(CATP) Sau 17 năm kể từ khi cấp đất xây dựng bệnh viện, chủ đầu tư không triển khai xây dựng dự án mà đem lô đất đi góp vốn, thế chấp ngân hàng, chuyển nhượng lòng vòng, buộc UBND TPHCM ra quyết định thu hồi, tránh lãng phí đất công.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành y tế, năm 2006, UBND TPHCM chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Đặng Trần (gọi tắt là Công ty Đặng Trần) đầu tư xây dựng Bệnh viện Ngọc Tâm, quy mô 500 giường bệnh tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 (cũ) (nay là TP.Thủ Đức, TPHCM). Khu đất được giao xây dựng bệnh viện có diện tích 2,9 héc-ta, với 4 mặt tiền giáp các tuyến đường gồm: Phan Bá Vành, Trương Văn Bang, Nguyễn Địa Lô, Nguyễn Văn Kỉnh. Khu đất nằm kế bên UBND TP.Thủ Đức, rất thuận lợi cho người dân đi lại khám chữa bệnh.
Để hỗ trợ chủ đầu tư, khi giao đất, UBND thành phố không thu tiền thuế sử dựng đất mà chỉ yêu cầu Công ty Đặng Trần đóng tiền giá trị đất bằng với giá tiền bồi thường giải phóng mặt bằng trong dự án Thạnh Mỹ Lợi. Số tiền mà công ty này phải đóng là 22,2 tỷ đồng.
Năm 2007, Công ty Đặng Trần được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho khu đất trên.
Tháng 3/2009, Công ty Đặng Trần được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm, thời gian hoàn thành đưa vào hoạt động của dự án là tháng 10/2010. Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nếu chủ đầu tư không triển khai dự án hoặc triển khai chậm, cơ quan chức năng có quyền thu hồi, chấm dứt hoạt động của dự án.
Bên trong khu đất, nhiều chỗ nước đọng thành "ao"
Sau khi được cấp sổ đỏ, Công ty Đặng Trần đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín (gọi tắt là Công ty Việt Tín). Tháng 4/2009, Công ty Việt Tín lấy sổ đỏ của lô đất xây dựng bệnh viện lập hợp đồng góp vốn với Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm, giá trị góp vốn là 105 tỷ đồng.
Tháng 5/2009, chủ đầu tư cho khởi công xây dựng Bệnh viện Ngọc Tâm khá "hoành tráng", nhưng họ chỉ đóng một vài cọc nhồi.
Tháng 3/2013, Công ty Việt Tín bán quyền sử dụng đất của dự án cho Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm với giá 65 tỷ đồng. Từ năm 2014 - 2016, dự án bệnh viện Ngọc Tâm bị đem thế chấp vay của Ngân hàng Sacombank - Chi nhánh quận Bình Thạnh 223 tỷ đồng.
Sau 17 năm được giao đất dự án Bệnh viện Ngọc Tâm hiện vần là khu đất trống, cỏ mọc um tùm
Năm 2016, lãnh đạo TPHCM chỉ đạo các sở ngành và Thanh tra thành phố xác minh làm rõ các sai phạm tại dự án. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, chủ đầu tư không có năng lực thực hiện dự án, không triển khai thực hiện dự án mà chỉ lấy khu đất làm dự án đi góp vốn, thế chấp, chuyển nhượng lòng vòng để lấy tiền phục vụ vào mục đích khác. Trong khi các cơ quan chưa đưa ra biện pháp xử lý thì mới đây chủ đầu tư lại đem bán cho một đối tác ở Hà Nội với giá 750 tỷ đồng. Hiện khu vực làm dự án chỉ là khu đất trống bị bỏ hoang.
Khu đất trở thành nơi vứt rác, trông nhếch nhác
Do dự án bị "ngâm" quá lâu, ngày 21/10/2023, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi khu đất xây dựng bệnh viện Ngọc Tâm. Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM cũng ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao khu đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường) quản lý theo quy định. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có). Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp nhận, quản lý, đề xuất phương án sử dụng lô đất, trình Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu cho UBND thành phố xử lý. UBND TP.Thủ Đức được giao quản lý khu đất, tránh để ra tình trạng xây dựng trái phép.