Phá đường dây mua bán hoá đơn điện tử đầu tiên trên cả nước, trị giá 1553 tỷ đồng

Thứ Tư, 17/03/2021 16:38

|

(CATP) Sử dụng 28 công ty “ma”, Lê Thị Hạnh (SN 1985, trú tại Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng các đối tượng trong ổ nhóm đã thực hiện mua bán trái phép 48.629 tờ hoá đơn điện tử và nhiều loại hoá đơn giấy khác nhau với tổng doanh thu hàng hoá, dịch vụ ghi trên hoá đơn bước đầu xác định trên 1.553,8 tỷ đồng; thuế GTGT trên 155,3 tỷ đồng.

Đây là chuyên án đầu tiên trên cả nước tổ chức đấu tranh với đường dây, ổ nhóm mua bán trái phép hóa đơn GTGT là hóa đơn điện tử, số lượng hóa đơn bán ra đặc biệt lớn với số tiền ghi trên hóa đơn cũng rất lớn đã được Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao, Công an TP.Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trên địa bàn triệt phá thành công.

"Hiện hình” đường dây ngàn tỷ

Gần nữa năm 2020, trên không gian mạng thuộc lĩnh vực quản lý của Đội PCTP sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao như facebook, zalo xuất hiện hàng loạt các quảng cáo với những cái tên như “Dịch vụ hóa đơn GTGT, VAT, hóa đơn điện tử” và Zalo “Nam Phong” giới thiệu về dịch vụ mua bán hoá đơn GTGT cho các doanh nghiệp để thực hiện kê khai thuế khấu trừ hàng hoá dịch vụ đầu vào…

Mắt xích đầu tiên của chuyên án mở ra từ việc các trinh sát dựng dược chân dung của Nguyễn Nam Khánh (SN 1991, chỗ ở chung cư Season Avenue, Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội), đối tượng quản trị, điều hành các tài khoản mạng xã hội Facebook “Dịch vụ hóa đơn GTGT, VAT, hóa đơn điện tử” và Zalo “Nam Phong” để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn GTGT.

Đối tượng của vụ án bị bắt giữ

Từ việc nắm bắt quy luật và mối quan hệ của Khánh, sau nửa năm “nằm gai, nếm mật”, bằng sự tỉ mỉ của các trinh sát các mắt xích khác trong đường dây đã dần được hé lộ.

Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã dựng được chân dung của các đối tượng trong ổ nhóm gồm có: vợ chồng Lê Thị Hạnh và Lê Đức Quý (SN 1985). Qua công tác trinh sát, Ban chuyên án xác định Quý và Hạnh thuê căn nhà ở tại phòng 2, 103b-Q3, ngách 147B/99 Tân Mai, Hoàng Mai và có cửa hàng tên “Thắng Hạnh” địa chỉ số 17, ngõ Thịnh Yên, Phố Huế, Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Hạnh là người trực tiếp viết hóa đơn và cầm con dấu của các công ty xuất hóa đơn GTGT khống. Khi có khách đặt mua hóa đơn GTGT thì Khánh là người chốt đơn và thông báo cho Hạnh, Hạnh sẽ xuất hóa đơn giao cho Quý chuyển cho khách theo địa chỉ và số điện thoại Khánh cung cấp hoặc giao cho Khánh để Khánh cùng một đối tượng khác trực tiếp chuyển cho khách hàng.

Đối tượng của vụ án bị bắt giữ

Cùng tham gia vào đường dây có Ngô Thị Xuân (SN 1960, ở Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng), đối tượng có trách nhiệm chính trong việc ký, phát hành (ký tên, đóng dấu) các hóa đơn GTGT theo yêu cầu của khách hàng trước khi giao cho các đối tượng khác chuyển đến khách hàng; Nguyễn Đình Vũ (SN 1991, HKTT Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai) với nhiệm vụ ký, phát hành (ký tên, đóng dấu) các hóa đơn GTGT theo yêu cầu của khách hàng trước khi giao cho các đối tượng khác chuyển đến khách hàng…

Đối tượng của vụ án bị bắt giữ

140 cán bộ tham gia phá án

Từ ngày 31-12-2020, 140 CBCS thuộc các đơn vị chia thành 8 tổ công tác tổ chức theo dõi, giám sát, mật phục các đối tượng, địa điểm nghi vấn. Sau khi Ban chuyên án họp thống nhất chủ trương, kế hoạch phá án ngày 12-1, 8 tổ trinh sát được phân công dưới sự chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Hải Trung Giám đốc Công an TP.

Quá trình đấu tranh đã làm rõ Lê Thị Hạnh là đối tượng giữ vai trò chính, là cầu nối giữa các đối tượng sản xuất và tiêu thụ hóa đơn GTGT khống. Hạnh lấy hóa đơn giấy từ Xuân và hóa đơn điện tử từ Vũ để bán lại cho nhóm tìm kiếm khách hàng và hưởng hoa hồng. Đối với những hóa đơn giá trị gia tăng dưới 20 triệu đồng, Hạnh mua các quyển hoá đơn GTGT từ Xuân.

Các quyển hóa đơn này đã được đóng dấu ký tên khống tại liên số 2 giao cho khách, các thông tin còn lại được bỏ trống hoàn toàn để Hạnh có thể tự điền thông tin của công ty mua. Sau đó, Hạnh nhận thông tin khách hàng mua từ Khánh, tự viết hóa đơn hoặc cung cấp thông tin cho Xuân, Vũ để lên hóa đơn và gửi trực tiếp đến địa chỉ khách hàng.

Đối tượng của vụ án bị bắt giữ

Ngô Thị Xuân là đối tượng phụ trách việc sản xuất hóa đơn giấy; sử dụng kiot tại địa chỉ số 97 ngõ Thịnh Yên, Hai Bà Trưng để sản xuất hóa đơn GTGT. Theo lời khai của Xuân thì chị ta nhận làm 2 loại dịch vụ liên quan đến xuất khống hóa đơn GTGT: Tự làm dấu hộ kinh doanh khống tại phố Đoàn Trần Nghiệp, có đầy đủ tên, chức danh, chữ ký và mua lại của một người bán ở chợ một số con dấu có đủ thông tin tên, chức danh, chữ ký; tổng số 30 dấu đóng và 7 dấu nhựa dập.

Sau khi có khách hàng hỏi mua hóa đơn GTGT Xuân sẽ xuất hóa đơn cho khách và hưởng lợi 450.000 đồng/1 hóa đơn. Xuân nhận viết thuê hóa đơn cho khách, khách hàng đưa Xuân bộ hóa đơn GTGT trống (Xuân không có thông tin về đơn vị mua hàng và hàng hóa), Xuân ghi thông tin theo yêu cầu và gửi lại Liên 2 cho khách.

Tang vật của vụ án bị thu giữ

Nguyễn Đình Vũ phụ trách việc sản xuất hóa đơn GTGT điện tử đã sử dụng địa chỉ ngõ 12 Thịnh Yên, Phố Huế, Hai Bà Trưng để sản xuất, xác lập và phát hành hóa đơn điện tử. Vũ đồng thời quản lý nhiều chữ ký số, dữ liệu hóa đơn điện tử của các công ty “ma” nhằm thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT cho Nguyễn Nam Khánh, Lê Thị Hạnh và nhiều đối tượng khác.

Nguyễn Nam Khánh đóng vai trò tìm kiếm khách hàng mua hóa đơn GTGT. Khánh và đội ngũ cộng tác viên triệt để sử dụng các ứng dụng OTT như: Facebook, Zalo, Telegram, Viber để liên lạc, quảng cáo cho hoạt động mua bán hóa đơn GTGT. Nguyễn Nam Khánh đóng vai trò là trung tâm kết nối các đối tượng ở nhóm tìm kiếm khách hàng sau đó đặt mua trực tiếp hóa đơn GTGT từ Lê Thị Hạnh và Trần Quang Hiếu.

Tang vật của vụ án bị thu giữ

Tài liệu chứng cứ thu được đã phản ánh, qua quan hệ xã hội Nguyễn Nam Khánh có quen biết với đối tượng Lê Thị Hạnh và biết Hạnh có thực hiện việc buôn bán hóa đơn khống. Nguyễn Nam Khánh đã hướng dẫn, kết nối các đối tượng Trần Trung Kiên, Lê Hoàng Huy và tự mình thực hiện việc quảng cáo, mời gọi cung cấp dịch vụ hóa đơn khống.

Khi có khách đặt hàng mua hóa đơn GTGT khống, Khánh sẽ gửi các thông tin cần thiết của bên mua hóa đơn cho Hạnh. Khi khách đồng ý với nội dung hóa đơn và chuyển tiền cho Khánh, Khánh tiếp tục chuyển số tiền (đã trừ đi phần ăn chênh lệch của Khánh) cho Hạnh. Sau khi nhận được tiền, Hạnh có trách nhiệm hoàn thành các hóa đơn và chuyển trực tiếp số hóa đơn này đến khách hàng. Mạng lưới tìm kiếm khách hàng của Khánh có sự tham gia của Trần Trung Kiên và Lê Hoàng Huy, đóng vai trò là các cộng tác viên của Nguyễn Nam Khánh.

Kiên và Huy được Khánh hướng dẫn cách thức chào bán hóa đơn trên các mạng xã hội và cho thông tin tài khoản Zalo của Lê Thị Hạnh để liên hệ, các đối tượng này chưa từng gặp mặt Lê Thị Hạnh, Ngô Thị Xuân, Nguyễn Đình Vũ.

Tang vật của vụ án bị thu giữ

Lê Hoàng Huy, Trần Trung Kiên và Hoàng Lệ Quyên hoạt động như cộng tác viên làm việc dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Nam Khánh đóng vai trò tìm kiếm khách hàng mua hóa đơn GTGT. 3 đối tượng triệt để sử dụng các ứng dụng OTT như: Facebook, Zalo, Telegram, Viber để liên lạc, quảng cáo cho hoạt động mua bán hóa đơn GTGT. Khi có khách hàng thì Huy, Kiên và Quyên lấy lại hóa đơn của Khánh rồi giao cho khách.

Trần Quang Hiếu giữ vai trò bán hóa đơn cho Nguyễn Nam Khánh như Lê Thị Hạnh, Nguyễn Nam Khánh. Hiếu bán hóa đơn cho Nguyễn Nam Khánh với trị giá khoảng 40 đến 50 tỷ đồng (Hiếu thu của Khánh 3%/tổng giá trị hóa đơn trước thuế). Ngoài ra, các hóa đơn lẻ, Hiếu mua lại của Khánh để bán cho khách hàng trị giá khoảng 10 đến 15 tỷ đồng (Khánh mua hóa đơn điện tử với giá 450.000 đồng/tờ với hóa đơn sau thuế trị giá dưới 20 triệu đồng và bán cho khách hàng với giá 500.000 đồng/tờ) với hóa đơn giấy Hiếu mua của Khánh với giá 400.000 đồng/tờ với số tiền ghi trên hóa đơn dưới 20 triệu đồng.

Căn cứ tài liệu thu được, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đã tiến hành xác minh tại các công ty cung cấp phần mềm quản lý hóa đơn điện tử về số doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn là công ty “ma” liên quan đến chữ ký số, hóa đơn điện tử thu được trong quá trình khám xét nơi ở, nơi làm việc và kiểm tra trích xuất dữ liệu chứng cứ điện tử của các đối tượng xác định: Tổng doanh thu trước thuế của 25 công ty đã kê khai là 1553,8 tỷ đồng; tổng số thuế VAT phải nộp là: 155,3 tỷ đồng.

Ngày 13-1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp với 3 đối tượng gồm Nguyễn Nam Khánh, Lê Thị Hạnh, Ngô Thị Xuân. Ngày 17-1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp với Trần Quang Hiếu. Ngày 22-1 đã ra Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp với Nguyễn Đình Vũ.

Đến nay công an đã làm rõ và bóc gỡ toàn bộ đường dây, tổ chức của nhóm đối tượng hoạt động phạm tội “in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn GTGT” chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu, đối tượng đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang