng tâm sự: Trong các buôn thuộc xã Chư Drăng, tất cả những người đàn ông trưởng thành đều có kinh nghiệm trong việc tìm và lấy kiến vàng. Có người thâm niên đã trên 30 chục năm. Cứ đến mùa kiến đẻ trứng, tất cả thanh niên trong buôn Nung đều đi bắt kiến. Kiến vàng được bán với giá khoảng 150.000đ/kg, trứng thì đắt hơn một chút. Ngoài ra, người Jrai cũng thường xuyên bắt kiến về chế biến các món nhằm cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Muối kiến vàng trứ danh của Tây Nguyên

Ông Trương Quốc Dụng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa cho biết, việc người dân vào rừng lấy muối kiến là không cấm. Những người đi bắt kiến ở trong rừng đa số là người dân địa phương và họ rất có ý thức bảo vệ rừng. Lâu nay, chưa có trường hợp nào chặt hạ cây rừng để lấy tổ kiến. Hạt kiểm lâm huyện cũng thường xuyên nhắc nhở những người vào rừng lấy kiến không được hủy hoại rừng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang