40% Diện tích đồng bằng sẽ biến mất?
Vùng ĐBSCL là một trong những khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam, đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp, 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Tuy nhiên, nơi đây đang chịu tác động mạnh do biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng cực đoan như: hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở. Tình trạng khai thác cát quá mức đã làm gia tăng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân đồng bằng. Do đó, việc quản lý khai thác cát một cách hiệu quả và bền vững cần những giải pháp căn cơ và lâu dài.
Theo khảo sát, lượng phù sa, bùn cát của sông Mê Kông đã giảm khoảng 50%, từ 160 triệu tấn vào năm 1992 xuống còn 75 triệu tấn năm 2014. Theo báo cáo của Ủy hội Sông Mê Kông công bố năm 2018, tổng lượng trầm tích (bao gồm cát) đổ về sông Tiền và sông Hậu đang ngày càng giảm dần và dự kiến chỉ còn khoảng 4,5 triệu tấn vào năm 2040. Nguyên nhân là do hàng loạt thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn.
Bên cạnh đó, độ sâu của sông Tiền và sông Hậu năm 2008 đã tăng thêm 1,3m so với thời điểm năm 1998, tương đương 90 - 110 triệu m3 trầm tích bị giảm đi từ lòng sông. Nhưng từ năm 2008 - 2016, độ sâu của sông Tiền và sông Hậu diễn ra nhanh hơn, trung bình sâu thêm 3 - 7m. Điều này cho thấy trầm tích đang bị lấy đi khỏi lòng sông ngày càng nhiều so với giai đoạn 1998 - 2008. Đáng báo động là khoảng 66% đường bờ biển trên toàn vùng ĐBSCL đang có nguy cơ sạt lở. Tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, gia tăng cả về tần suất và quy mô.
Các chuyên gia, nhà khoa học tại buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, ông Hà Huy Anh - Quản lý dự án Quản lý cát bền vững WWF - Việt Nam cho biết, có sự mất cân bằng khá nghiêm trọng "ngân hàng cát" ở ĐBSCL, cụ thể là âm 26,5 - 39,5 triệu tấn/năm. Khối lượng cát đổ về từ thượng nguồn từ 6,8 - 7 triệu tấn/năm. Lượng cát khai thác ở ĐBSCL là âm 27 - 40 triệu tấn/năm. Lượng cát đổ ra biển là âm 6,5 triệu tấn/năm. Quá nhiều đập thủy điện xây dựng trên thượng nguồn dẫn đến lượng trầm tích đổ về đồng bằng từ thượng nguồn giảm theo thời gian, đến năm 2040 dự đoán chỉ còn 4,5 triệu tấn trầm tích đổ về ĐBSCL, trong đó 10 - 15% so với 143,2 triệu tấn năm 2007. Việc thiếu trầm tích là nguyên nhân tình trạng sụp lún, lòng sông càng ngày càng xói sâu, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng. "Chúng ta đang chi tiêu âm "ngân hàng cát" ít nhất từ 26,5 - 39,5 triệu tấn/năm. Có thể con cháu chúng ta sẽ không còn thấy 40% diện tích của đồng bằng sau 78 năm nữa", ông Hà Huy Anh cảnh báo.
Nói về tình hình sạt lở của ĐBSCL, tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Hùng (Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cho biết: Sạt lở ở ĐBSCL không còn theo quy luật và xuất hiện bất cứ lúc nào. Tính đến năm 2022, ĐBSCL có 665 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 656km. Nguyên nhân chính gây sạt lở là do khai thác cát quá mức. Dòng sông như một cơ thể sống, liền mạch từ thượng nguồn ra biển. Nếu trữ cát ở thượng nguồn thì hạ nguồn bắt đầu sạt lở. Giai đoạn gần đây cho thấy hiện tượng đáy sông bị hạ thấp rất mạnh...
Cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ bị đe dọa
Ông Hà Huy Anh cho biết, qua khảo sát, đo đạc từ dự án IKI SMP trong mùa khô 2022 thì cách cầu Mỹ Thuận 1,2km về phía thượng nguồn đang có một hố sâu 50m. Khi khảo sát ở các điểm trên sông Tiền và sông Hậu, chúng tôi không tìm thấy đụn cát ở đáy đạt tiêu chuẩn để nghiên cứu tại khu vực Mỹ Thuận. Tại đây, chỉ có sóng cát ngắn và thấp. Đồng thời, qua phân tích trầm tích bề mặt đáy sông khi lấy 34 mẫu tại Mỹ Thuận thì có 8 mẫu hoàn toàn không có cát.
Khai thác cát quá mức gây nhiều hệ lụy cho ĐBSCL
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL), trong tương lai sẽ không còn một hạt cát nào về ĐBSCL. Cát chỉ đi về những năm có lũ, mỗi năm chỉ 200km. Trong hành trình 4.800km thì đi hàng chục năm mới tới. Bây giờ có những đập thủy điện chắn ngang thì không có cách nào cát qua được. Mấy năm gần đây thấy có ít cát về là đã khởi hành từ trong quá khứ. "Làm hố để tái phân phối đáy sông thì toàn bộ đáy sông bị hạ thấp. Khi đáy sông Hậu, sông Tiền bị hạ thấp thì các con sông khác, như: Ô Môn, Cần Thơ, Cái Răng, Cái Côn... bị kéo theo, kể cả kênh rạch. Việc khai thác ở nơi này sẽ gây sạt lở ở khắp nơi. Do đó làm "tài khoản cát" cần tính cho nhu cầu cát bờ biển", ông Thiện lưu ý.
Chuyên gia Thiện còn dẫn chứng, theo số liệu đo đạc phía trên thượng lưu cầu Mỹ Thuận có hố sâu 50m, gần đây xảy ra sạt lở ở Cù Lao Minh (dài 350m, rộng 160m) không hề có cảnh báo. Quá trình tái phân phối đáy sông đã hình thành "hàm ếch" rất sâu. Địa điểm này cách cầu Mỹ Thuận không xa. Trước khi làm những cây cầu lớn, đã đổ thêm cát khu vực này. "Câu hỏi đặt ra là trên có hố sâu, dưới có hố sâu thì chân cầu Mỹ Thuận có được "tha" không, cát có nằm yên tại cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ hay không? Do đó, các cơ quan chức năng, cơ quan quốc tế nên đo lượng cát đổ thêm trước đây còn không hay bị âm. Chúng ta đừng để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", thạc sĩ Thiện lưu ý.
Cũng theo ông Thiện, ở ĐBSCL không có "cát biển", bởi cát là từ sông Mê Kông mang ra trong mùa lũ và đến mùa khô thì tái phân phối. Theo dòng chảy, mùa khô chỉ mang đi phù sa mịn, để cát ở lại và trong quá trình kiến tạo đồng bằng thì nó lấn ra biển 16m/năm. Cát là vật liệu nặng nên đi trước lót nền, sau đó là phù sa mịn. Đây là quá trình lấn 250km trong 6.000 năm vừa qua. Bây giờ chúng ta lấy cát biển đi là đang ngăn chặn quá trình kiến tạo đồng bằng, giống kiểu "tự ăn thịt mình".
Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng trên sông Vàm Nao
Buổi tọa đàm "nóng lên" khi ông Thiện cho biết cát cấp phép chỉ đáp ứng được 14% của thị trường, còn lại 86% là từ nguồn không có phép. Việc thấy đồng bằng hết cát nên đem phương tiện sang Campuchia để mua cát cũng giống kểu "mình tự ăn thịt mình", bởi đây là nguồn từ sông Mê Kông trôi về. Ngoài ra, ông Thiện kiến nghị nên xem lại quy hoạch các đô thị mới ở ĐBSCL. Đầu tiên là liên kết vùng, bởi sông Mê Kông và Cửu Long là một hệ. Nếu lấy một nơi là ở bên dưới "đói" cát. "Hiện nay chúng ta đang quản lý theo phạm vi hành chính của một tỉnh. Do đó, cần quản lý cát trên bình diện đồng bằng. Đô thị được quy hoạch là nguyên khu vực, sau đó lấy phương tiện bơm cát lên để san lấp. Việc này không thể tiếp tục mà phải nghĩ đến quy tắc "cân bằng đào, đắp". Cụ thể là đào lên thì lấy diện tích đó xây dựng luôn, có kênh mương để thích ứng với biến đổi khí hậu...", ông Thiện đề xuất.
Nêu ý kiến tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) giải thích vì sao người dân ĐBSCL gọi là "con sông" mà không gọi là "dòng sông". Bởi vì người dân hiểu được con sông là sinh vật sống, cần ăn, có chân để đi. Do đó, cát dọc theo bờ biển là "đôi chân" của đồng bằng. Đồng bằng có đi ra được biển, hay lớn hơn hay không là nhờ "đôi chân" đó. Do đó, các nhà quản lý đừng đề xuất khai thác cái gọi là "cát biển". "Khi nhìn dòng sông như vật sống thì cát là năng lượng, được tích tụ ở các cồn cát. Khi dòng sông bị "đói" thì chắc chắn là các cồn bị biến mất trong tương lai gần. Các cơ quan, nhà khoa học nên khảo sát những cái cồn và coi đó là nguồn cát cung cấp tốt nhất cho các công trình cấp bách. Bởi nếu có chính sách di dời thì rất dễ tính toán, còn nếu nạo vét đáy sông cho sâu xuống thì kéo theo những dòng sông, kênh rạch gây sạt lở khắp nơi", tiến sĩ Ni nhấn mạnh và cho rằng không nên khai thác "cát biển".
Ông Marc Goichot (Quản lý Chương trình nước ngọt WWF Châu Á - Thái Bình Dương): Quan trọng nhất là hiểu được cái giá thật sự của việc khai thác cát lòng sông. Chẳng hạn hiện nay khi mua cát ở TPHCM, người mua không trả tiền cho giá trị thật sự của cát mà chỉ trả tiền cho chi phí khai thác và vận chuyển. Cát và hệ sinh thái có giá trị rất lớn, cần được công nhận đối với con người và thiên nhiên. Xây dựng và duy trì những bờ kè sạt lở rất tốn kém, nếu để cho cát thực hiện vai trò tự nhiên của nó thì các chi phí này sẽ bằng 0. Đây là một ví dụ điển hình cho giải pháp "thuận thiên".
Báo cáo tham vấn được thực hiện tại 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL do WWF - Việt Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai thực hiện vào tháng 10 và tháng 11-2020, trong năm 2020 tỉnh An Giang xảy ra khoảng 53 điểm sạt lở, Đồng Tháp mất khoảng 329ha đất do sạt lở, TP.Cần Thơ có 30 điểm sạt lở...