Ông Tất Thành Cang nhận án 10 năm tù, Tề Trí Dũng 20 năm tù

Thứ Bảy, 08/01/2022 18:43

|

(CAO) Ngày 8/1, TAND TPHCM đã tuyên án sơ thẩm đối với 20 bị cáo trong vụ án sai phạm tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan.

Hội đồng xét xử đánh giá hành vi tội phạm của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát tài sản Nhà nước, gây mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Đối với 12 bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020) 10 năm tù; Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy) 6 năm tù; Nguyễn Hữu Thành (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim) 5 năm tù; Lê Hoàng Minh (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty IPC từ tháng 2/2017) 4 năm tù.

Hai bị cáo Vũ Xuân Đức và Nguyễn Trường Bảo Khánh (thành viên HĐTV Công ty IPC) cùng nhận mức án 3 năm tù.

Các bị cáo Trần Mạnh Khôi, Đoàn Minh Lý (đại diện vốn của IPC tại SADECO), Lâm Văn Tuấn (thành viên Ban Kiểm soát SADECO), Phùng Đức Trí (nguyên Phó Tổng giám đốc IPC) cùng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Hai bị cáo Đoàn Thị Minh Trang (Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch IPC), Lương Trí Cường (chuyên viên Phòng Tài chính-Kế hoạch IPC) 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án

Đối với 7 bị cáo bị xét xử về 2 tội “Tham ô tài sản,” “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 353 và Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT SADECO) 20 năm tù cho cả hai tội; Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc SADECO) 16 năm tù; Trần Công Thiện (đại diện vốn của IPC tại SADECO) 13 năm tù; Huỳnh Phước Long (đại diện vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO) 12 năm tù; Đỗ Công Hiệp (nguyên Kế toán trưởng SADECO) 10 năm tù; Trần Đăng Linh (nguyên Phó Tổng giám đốc SADECO) 8 năm tù; Phạm Xuân Trung (Phó Tổng Giám đốc IPC) 6 năm tù.

Riêng bị cáo Nguyễn Văn Minh (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Công ty SADECO) bị tuyên phạt mức án 3 năm 6 tháng tù về tội “Tham ô tài sản”.

Theo đại diện VKS, SADECO là công ty con của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), với tỉ lệ góp vốn của IPC là 74,8%. Ngày 26-3-2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại SADECO. Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO) với giá 26.100 đồng/cổ phần.

Tháng 9-2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại SADECO với giá 55.000 đồng/cổ phần. Vốn điều lệ của SADECO tại thời điểm tháng 10-2016 là 170 tỉ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.

Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO thì phải đấu giá. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và SADECO đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá.

Theo Hội đồng định giá tài sản kết luận thời điểm tháng 1-2017, giá trị tài sản của SADECO là 3.245 tỷ đồng, giá trị các khoản nợ phải trả là 481 tỷ đồng. Thiệt hại của Công ty SADECO trong việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim được xác định là 1.103 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại cho vốn của UBND TPHCM là 485 tỷ đồng, vốn của Thành ủy TPHCM là 184 tỷ đồng, các cổ đông khác là 433 tỷ đồng.

Ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí do chấp thuận cho SADECO bán rẻ cổ phần. Ông Cang phải chịu trách nhiệm về phần vốn của Văn phòng Thành ủy TPHCM tại SADECO tương ứng với số tiền 184 tỉ đồng. Ông Cang cũng được xác định là người có vai trò quyết định trong việc phát hành 9 triệu cổ phần.

VKS xác định căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa có đủ căn cứ xác định việc truy tố là đúng người đúng tội. Hành vi của các bị cáo trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng. Tại toà bị cáo Tất Thành Cang khai báo không thành khẩn, quanh co, không thể hiện sự ăn năn nên cần có bản án nghiêm khắc.

Về trách nhiệm dân sự, Công ty Nguyễn Kim đã hoàn trả toàn bộ 9 triệu cổ phần cùng tiền lãi phát sinh cho SADECO. Đối với số tiền 4,6 tỷ Dũng và đồng phạm tham ô, các bị cáo đã khắc phục hết; còn số tiền hơn 3,5 tỷ đồng thiệt hại của SADECO (trong đó 2,1 tỷ đồng của Nhà nước) chi cho các cá nhân đi du lịch, VKS đề nghị HĐXX tuyên thu hồi.

Quá trình xét xử và nghị án, HĐXX nhận định việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho đối tác chiến lược của SADECO là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) là trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Theo HĐXX, với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, bị cáo Tất Thành Cang phải nắm rõ các quy định về Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

HĐXX vụ án

Bị cáo Tất Thành Cang có bút phê "Đồng ý" vào Tờ trình 1148 mà không chỉ đạo bị cáo Phạm Văn Thông yêu cầu người đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy tại SADECO có ý kiến trước Hội đồng quản trị SADECO khi phát hành cổ phần phải tuân theo Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 và Điều 38 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.

Hành vi sai phạm của bị cáo Tất Thành Cang được chứng minh bằng các chứng cứ vật chất trong hồ sơ vụ án là Tờ trình 1148 và Thông báo 495 của Văn phòng Thành ủy.

Tại hai văn bản này đều thể hiện ý thức của bị cáo Tất Thành Cang trong việc chấp thuận chủ trương về việc phát hành 9 triệu cổ phần SADECO cho cổ đông chiến lược.

Đồng thời còn được chứng minh bằng các lời khai của các bị cáo Huỳnh Phước Long, Trần Công Thiện, Phạm Văn Thông về việc tham gia đề xuất, làm tờ trình phương án xin ý kiến của bị cáo Tất Thành Cang.

Tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang cho rằng Văn phòng Thành ủy và người đại diện vốn đã báo cáo không trung thực với bị cáo, sử dụng Tờ trình 12A được Hồ Thị Thanh Phúc chỉnh sửa.

Hội đồng xét xử đánh giá Tờ trình 12A và Tờ trình 13 chỉ khác nhau tên cụ thể của cổ đông chiến lược chứ không khác nhau về bản chất, đã được Hội đồng quản trị SADECO và người đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy thông qua.

Bị cáo Tề Chí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty IPC, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty SADECO) và các bị cáo tại Công ty IPC, SADECO, người đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy tại SADECO đã thực hiện các thủ tục thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần Sadeco với giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim mà không thẩm định giá, đấu giá theo quy định.

Bị cáo Tất Thành Cang đã ký bút phê "Đồng ý" vào Tờ trình 1148 chấp thuận chủ trương phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000/cổ phần cho cổ đông chiến lược, Văn phòng Thành ủy đã ban hành Thông báo 495 cụ thể hóa Tờ trình 1148 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tất Thành Cang.

Từ đó, việc chuyển nhượng cho SADECO được hoàn thành, gây thiệt hại cho SADECO hơn 1.103 tỷ đồng. Trong số đó, thất thoát tài sản Nhà nước hơn 669,6 tỷ đồng.

Bị cáo Tề Chí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc và các đồng phạm còn lợi dụng thẩm quyền quản lý tiền thù lao khen thưởng tại Công ty SADECO để thực hiện nhiều hành vi gian dối nhằm chi sai quy định số tiền mà đáng lẽ SADECO phải nộp về Văn phòng Thành ủy và Công ty IPC. Các bị cáo đã chiếm hưởng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Tề Chí Dũng còn chỉ đạo Hồ Thị Thanh Phúc và các đồng phạm chi tiền của SADECO cho nhiều cá nhân đi du lịch nước ngoài dưới danh nghĩa “tham quan, khảo sát,” gây thất thoát của Nhà nước hơn 2,1 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang