ĐBSCL: Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp

Thứ Năm, 22/12/2022 17:27  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Ngày 20-12, tại TP.Cao Lãnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn đàn Mekong Startup - lần 1 năm 2022 với chủ đề "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp". Diễn đàn có sự tham dự của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước, lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Diễn đàn diễn ra các phiên thảo luận liên quan đến chuyển đổi chuỗi lúa gạo, thủy sản - hải sản, trái cây ĐBSCL, những giải pháp, kiến nghị quan trọng.

Lập sàn giao dịch gạo và phụ phẩm

Trước đó, ngày 19-12, Công ty cổ phần chỉ số nông nghiệp (Agri Index) đã công bố dự án xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Dự án có mục tiêu kết nối các thành phần tham gia trong vòng tuần hoàn lúa gạo tại Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung với các đầu mối thương mại trên cả nước. Từ đó, tạo ra một nền tảng công nghệ hữu ích và mang lại giá trị thặng dư cao hơn từ cây lúa.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc (Giám đốc Agri Index) chia sẻ: Mô hình đầu tiên khi thực hiện sàn này chỉ có hai đối tượng là các nhà sản xuất trực tiếp và người mua trực tiếp. Thế nhưng khi thực hiện hoạt động kết nối giữa hai đối tượng này thì hoàn toàn bị "khớp", bởi khi kết nối đơn hàng để hai bên giao dịch, nhà sản xuất yêu cầu hàng lên xe bên mua phải thanh toán, trong khi bên mua yêu cầu hàng về kho mới thanh toán cho bên cung cấp.

Theo bà Ngọc, việc không có người kết nối giữa người sản xuất trực tiếp và người mua trực tiếp là một khó khăn thực sự đối với đơn vị này. "Chúng tôi gặp hàng trăm doanh nghiệp, nhưng không nhận được sự hồi đáp nào", bà Ngọc kể rằng, vào tháng 5-2022, khi đọc bài viết về "Câu chuyện thương lái" của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì bà mới nhận thấy được vai trò của thương lái. Khi đó Agri Index đã có 6 tháng nghiên cứu tiền khả thi lại toàn bộ mô hình của sàn giao dịch này. "Suốt bao nhiêu năm qua, có nhiều người được gọi là "cò”, thương lái, nhưng bây giờ chúng tôi gọi tất cả họ là doanh nghiệp thương mại". Trong thời gian nghiên cứu tiền khả thi, Agri Index đã quy tụ về sàn hơn 100 doanh nghiệp, trong đó, có trên 50 doanh nghiệp là những thương lái uy tín nhất ở ĐBSCL để đồng hành, cố vấn, chia sẻ. Riêng ngày 19-12, dự án thì đã quy tụ được 132 doanh nghiệp tham gia với khối lượng chào bán giữa các doanh nghiệp đề xuất là 20.000 tấn/tháng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo không đơn thuần chỉ là kết nối mua bán, mà quan trọng hơn là kết nối những con người, từ đồng ruộng tới ghe của thương lái, cho đến nhà máy của doanh nghiệp và ra thị trường. Đặc biệt hơn, ở đây theo mô hình tuần hoàn của ngành lúa gạo, đó là vòng tròn của một ngành hàng, mà giá trị của ngành hàng xuất phát từ con người. Vòng tròn của những con người sẽ quyết định vòng tròn tuần hoàn của nền kinh tế. "Tôi nghĩ, hãy tư duy con người nhiều hơn là tư duy về vấn đề kinh tế, bởi tất cả thành công của vòng tuần hoàn là do con người", ông Hoan nhận định.

Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần ủng hộ các ý tưởng khác biệt, chính quyền phải tạo điều kiện tiếp cận thị trường. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần khắc phục tình trạng sử dụng hóa chất, áp dụng biện pháp hữu cơ, sạch, vì nếu không như vậy sản phẩm sẽ không bán được nữa. Phó thủ tướng đề nghị từng tỉnh một đề ra các tiêu chí cụ thể. Đối với Bộ NN&PTNT giữ 1,6 triệu ha lúa ở ĐBSCL và định ra trong số này có bao nhiêu ha nhất thiết theo chương trình phát thải thấp. Ngoài ra, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương có chương trình, văn bản cụ thể trình Thủ tướng, Chính phủ để có kế hoạch hành động đồng bộ...

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế) cho rằng, cách tiếp cận của sàn giao dịch lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung cần thoát khỏi câu chuyện "tên gọi mới", nhưng cách vận hành không bắt kịp ý nghĩa thật sự của sàn giao dịch nông sản, tức vẫn là chợ gạo, chợ trái hay chợ cá. "Câu chuyện sàn cà phê hay một số sàn giao dịch khác cũng đã thể hiện điều đó”, ông nói.

Theo ông Hiệp, thứ nhất cần phải có một không gian vật lý, tức phải có nơi như một trung tâm chẳng hạn để gắn với quy hoạch theo Quyết định 287 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL, trong đó có 8 trung tâm nông sản của vùng. Thứ hai, phải được cụ thể hóa với các quy hoạch của địa phương đang làm, tức sàn giao dịch sẽ tích hợp, được hỗ trợ của rất nhiều yếu tố, bao gồm: giao thông, logistics, phát triển hạ tầng nông nghiệp, thương mại... để kết nối vào đó. Thứ ba, phải ứng dụng các giao dịch thương mại điện tử và công nghệ, cho nên, đòi hỏi ứng dụng công nghệ phải thuận lợi để các bên gặp nhau trên đó (bên cạnh không gian vật lý). Muốn vậy, phải kết nối hệ thống và nơi đó trở thành một trung tâm để thông tin truyền tải, qua đó được xử lý nhằm kết nối nhu cầu mua, bán như sàn giao dịch chứng khoán.

Nhiều giải pháp đột phá

Phát biểu gợi ý tại diễn đàn, ông Trần Thanh Nam (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT) cho biết: Năm 2022, xuất khẩu nông sản sẽ đạt kỷ lục 50 tỷ USD, cho thấy lúa gạo, thủy hải sản và trái cây là lợi thế quốc gia. ĐBSCL là một trong 7 vùng kinh tế của cả nước, có nhiều tiềm năng. Dù đạt nhiều thành tựu quan trọng, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, tính liên kết chưa cao, chưa chú trọng công nghệ lẫn đổi mới sáng tạo. Ở Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực, thực phẩm cùng năm, Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất, cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững. Do đó, yếu tố xanh hơn, phát thải thấp, giá trị cao, ứng dụng sinh thái tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn 2021-2030.

Ông Đỗ Hà Nam (Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam) cho biết: Hàng năm, Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa (trên 21 triệu tấn gạo). Ngành lúa gạo Việt Nam với mục tiêu "Hiện đại, tuần hoàn và phát thải thấp" những năm qua đã làm được nhiều điều thế giới khâm phục. Bên cạnh đó, ông Nam cũng đưa một số kiến nghị ưu tiên vốn cho doanh nghiệp trong thu mua, xuất khẩu, tạm trữ, đầu tư máy móc thiết bị cho sản xuất, chế biến, bảo quản lúa gạo và ổn định tỷ giá ngoại tệ; ưu tiên trong đầu tư nghiên cứu giống có năng suất chất lượng cao. Đồng thời, ông Nam cũng đề nghị nên hạn chế, cấm các loại thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng đã được một số nước cảnh báo.

Doanh nghiệp kiến nghị làm thương hiệu cho các loại trái cây

Ông Trương Gia Bình (Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân) cho rằng: "Diễn đàn là trăn trở của chúng tôi, làm thế nào Việt Nam trở nên giàu mạnh, chuyển đổi nông nghiệp theo xu hướng toàn cầu - chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Làm thế nào kết nối Việt Nam với thế giới và cách nào công nghệ cao có thể xâm nhập và nông nghiệp truyền thống?", ông Bình nói và kỳ vọng bộ, ngành, các cấp lẫn đại diện tỉnh thành, doanh nghiệp sẽ cùng thảo luận, đề xuất ý tưởng cụ thể.

Ông Trần Anh Thư (Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang) cho rằng: Chuỗi liên kết lúa gạo cơ bản đã hình thành ở các tỉnh, tùy thuộc quy mô, nhu cầu và năng lực của doanh nghiệp, cơ bản định hướng người dân thay đổi tư duy trong việc không nên sản xuất tự phát và không ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch dài hạn quy hoạch một triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh trong thời gian tới ở ĐBSCL.

Ngoài ra, ông Thư chỉ rõ chưa có nhiều đổi mới công nghệ thực sự hiệu quả trên diện rộng giúp tăng hiệu quả sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt tình trạng đốt rơm rạ vẫn còn phổ biến. Khu vục này cũng chưa vận dụng được yếu tố tuần hoàn trong sản xuất, tận dụng và phát huy hiệu quả cơ hội ở từng khâu trong chuỗi sản xuất kín, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp trong hệ sinh thái lúa gạo. Từ cơ hội, thách thức trên, ông Thư đề xuất một số định hướng về giải pháp trọng tâm, hoạt động cụ thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đầu tiên, phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị hạt lúa trên một đơn vị diện tích đất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo trên thị trường xuất khẩu...

Theo đại diện Vina T&T, "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp" hiện là xu hướng tương lai cần thực hiện, nếu không sẽ khó xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Vị đại diện doanh nghiệp kiến nghị rằng, hiện tại ngành trái cây chưa có thương hiệu quốc gia dành cho bất cứ loại quả nào. Nếu có, việc quảng bá thị trường trái cây trong nước ra quốc tế sẽ thuận lợi hơn nhiều. Mặt khác, việc đồng bộ hóa chứng nhận tuy là một trong những lợi thế, song rau quả nước nhà lại đang phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế. Đại diện Vina T&T kiến nghị thực hiện các chứng nhận của riêng Việt Nam để các nước trên thế giới có thể công nhận và giảm bớt sự phụ thuộc tổ chức quốc tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang