TP.Hồ Chí Minh: Gian nan cuộc chiến chống "cát tặc"

Thứ Ba, 19/07/2022 10:11  | Nam Anh

|

(CATP) Các con sông ở Đông Nam bộ trước đây như Sài Gòn, Đồng Nai, Sông Bé... bao đời nay êm đềm chảy qua những vùng đất trù phú. Theo thời gian, dù có khi lở khi bồi nhưng những con sông mãi giữ hình hài của thuở nguyên sơ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chưa bao giờ những dòng sông này lại bị "rút ruột" nhiều như bây giờ. Vào sáng sớm hay chiều muộn đến đêm khuya, "cát tặc" lại ra sông hút cát khiến những dòng sông phải oằn mình trong... cơn đau.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TNMT TPHCM cho rằng, để đối phó "cát tặc", TPHCM sẽ xử phạt các bến thủy nội địa không phép, lập chốt kiểm soát trên biển, kiến nghị xử lý hình sự hành vi mua bán tài nguyên trái phép... Theo đó, các sở ngành trên địa bàn TP được giao nhiệm vụ tham mưu, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung vào Luật Hình sự theo hướng "giảm định lượng cụ thể" để xác định yếu tố cấu thành tội phạm, đối với hành vi khai thác tài nguyên trái phép.

Khai thác bất kể ngày đêm

Bị cơ quan chức năng trấn áp quyết liệt nên trong những ngày gần đây, tình trạng khai thác cát đã dịu lắng ở khu vực hạ lưu sông Sài Gòn. Thế nhưng dẹp chỗ này thì "cát tặc" lại tìm chỗ khác... để hoạt động, thậm chí còn dữ dội hơn. Giờ đây, tình trạng hút cát trái phép ở các khu vực như bán đảo Cần Giờ, Thủ Đức... đã quá quen với người dân địa phương. Cứ khi nào Đội kiểm tra liên ngành ra quân kiểm tra thì còn đỡ, nhưng hễ họ rút đi thì tình trạng trên lại tái diễn, thậm chí với mức độ kinh khủng hơn.

Trong những ngày đầu tháng 7-2022, chúng tôi cùng đoàn công tác của Phòng CSGT đường thủy TPHCM có mặt tại thượng nguồn sông Sài Gòn (đoạn chảy qua địa bàn TP.Thủ Đức). Khu vực này được xem là một trong hai điểm nóng về khai thác, tập kết khoáng sản, vận chuyển đi tiêu thụ trái phép thời gian qua. Để thuận tiện cho việc vận chuyển cát lậu, các đối tượng tự ý mở con đường đất rộng, dựng chòi để ăn ngủ và canh giữ. Ông N.T.V (một người dân địa phương) cho biết, trước đây khu vực quận 9, Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức) là khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, ít có nhà dân xung quanh.

Phương tiện khai thác cát lậu hiện đại

Khu vực biển Cần Giờ đang là "điểm nóng" của hoạt động "cát tặc" khi các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các vụ việc khai thác cát trái phép liều lĩnh. Lợi dụng địa hình vắng vẻ, từ đầu năm đến nay, các đối tượng khai thác cát lậu đã đưa máy móc vào san đường để vận chuyển cát từ dưới sông lên. Rầm rộ nhất là 3 tháng trước, việc khai thác cát diễn ra cả ngày lẫn đêm. Khi vận chuyển không hết, các đối tượng tập kết thành các bãi ở khu đất trống. Xe chở cát hoạt động với tần suất cao khiến đường dân sinh xung quanh cũng bị hư hỏng, xuống cấp.

Để trấn áp tình trạng khai thác cát lậu, mới đây Cơ quan CSĐT Công an TPHCM phối hợp Thủy đoàn II - Cục CSGT (C08), Bộ Công an triệt phá đường dây khai thác cát lậu lớn tại khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ với tang vật là 15 sà lan kích cỡ lớn cùng nhiều phương tiện nạo hút cát cỡ lớn và hiện đại. Trên các sà lan ước tính chứa hơn 7.468m3 cát. Đường dây khai thác cát lậu này do Trương Văn Chinh (37 tuổi), Trương Văn Thắng (37 tuổi) và Vũ Ngọc Đại (46 tuổi, cùng quê Hải Dương) cầm đầu.

Sau khi bắt quả tang các đối tượng đang khai thác cát, Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam các đối tượng cùng về tội "vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên" theo Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND TPHCM phê chuẩn. Tại buổi kiểm tra, cơ quan công an phát hiện 15 sà lan với 64 thuyền viên, trong đó có 12 sà lan đang chứa các thiết bị khai thác cát trái phép và 3 sà lan chờ vận chuyển cát khai thác đem đi tiêu thụ.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 11/15 sà lan có chứa cát, tổng khối lượng là 7.468,17m3. Lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản, tạm giữ 15 phương tiện. Công an thu giữ nhiều thiết bị, máy móc, hệ thống bơm cát, vòi rồng công suất lớn. Qua điều tra, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra bãi tập kết cát lậu tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An do ông H.N.T (48 tuổi, quê Long An) làm chủ và phát hiện 3.374,85m3 cát do các nghi can khai thác cát lậu tập kết về đây. Cơ quan chức năng đã lập biên bản, tạm giữ 3.374,85m3 cát, 1 phà bơm cùng các sổ sách có liên quan vụ án.

Những chiếc sà lan chở đầy cát lậu

Triệt phá nhiều băng nhóm

Trước đó, Công an TPHCM cũng bắt quản tang 12 người đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên sông Đồng Tranh, huyện Cần Giờ. Tại buổi kiểm tra, cơ quan Công an tạm giữ Nguyễn Ngọc Phi (37 tuổi) và Đặng Quốc Tùng (39 tuổi, cả hai cùng quê Long An) và 2 ghe hút cát, 2 sà lan cùng hơn 100m3 cát khai thác trái phép.

Tại cơ quan Công an, Nguyễn Ngọc Phi và Đặng Quốc Tùng được xác định là người cầm đầu, tổ chức khai thác cát trái phép trên sông Đồng Tranh. Hàng ngày, 2 ghe hút cát hoạt động từ 22 giờ đến 3 giờ hôm sau. Các ghe này dùng máy bơm, vòi công suất lớn hút cát từ lòng sông bơm lên sà lan rồi chở đi bán. Việc khai thác cát trái phép mang đi bán của Phi và Tùng diễn ra từ tháng 1-2022. Đến tháng 3-2022, Tùng đã bị UBND huyện Cần Giờ xử phạt hành chính về hành vi khai thác cát trái phép trên sông.

Theo Công an TPHCM, tình trạng khai thác cát trái phép thuộc huyện Cần Giờ vẫn diễn biến phức tạp. Việc điều tra, theo dõi, bắt giữ "cát tặc" rất khó khăn. Các phương tiện khai thác cát trái phép hoạt động vào đêm khuya, trên các tuyến sông nằm sâu trong rừng và có người cảnh giới. Bên cạnh đó, lực lượng làm nhiệm vụ thiếu phương tiện di chuyển, truy bắt "cát tặc".

Rạng sáng 16-6, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với trung đoàn Cảnh sát cơ động và Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH bắt quả tang 12 người đang tham gia khai thác cát trái phép tại khu vực gần phao số 10 và phao số 23 trên sông Đồng Tranh, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ. Tang vật thu giữ gồm 2 ghe hút cát, 2 sà lan cùng hơn 100m3 cát. Hiện Công an TPHCM đang mở rộng, điều tra xử lý những người tổ chức, tham gia khai thác cát trái phép trên sông Đồng Tranh.

Phòng Cảnh sát môi trường TPHCM cho biết, để tăng cường xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, từ đầu năm đến nay, được sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc CATP, Phòng đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành... triển khai đồng bộ các biện pháp, lực lượng, phương tiện đấu tranh, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng cát trên địa bàn TP rất lớn, nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu, do vậy, vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép ở một số nơi.

"Cát tặc" lộng hành vùng giáp ranh

Các đối tượng và sà lan vi phạm sống ở nhiều quận, huyện. Ban ngày sà lan không hoạt động, chỉ đậu sát bờ sông. Khi màn đêm buông xuống, bọn "cát tặc" mới tham gia hoạt động và có người cảnh giới. Nếu phát hiện lực lượng chức năng đi kiểm tra, các chủ sà lan vi phạm sử dụng điện thoại thông báo cho nhau biết để rút vòi bơm, xả cát xuống biển, sông và chạy trốn vào các kênh rạch hoặc chạy về phía địa bàn của tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, thậm chí chúng sẵn sàng chạy ra giữa dòng đánh chìm phương tiện... gây khó khăn cho công tác xử lý.

Ngoài ra, việc triển khai lực lượng kiểm tra, xử lý vào ban đêm cũng gặp khó, vì lòng sông rộng, nước chảy xiết, nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ. Khi lực lượng chức năng áp sát, nhóm "cát tặc" bỏ chạy. Bị truy đuổi gắt, nhiều người nhảy xuống sông tẩu thoát. Vì vậy, giải pháp tối ưu là chọn thời điểm thích hợp để tiến hành kiểm tra, xử lý các sà lan vi phạm đang neo đậu gần bờ sông và không có người canh giữ. Để xử lý tình trạng khai thác cát trái phép cần giải quyết triệt để các điểm kinh doanh, bãi tập kết cát trái phép.

Để đối phó "cát tặc", TPHCM sẽ xử phạt các bến thủy nội địa không phép, lập chốt kiểm soát trên biển, kiến nghị xử lý hình sự hành vi mua bán tài nguyên trái phép. Do đó, các quận, huyện cần chỉ đạo các xã, phường rà soát các bãi tập kết cát trái phép trên địa bàn quản lý, lập kế hoạch tháo dỡ các đường, bến bãi vận chuyển, khai thác cát trái phép do các đối tượng khai thác, mua bán tạo ra; ngăn ngừa, không cho phép hình thành các mặt bằng, bến bãi tập kết cát mới. UBND xã, phường tăng cường công tác kiểm tra, nếu phát hiện có việc phá hoại, phục hồi bãi tập kết hoặc hình thành các điểm tập kết mới thì cần khẩn trương xử lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang