(CAO) Xác định hành vi tự ý phá rừng khi chưa được phép để thi công tiếp đường Trường Sơn Đông, đoạn qua Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà của chủ đầu tư có dấu hiệu của tội hủy hoại rừng; do đó, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra Hình sự - Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) để giải quyết theo pháp luật.
Rừng đặc dụng VQG bị phá để mở đường khi chưa được phép
Theo đó, vào chiều 11-3-2022, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 457/SNN-KL gửi UBND tỉnh này về kết quả kiểm tra, xác minh hiện trường thi công đường Trường Sơn Đông (đoạn tuyến còn lại đi qua tỉnh Lâm Đồng) của Ban quản lý (BQL) dự án 46 - Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) và đề xuất hướng xử lý.
Sở NN&PTNT Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương giao sở này chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chuyển toàn bộ các hồ sơ tài liệu liên quan đến sai phạm khi thi công dự án đường Trường Sơn Đông của BQL dự án 46 đến Cơ quan điều tra Hình sự – Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (Bộ Quốc phòng) để giải quyết theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng cho rằng, BQL dự án 46 thi công thực hiện dự án đường Trường Sơn Đông tác động đến rừng và đất rừng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng. Quá trình triển khai, chủ đầu tư đã thi công ra ngoài diện tích được UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất từ VQG Bidoup - Núi Bà, chuyển mục đích sử dụng đất và giao cho đơn vị làm đường.
Hành vi này đã gây thiệt hại đến rừng vượt mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25-4-2019 của Chính phủ, có dấu hiệu của tội hủy hoại rừng theo Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Như Báo Công an TP.Hồ Chí Minh đã thông tin, ngày 12-2-2022, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Kiểm lâm phối hợp Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, VQG Bidoup - Núi Bà tiến hành kiểm tra hiện trường thi công đoạn đường Trường Sơn Đông trái phép do BQL dự án 46 làm chủ đầu tư dự án.
Tự san ủi đất rừng đặc dụng VQG để mở đường Trường Sơn Đông
Hiện trường cho thấy, chủ đầu tư đã tác động trên diện tích 4,96 ha, trong đó diện tích trong ranh giới được giao 2,23 ha và diện tích ngoài ranh giới là 2,73 ha đất rừng đặc dụng. Trữ lượng thiệt hại 187,02m³ gỗ và 14.716 cây lồ ô. Ngoài ra, còn 2 vị trí san ủi khác (làm mố cầu, làm đường) với tổng diện tích 8.300 m2. Toàn bộ lâm sản thiệt hại do hoạt động san ủi làm đường đã bị vùi lấp.
Tại VQG Chư Yang Sin (thuộc H.Lắk, tỉnh Đắk Lắk), đất rừng bị múc tan hoang làm đường, chiều dài tới 7km. Mức độ thiệt hại về rừng là 100%. Chủ đầu tư và đơn vị thi công đã cho xe cơ giới múc, san gạt, mở rộng đường trung bình từ 4-8m xuyên qua hai VQG. Phía bờ sông Krông Nô thuộc địa phân tỉnh Lâm Đồng, đơn vị thi công đã lập lán trại, tập kết nhiều máy móc, xăng dầu để phục vụ thi công đoạn công trình đường trái phép.
Dự án đường Trường Sơn Đông được triển khai thi công năm 2007; Ngày 5-5-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 916/NQ-UBTVQH13 về phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015, trong đó bố trí vốn cho dự án đường Trường Sơn Đông để thông tuyến toàn bộ các đoạn dở dang thuộc tỉnh Quảng Nam và tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 22-3-2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có Tờ trình số 1684/TTr-UBND về việc đề nghị phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng đường Trường Sơn Đông đoạn còn lại thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng gửi Bộ NN&PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc VQG Bidoup - Núi Bà để thực hiện đoạn đường Trường Sơn Đông còn lại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, khi chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của cơ quan có thẩm quyền, ở cả hai VQG, BQL dự án 46 đã tự ý phá rừng, tự ý tiếp tục mở đường, bất chấp pháp luật, gây thiệt hại về rừng ở đây.
Lập lán trại để thi công cầu vượt sông Krông Nô