Lễ hội sông nước TPHCM: Kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch

Thứ Bảy, 01/06/2024 14:39

|

(CAT) Trở lại lần 2 với quy mô lớn hơn so với lần đầu ra mắt, Lễ hội sông nước TPHCM năm 2024 không chỉ đặt mục tiêu tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế TPHCM mà còn mang trọng trách "thổi hồn" cho sông Sài Gòn, giữ gìn và quảng bá nếp sống, văn hóa, di sản quý báu của dòng sông.

Truyền tải câu chuyện lịch sử

Tại lễ khai mạc Lễ hội sông nước TPHCM lần 2 diễn ra vào tối 31/5 tại Khu Nhà Rồng - Khánh Hội - Cảng Sài Gòn, với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật đặc biệt mang chủ đề "Chuyến tàu huyền thoại", kể câu chuyện của dòng sông gắn với TPHCM qua những chuyến tàu lịch sử. Vở diễn với 5 chương: Hạ thủy, Cập bến, Ra khơi, Dậy sóng và Vươn xa, kết hợp tính lịch sử, điện ảnh, giải trí, quy tụ các đạo diễn hàng đầu và 1.000 diễn viên tham gia để truyền tải những thông điệp ý nghĩa, câu chuyện lịch sử, sự phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TPHCM gắn với những dòng sông, kênh rạch.

Lịch sử được tô đậm qua câu chuyện về công xưởng Ba Son gắn liền với Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Dưới sông, con tàu Amiral Latouche Tréville với chuyến tàu gắn liền vận mệnh lịch sử dân tộc Việt Nam, chuyến tàu đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Song song đó là những hải thuyền đầu tiên của người Việt được hạ thủy, những trận đánh vang dội trên sông của chiến sĩ đặc công Rừng Sác, tàu Sông Hương - con tàu đầu tiên chở 541 cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết trở về tiếp quản miền Nam sau ngày giải phóng, với những cuộc trùng phùng, đoàn tụ nghẹn ngào nước mắt sau hơn 20 năm xa cách và không thể thiếu những chuyến tàu ở hiện tại đưa thương hiệu Việt Nam ra trên thế giới, mang theo hy vọng thúc đẩy sự phát triển của thành phố, đất nước.

Tái hiện hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng

Kích cầu tăng trưởng doanh thu ngành du lịch

Diễn ra từ ngày 31/5 đến 10/6/2024, Lễ hội sông nước TPHCM lần 2 năm 2024 mở rộng cả về quy mô và thời gian. Lễ hội được tổ chức thành chuỗi sự kiện liên ngành du lịch, giải trí, thể thao, ẩm thực, mua sắm gắn với tinh thần lễ hội sông nước đặc trưng của TPHCM, có nhiều hoạt động chính diễn ra tại các địa điểm, gồm: Khu Nhà Rồng - Khánh Hội - Cảng Sài Gòn, Công viên Bến Bạch Đằng, Công viên bờ sông Sài Gòn, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bến Ngôi Sao Việt (Q7), bến Bình Đông (Q8), Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn TP.Thủ Đức và các quận, huyện của TPHCM.

Ngoài điểm nhấn là lễ khai mạc, xuyên suốt lễ hội còn có các hoạt động hấp dẫn khác như thuyền bè diễu hành trên sông, tái hiện chợ nổi miền Tây, tuần lễ trái cây "trên bến dưới thuyền", không gian văn hóa - văn nghệ, hội thi ẩm thực sông nước, giải vô địch bơi vượt sông, giải vô địch ván chèo đứng, trình diễn môtô nước, dù lượn, thuyền buồm... Trong đó, không gian "trên bến dưới thuyền", chợ nổi miền Tây được tổ chức tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ ngày 01/6 đến 09/6 nhằm tái hiện hoạt động chợ nổi gắn liền với miền Tây sông nước, giúp du khách trải nghiệm mua sắm trái cây cùng nhiều hoạt động diễn xướng dân gian khác.

Với gần 1.000km đường sông, kênh, rạch, TPHCM có tiềm năng phát triển nhiều sản phẩm du lịch đường thủy. Ngành du lịch TPHCM đã xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mới lạ trên sông Sài Gòn và các tuyến kênh nội đô, kết nối với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đa dạng của địa phương và một số địa phương ở phía Nam. Lễ hội sông nước TPHCM lần 2 đang diễn ra với nhiều dấu ấn đặc sắc, làm nổi bật tiềm năng riêng của TPHCM về văn hóa và du lịch, bởi yếu tố sông nước chính là hồn cốt, đặc trưng văn hóa của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TPHCM xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội sông nước TPHCM lần 2 chia sẻ: Lễ hội sông nước TPHCM là câu chuyện phát huy giá trị văn hóa, không gian công cộng, phát huy giao thông - du lịch đường thủy hiện nay. Ngoài tôn vinh, giữ gìn, lễ hội còn chú trọng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sông nước, hướng đến xây dựng TPHCM là điểm đến xanh, sạch. TPHCM sẽ tiếp tục đầu tư tổ chức để lễ hội sông nước tạo thành chuỗi hệ thống sự kiện văn hóa - du lịch đặc sắc, góp phần kích cầu tiêu dùng, tăng trưởng doanh thu của "ngành công nghiệp không khói".

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ các hoạt động trong Lễ hội sông nước TPHCM lần 2, Sở Giao thông - Vận tải đã thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông ở một số tuyến đường. Cụ thể, từ ngày 29/5 đến 06/6: Đường Lê Lợi (đoạn từ đường Nguyễn Trung Trực đến đường Hàm Nghi, gần chợ Bến Thành) cấm các loại xe lưu thông vào làn ôtô, các phương tiện chuyển hướng lưu thông vào làn hỗn hợp trên đường Lê Lợi ở cả hai hướng.

Từ ngày 01/6 đến 02/6 và từ 07/6 đến 09/6: Hạn chế các loại xe lưu thông vào đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ đường Nguyễn Siêu đến cầu Khánh Hội) thuộc khu vực Q1 để phục vụ các hoạt động thể thao dưới nước.

Từ ngày 01/6 đến 09/6: Hạn chế các loại xe lưu thông vào hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa (đoạn từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè) thuộc khu vực Q1.

Từ ngày 04/6 đến 10/6: Hạn chế các loại xe lưu thông vào đường Bến Bình Đông (đoạn từ cầu Chà Và đến cầu Kênh Ngang số 2) thuộc khu vực Q8 để phục vụ không gian "Trên bến dưới thuyền".

Bình luận (0)

Lên đầu trang