Hàng loạt DN nguy cơ đóng cửa do ảnh hưởng dịch bệnh

Thứ Sáu, 27/03/2020 13:22  | Thiện Thảo

|

(CAO) Theo phản ánh của nhiều chủ doanh nghiệp (DN) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ ngày xảy ra dịch Covid-19, các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Điều DN cần là sau cuộc họp có kết quả như thế nào thì chúng tôi tiếp tục phải chờ. Trong khi, lãi ngân hàng đến kỳ vẫn đóng, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tính lãi suất do chậm nộp và thông báo thu tiền điện của điện lực vẫn cứ thực hiện… Nếu các cơ quan chức năng không sớm xem xét phương án hỗ trợ DN thì không bao lâu chúng tôi sẽ đóng cửa”, một giám đốc DN ở Cà Mau chua xót.

“VỰA TÔM” CỦA CẢ NƯỚC KÊU CỨU

Thời điểm này, trở lại Cà Mau, Bạc Liêu, nơi được ví “vựa tôm” của cả nước thì người nuôi tôm và DN mua đang trong tình trạng kêu cứu. Giá tôm giảm không phanh; DN thu mua lại than vắn thở dài bởi hàng tồn kho không xuất khẩu (XK) được....

Ông Nguyễn Văn Đô, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, Chủ tịch Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau (Casep Cà Mau) cho biết, tỉnh có trên 12 DN XK hàng hóa sang thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông, Đài Loan) với giá trị 108,07 triệu USD, chiếm tỷ trọng trên 9% trong tổng kim ngạch XK toàn tỉnh. Trong đó, một số DN có giá trị XK lớn sang thị trường này như: Công ty TNHH Anh Khoa; Công ty cổ phần (CP) chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXNK) Hòa Trung; Công ty CP CBTSXNK Minh Cường; Công ty CP CBTSXK Tắc Vân,...

“Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, qua rà soát tình hình hoạt động của các DN XK sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác gặp nhiều khó khăn như: bị hủy các đơn hàng do các nước thực hiện biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa kinh doanh dẫn đến các DN gặp khó khăn về tài chính, tồn kho hàng hóa... dẫn đến việc giảm sản lượng thu mua nguyên liệu tôm, ảnh hưởng đến các hộ nuôi tôm, nhất là giá thành giảm.

Trên địa bàn tỉnh có 08 chi nhánh ngân hàng cho vay đối với DN XK, với tổng dư nợ 3.100,93 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay của DN XK sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vi rút Covid-19 hơn 377 tỷ đồng. Nếu tình hình dịch bệnh cứ kéo dài, nhiều DN gặp hết sức khó khăn”.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau, Bạc Liêu đang hoạt động cầm chừng chờ sự hỗ trợ

Kết quả XK 2 tháng đầu năm 2020 giảm 21,6% so với cùng kỳ, có 02 thị trường xuất khẩu giảm mạnh đó là Trung Quốc (giảm 55,46%) và Mỹ (giảm 65,53%).

Ông Nguyễn Văn Đô khẳng định, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lan nhanh trên diện rộng dẫn đến một số khách hàng lớn của các DN XK nhất là ở các nước dịch bệnh đang diễn biến phức tạp (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...) đề nghị tạm ngưng đơn hàng chờ tình hình dịch bệnh được khống chế sẽ tiếp tục thực hiện; tạm dừng tổ chức các hội chợ quốc tế và hội chợ trong nước nên các DN XK không thể tìm kiếm khách hảng mới…

Do xuất khẩu không được, hàng tổn kho quá nhiều, giá tôm giảm không phanh

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, mùa dịch Covid-19, ngành chế biến XK thủy sản là thế mạnh kinh tế hàng đầu của tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, ông Trang Tuấn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH CBTS và XNK Trang Khanh (phường 5, TP. Bạc Liêu) cho biết, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, chỉ sản xuất cầm chừng. Thị trường Trung Quốc, từ tháng 2 đến nay đã giảm gần 90% lượng xuất. Để giữ công nhân và các thương lái thu mua tôm, công ty thu mua để… lưu kho.

Tương tự, một đại gia thủy sản ở Bạc Liêu nhận định: “Nếu tình trạng này còn kéo dài, Bạc Liêu sẽ có hàng loạt DN thủy sản phải tuyên bố phá sản vì nợ nần, đó là điều tất yếu”. Hàng tồn kho của nhiều DN CBXK hiện nay có nơi đã vượt lên con số gần 1.000 tỷ đồng và với lãi suất phải đóng cho các ngân hàng từ 7 - 8%/năm như hiện nay, DN thật sự quá sức chịu đựng. Công ty CBXKTS T.L. (huyện Phước Long, Bạc Liêu) đành cho 400 công nhân nghỉ việc.

“Nếu như trước đây công ty cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội địa khoảng 10 tấn tôm đông/ngày, thì hiện nay chưa được 1 tấn/ngày. Riêng CBXK, hàng xuất đi không được, giá xuất lại giảm gần 10.000 đồng/kg so với trước đây. Sản xuất không có lãi, chi phí phát sinh quá nhiều nên công ty hết sức đau lòng cho gần 400 công nhân tạm nghỉ việc”, lãnh đạo công ty này giải thích.

NHIỀU NGÀNH NGHỀ, DỊCH VỤ LAO ĐAO

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến XNK TS, dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh tiêu cực đến hoạt động kinh doanh du lịch, việc thông thương, đi lại; vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng. Hầu hết, các DN bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngưng hoạt động.

Bà Ánh Nguyệt, chủ khách sạn Ánh Nguyện, TP.Cà Mau cho biết, 2 tháng vừa qua, công ty hoạt động lỗ gần 6 tỷ đồng. “Nhà hàng tạm đóng cửa, khách sạn không ai thuê, nhà trẻ dừng hoạt động… công ty khó khăn trăm bề. Dịch cúm còn kéo dài, hàng trăm nhân viên sẽ sống ra sao”, bà Nguyệt than thở.

Tại Bạc Liêu, hoạt động thương mại, sức mua đã giảm hơn 50%. Cụ thể, Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu, từ tháng 2-2020 đến nay, doanh thu đã giảm gần 40%. Rồi nhiều hàng quán, cơ sở kinh doanh khác cũng nằm trong cảnh ế ẩm, vắng khách, nhất là các ngành hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ du lịch thay nhau đóng cửa, trả mặt bằng…

Tương tự, tại Cần Thơ, doanh thu của DN bị giảm sút từ 20-50% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ, cho biết: 2 tháng đầu năm 2020, tổng thu từ du lịch đạt 643 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Tại các cơ sở lưu trú, doanh thu dịch vụ (khách sạn, hồ bơi, cafe, karaoke…) giảm từ 30-50% lượng khách; lữ hành doanh thu giảm khoảng 50-60%, dự kiến tháng 3 giảm 70-80%; khu, điểm du lịch lớn: Mỹ Khánh, Vàm Xáng, Bảo Gia trang viên, cồn Sơn, Lung Cột Cầu... lượng khách giảm chỉ bằng 30-50% so với cùng kỳ năm 2019. Chẳng hạn như Làng du lịch Mỹ Khánh hiện chỉ đón trung bình 200 khách/ngày (năm 2019 đón 1.000 khách/ngày), cồn Sơn lượng khách giảm đến 80%...

Công ty Cổ phần Bia, nước giải khát Sài Gòn - Tây Đô bị tác động rất lớn đến sản xuất, kinh doanh. Đầu năm 2020 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đình trệ vì sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, công ty chỉ thực hiện được 45% sản lượng theo kế hoạch. Với 200 nhân viên, hiện nay 30-40% lao động tại công ty đang phải nghỉ chờ việc, nếu tình hình kéo dài, sẽ tác động rất lớn, dự kiến sản lượng kinh doanh năm nay chỉ đạt chỉ tiêu kế hoạch trên dưới 50%.

Hiện nay, DN không thể cân đối được chi phí nên kiến nghị các cơ quan thuế, ngân hàng thực hiện việc giãn thuế, giảm lãi vay ngân hàng. Các DN khu vực ĐBSCL đang khó khăn bội phần ngay vào dịch Covid-19.

DOANH NGHIỆP CHỜ ĐƯỢC HỖ TRỢ

Nhằm chia sẻ khó khăn cùng DN và đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế, ngày 4-3-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11 “Về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng).

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2019.

Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng nhưng phải chạy vạy để trả tiền lãi ngân hàng, tiền điện, tiền bảo hiểm xã hội

Hiện nay đến thời điểm gần cuối tháng 3-2020, các DN cho biết vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ chỉ nhận được thư mời… họp. Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty thủy sản Anh Khoa bức xúc: “Hiện DN đang khó khăn rất nhiều. Trước đây, khi mới bùng phát dịch, chúng tôi gặp khó thị trường Trung Quốc, giờ lan rộng cả thị trường Châu Âu. Khó khăn nhất là ngân hàng nhà nước triển khai Thông tư 01 /2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 chỉ xoay quanh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 chưa đúng nhu cầu thực sự cần của doanh nghiệp.

Ngân hàng kéo giãn lại suất nhưng không cho vay thêm thì chúng tôi lấy tiền đâu mua tôm, chi cho hoạt động. Trong khi hàng tồn kho là tài sản của chúng tôi nhưng không được ngân hàng xem xét vay. Bên cạnh đó, BHXH, lương công nhân, tiền điện... công ty vẫn phải thanh toán”.

Bên cạnh những vướng mắc ngân hàng, DN bức xúc việc nộp BHXH. Trước đó, Casep Cà Mau thống kê ý kiến doanh nghiệp đề nghị gia hạn BHXH. Vừa qua, BHXH tỉnh có công văn số 122/BKHXH-QLT khẳng định, các DN hoạt động CBXK bị ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện để được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Theo quy định DN “không bố trí được việc làm cho người lao động; trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên” mới được xem xét". Công văn trên ban hành, các DN bức xúc, nếu công ty cho 50% nhân viên nghỉ việc, đồng nghĩa với phá sản thì nhờ BHXH can thiệp làm gì (?)

Theo kiến nghị của các doanh nghiệp, để giảm bớt khó khăn và có điều kiện duy trì ổn định sản xuất, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, hạ lãi suất, giảm, miễn và gia hạn nộp thuế, tiền điện trong thời gian dự trữ hàng hóa…, và phải nhanh chóng đưa các chính sách này vào cuộc sống.

Bình luận (0)

Lên đầu trang