Hàng trăm ngàn héc-ta rừng trước nguy cơ cháy
Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh Cà Mau, hiện vào đầu mùa khô nhưng một số thửa rừng tràm (RT) trong tỉnh đã chuyển sang cấp báo cháy mức độ 4, nguy cơ cháy cao. Trong tổng số gần 41.000ha lâm phần RT và rừng trên cụm đảo Hòn Khoai, đến đầu tháng 3 đã có hơn 2.500ha cảnh báo cháy ở mức độ 3 và hơn 360ha báo cháy cấp độ 4. Những thửa rừng báo cháy cấp 4 tập trung ở lâm phần RT xã Trần Hợi và Khánh Bình Tây Bắc của huyện Trần Văn Thời. Ngành KL Cà Mau cảnh báo, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt, nhiều khả năng diện tích báo cháy cấp 3 hiện tại sẽ tăng cấp trong 10 ngày tới, đặc biệt với hơn 570ha rừng trên cụm đảo Hòn Khoai.
Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân có thể gây
cháy rừng, đối với RT tiếp giáp xung quanh là đất SX nông nghiệp, người dân đốt đồng để canh tác, vào rừng lấy mật ong, bắt cá, săn bắt động vật… sử dụng lửa gây cháy. Đối với vùng hải đảo Kiên Hải, Phú Quốc và rừng đồi núi trong đất liền, người dân sống xen trong rừng, nấu ăn, làm rẫy xung quanh rừng, hoạt động du lịch, vứt tàn thuốc, đốt vàng mã, đốt đồng cỏ để chăn thả gia súc... gây cháy lan vào rừng. Ngoài ra, một số đối tượng có thể đốt rừng, phá hoại tài nguyên rừng nhằm mục đích bao chiếm đất rừng, khai thác cây gỗ thu lợi bất chính...
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh khoảng trên 16.860ha, gồm rừng đặc dụng với gần 1.600 ha (chiếm 9,35% diện tích đất lâm nghiệp), rừng phòng hộ với 11.550 ha (chiếm 68,47%) và rừng sản xuất (SX) với trên 3.740ha, chiếm 22,18%. Mùa khô năm 2022, tổng diện tích vùng trọng điểm cháy rừng tại các huyện miền núi An Giang như Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn được xác định gần 7.400ha, chiếm 43,70% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh.
Lực lượng kiểm lâm Cà Mau kiểm tra Vườn quốc gia U Minh Hạ
Huyện Tri Tôn có diện tích vùng trọng điểm cháy rừng trong mùa khô cao nhất với trên 4.400ha. Trong đó, vùng đồi núi của huyện có 2.550ha (khu vực có nguy cơ cháy cao 1.850ha, chiếm 41,98% diện tích và khu vực có khả năng cháy 700ha, chiếm 15,88%), vùng đồng bằng với hơn 1.856ha RT có nguy cơ cháy cao như RT Bình Minh, RT Tân Tuyến và RT Lâm trường Tỉnh đội. Huyện Tịnh Biên xác định diện tích vùng trọng điểm cháy rừng trên 2.900ha gồm: RT Trà Sư, RT Nhơn Hưng, khu vực (KV) núi Phú Cường, núi Nhọn, đồi Kakô, KV Latina - Tà Lọt thuộc núi Cấm... Huyện Thoại Sơn có 50ha vùng trọng điểm cháy rừng trong mùa khô ở các KV núi Tượng, núi Nhỏ, núi Sập.
Những ngày qua, nắng nóng kéo dài khiến Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu ở TP.Bạc Liêu đang trong tình trạng cảnh báo cháy rừng cấp 5, cực kỳ nguy hiểm. Khu bảo tồn này có tổng diện tích cả vùng lõi và vùng đệm khoảng 380ha, được công nhận là Khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia với hơn 100 loài chim, cò... cùng lượng cá thể lên đến hơn 60.000 con, trong đó nhiều loài chim quý hiếm được ghi vào Sách đỏ thế giới. Ngoài ra, tại đây còn có 150 loài động vật, 109 loài thực vật, tạo nên quần thể đa dạng sinh học vô cùng độc đáo. Đây là vườn chim duy nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong nội ô thành phố.
Từ tháng 1 đến 6 hàng năm, những cánh rừng ở Đồng Tháp có nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Trên địa bàn hiện có 3 KV dự báo cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm, khả năng cháy lớn và lan nhanh như: KV rừng phòng hộ biên giới thuộc Đoàn Kinh tế quốc phòng 959 tại huyện Tân Hồng; KV rừng ở Trại Động Cát thuộc huyện Tháp Mười và KV rừng, đồng cỏ Khu di tích Gò Tháp ở huyện Tháp Mười. Diện tích rừng ở 3 KV này đa số là RT và bạch đàn, tiếp giáp đất nông nghiệp.
Diễn tập phòng chống cháy tại Vườn chim Bạc Liêu
Sẵn sàng "chiến đấu" với giặc lửa
Tỉnh Kiên Giang có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 82.650ha, trong đó diện tích đất có rừng hơn 76.200ha, gồm rừng tự nhiên và rừng trồng, với các loại rừng đặc dụng, phòng hộ, SX; tỉ lệ che phủ rừng đạt 11%. Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy rừng trên một số lâm phần ở huyện Giang Thành và TP.Phú Quốc, với hơn 12ha, hiện trạng đồng cỏ, tràm tái sinh rải rác, tài nguyên rừng thiệt hại không đáng kể. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, trong 5 năm (2017 - 2021) toàn tỉnh xảy ra 56 vụ cháy rừng, với diện tích cháy 624ha trên địa bàn TP.Phú Quốc và các huyện Giang Thành, Kiên Hải, Hòn Đất.
Các lực lượng PCCC rừng đã kịp thời dập tắt, không để cháy lớn, gây thiệt hại lớn tài nguyên rừng. Tỉnh Kiên Giang phân bổ kinh phí 12,33 tỷ đồng cho các đơn vị lâm nghiệp, gồm: VQG Phú Quốc, VQG U Minh Thượng, Ban quản lý (BQL) rừng Kiên Giang, BQL dự án Lâm trường 422 và Chi cục KL, thực hiện phương án PCCC rừng trên địa bàn tỉnh mùa khô năm 2022.
Để chủ động trong công tác PCCC rừng trên địa bàn trong cao điểm mùa khô năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang quyết tâm PCCC kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm "Bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Tỉnh đã duy trì hoạt động của 17 tổ hợp tác bảo vệ và phát triển rừng thuộc địa bàn 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Tỉnh huy động 2.500 người gồm lực lượng Quân sự, Công an, KL, BQL rừng... sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy rừng vùng đồi núi.
Lực lượng KL An Giang ứng trực 100% trong các ngày nghỉ, ngày lễ ở tháng cao điểm mùa khô cho đến khi có mưa nhiều nhằm bảo đảm an toàn, không để xảy ra cháy rừng. Những tổ chức có diện tích rừng SX đều bố trí người tuần tra canh giữ và có hệ thống kênh mương khép kín... An Giang cũng trang bị 6 xe tải, 59 xuồng và vỏ lãi, 126 máy chữa cháy đồi, 146 máy chữa cháy đeo vai và 7.535 dụng cụ như thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa, kẻng báo động... để ứng phó với các tình huống cháy lớn.
Mùa khô năm nay, nhiều diện tích rừng ở miền Tây có nguy cơ xảy ra cháy
Chi cục KL tỉnh Cà Mau cho biết, mùa khô 2021-2022 ngành chức năng tỉnh tiếp tục thực hiện phương án "Bốn tại chỗ". Các giải pháp đồng bộ cũng đã được triển khai đến chủ rừng và chính quyền địa phương có rừng. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để dân cư trong và ven rừng nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm bảo vệ rừng, PCCC rừng; tất cả chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư xây dựng phương án PCCC rừng nhằm chủ động ứng phó; đắp đập giữ nước để ngăn mặn giữ ngọt, tích trữ nguồn nước; dựng chòi canh lửa để quan sát, theo dõi và phát hiện cháy rừng; chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị PC cháy rừng...
Trước tình trạng Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu đang cảnh báo cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm, để PC cháy rừng, BQL rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp cùng lực lượng KL tỉnh dọn thực bì, phát quang các tuyến đường, bờ bao, KV nguy cơ cháy cao. Đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống ven khu bảo tồn không xâm nhập vào rừng, không đốt lửa gần bờ bao hoặc ngăn dòng chảy kênh dẫn nước vào vườn chim... Ban quản lý còn phân công lực lượng lấy nước theo triều cường dự trữ vào các kênh mương nhằm tăng độ ẩm rừng và dự trữ nước PCCC rừng khi có sự cố xảy ra, đồng thời thường xuyên phun nước tại các KV có nguy cơ cháy cao.
Tại Đồng Tháp, các chủ rừng cũng chủ động đưa nước vào rừng, những nơi có điều kiện tiến hành bơm nước để tăng độ ẩm trong rừng và dự trữ nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy rừng. Một số đơn vị thực hiện tốt công tác PCCC rừng như VQG Tràm Chim ở huyện Tam Nông đã lắp đặt camera an ninh ở KV trọng yếu để quản lý trực tiếp, kịp thời phát hiện nhanh khi có cháy xảy ra, đồng thời tổ chức đưa phương tiện đến tận nơi nguy cơ cháy cao.
Đối với RT Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh triển khai nhiều biện pháp PC cháy rừng hiệu quả như, tạo đường băng trắng, đường băng xanh. Đối với RT Xẻo Quýt, huyện Cao Lãnh lắp đặt hệ thống bơm nước và thường xuyên tưới tăng độ ẩm cho rừng ở nơi du khách đến tham quan. Khu vực rừng phòng hộ biên giới thuộc Đoàn Kinh tế quốc phòng 959 ở huyện Tân Hồng tiến hành nạo vét kênh, ao phục vụ công tác PCCC rừng... Song song với đó triển khai phương tiện, thiết bị xuống KV trọng điểm có nguy cơ cháy cao; tăng cường tuần tra kiểm soát, phân công trực 24/24 giờ tại Ban chỉ huy PCCC rừng cơ sở, trạm chốt, đài quan sát để ứng phó kịp thời khi xảy ra cháy rừng...