(CATP) Sau 6 ngày xét xử, sáng 17-10, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKS) TPHCM tranh luận đối đáp với các luật sư bào chữa và các bị cáo. Ông Tất Thành Cang được viện kiểm sát đánh giá là thành khẩn khi nhận trách nhiệm và xin được nộp tiền khắc phục hậu quả.
Giữ quan điểm truy tố
Ngày 17-10, Tòa án nhân dân TPHCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Xây dựng Tân Thuận). Đại diện VKS TPHCM đã đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư và các bị cáo trong vụ án.
Đại diện VKS khẳng định quan điểm Văn phòng Thành ủy là chủ sở hữu của Công ty Xây dựng Tân Thuận, mà bản chất trước đó có nguồn gốc là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Do vậy, Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, nên ngoài Luật Doanh nghiệp còn phải được quản lý, hoạt động theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước và các văn bản dưới luật có liên quan, ở vụ án này là Nghị định 91 của Chính phủ, Luật giá...
Đối với quan điểm của các luật sư bào chữa cho nhóm các bị cáo đại diện chủ sở hữu cho rằng các bị cáo như Tất Thành Cang, Phạm Văn Thông, Phan Thanh Tân, Huỳnh Phước Long chỉ cho chủ trương chung chứ không quyết định giá bán, đại diện VKS cho rằng các bị cáo là người được giao nhiệm vụ quản lý tài sản Nhà nước ở doanh nghiệp nên buộc phải biết các quy định của pháp luật về quản lý doanh nghiệp, các quy định về quản lý tài sản Nhà nước ở doanh nghiệp.
Các tờ trình, đề xuất mà Công ty Xây dựng Tân Thuận trình lên Văn phòng Thành ủy đều ghi rõ giá chuyển nhượng, diện tích đất chuyển nhượng, số tiền nhận được... Do vậy, không thể nói rằng chỉ cho ý kiến về chủ trương, trong khi các tờ trình, đề xuất đều nêu rõ giá chuyển nhượng. Việc có giá cụ thể, diện tích cụ thể... buộc các bị cáo phải có ý kiến đối với giá mà công ty trình lên.
Bị cáo Tất Thành Cang và các đồng phạm tại phiên tòa
Các bị cáo thành khẩn nhận tội
Đại diện VKS khẳng định bị cáo Phạm Văn Thông, Phan Thanh Tân là người có chức vụ, quyền hạn, được giao quyền quản lý tài sản của Nhà nước nên buộc phải thực hiện đúng các quy định về bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Khi cho chủ trương đồng ý, bị cáo ít nhất cũng phải đọc tờ trình. Như vậy, bị cáo buộc phải biết rõ việc Công ty Xây dựng Tân Thuận xin ý kiến chủ sở hữu để chuyển nhượng toàn bộ dự án. Do vậy, nếu Luật sư cho rằng bị cáo không cố ý khi cho chủ trương chuyển nhượng toàn bộ dự án là không phù hợp với diễn biến của toàn bộ hành vi phạm tội của vụ án, không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án.
Viện Kiểm sát ghi nhận thái độ của các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi. Mặc dù các bị cáo có ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét, làm rõ một số nội dung, nhưng các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình đúng như cáo trạng đã truy tố. Các bị cáo cũng thể hiện thái độ ăn năn, hối cải và kết quả điều tra, kết quả xét xử đến ngày hôm nay, cũng chưa có căn cứ xác định các bị cáo thực hiện hành vi do tư lợi cá nhân. Do đó, Viện Kiểm sát cũng đề nghị HĐXX xem xét, ghi nhận cho các bị cáo nội dung trên.
Đối với quan điểm của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Quốc Cường Gia Lai về đề nghị trả lại cho công ty này 16,9 tỷ đồng là tiền lãi mà công ty đã tạm nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan An ninh điều tra. Theo đó, Công ty Quốc Cường Gia Lai cho rằng do hai bên có biên bản thỏa thuận về việc Công ty Xây dựng Tân Thuận trả tiền lãi cho Công ty Quốc Cường Gia Lai là giao dịch dân sự nên công ty được nhận số tiền lãi này.
Đại diện VKS nhận định là quan điểm này không chính xác. Việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển giữa hai công ty đã được xác định là trái pháp luật, các cá nhân thực hiện hành vi trái pháp luật đều bị xét xử hình sự, nên không thể giải quyết phần hủy hợp đồng theo quy định dân sự được. Do đó, việc Công ty Quốc Cường Gia Lai yêu cầu được nhận lại số tiền lãi đã nộp cho Cơ quan An ninh điều tra là không có căn cứ.