Trong văn bản, Công ty Lavenue cho rằng báo chí đã “sai lệch” khi sử dụng giá thị trường tại thời điểm bất động sản sôi động như hiện nay để “ấn định” giá thị trường của thời kỳ khủng hoảng kinh tế, bất động sản đóng băng năm 2011.
Trần trình của chủ đầu tư
Như Báo CATP đã có loạt bài điều tra, 2 khu đất “vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn, P. Bến Nghé, Q1 gần 5.000m2 được UBND TPHCM xác lập quyền sở hữu nhà nước năm 1994, giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà (QLKDN) TP quản lý, cho 4 doanh nghiệp (DN) nhà nước đều thuộc Bộ Công thương thuê làm trụ sở.
Trong đó, Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng, Công ty cổ phần Kim khí và Công ty cổ phần Hoá chất vật liệu điện thuê nhà đất số 8 Lê Duẩn; Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu VITACO thuê nhà đất 12 Lê Duẩn.
Thực hiện theo Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về “sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước”, cuối năm 2007, UBND TP.HCM thống nhất chủ trương thực hiện dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và Trung tâm thương mại tại số 8 - 12 Lê Duẩn.
Tòa nhà số 8 (màu xanh) và 12 (màu vàng) Lê Duẩn nay đã bị san bằng
Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue được thành lập để triển khai dự án, bao gồm: Công ty QLKDN góp 50% vốn; 4 DN Bộ Công thương góp 50% còn lại. Quá trình thực hiện, chủ trương đúng đắn của UBNDTP đã bị Giám đốc Công ty QLKDN Nguyễn Thị Thu Thủy cùng nhiều đơn vị, cá nhân liên quan “lái” sang một hướng khác, để dự án 100% vốn nhà nước rơi vào tay tư nhân; trong đó, Công ty cổ phần Kinh Đô đã chiếm đến 50% vốn góp (mua lại của 4 DN Bộ Công thương), Công ty Hoa Tháng Năm chiếm 30% (lấy từ 50% của Công ty QLKDN). Như vậy, Công ty Lavenue chỉ còn lại 20% vốn nhà nước; 80% đã bị “tư nhân hóa”.
Từ năm 2013 đến nay, đã có nhiều cuộc thanh, kiểm tra dự án của các cơ quan chức năng, riêng TTrCP đã có 3 văn bản kết luận, mới nhất là kết luận thanh tra (KLTT) số 645/KL-TTCP ngày 4-5-2018, chỉ rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án cũng như trách nhiệm của từng đơn vị, các nhân liên quan. Từ đó, Tổng TTrCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP thu hồi lại toàn bộ khu đất số 8 -12 Lê Duẩn.
Trong văn bản 02/2018/CV-HCNS (do Giám đốc điều hành Công ty Lavenue Đỗ Minh Quân ký ngày 21-5-2018), chủ đầu tư trình bày: Vào thời điểm năm 2010 - 2011, nền kinh tế thế giới và nước nhà rơi vào khủng hoảng, bất động sản đóng băng nhưng Lavenue vẫn nộp đầy đủ, đúng hạn khoảng 700 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án Lavenue Crown vào ngân sách TP theo giá thị trường tại thời điểm lúc bấy giờ.
Ngoài việc hoàn thành các thủ tục đầu tư, Lavenue đã đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà thầu danh tiếng quốc tế và trong nước đảm trách công tác thiết kế, quản lý dự án, thi công cọc thử…Tuy nhiên, đến nay Lavenue vẫn không thể khởi công xây dựng dự án do chưa được UBND TP phê duyệt phương án thiết kế kiến trúc công trình điều chỉnh đã được Sở Quy hoạch và Kiến trúc trình cho UBND TP từ năm 2016.
Phố cảnh dự án Lavenue Crown
Theo Giám đốc Quân, công tác thanh tra kéo dài đã làm cho Lavenue không thể triển khai dự án theo đúng kế hoạch, gây ra tổn thất nặng nề về kinh tế, mất mát cơ hội kinh doanh khi thời gian khai thác dự án bị giảm sút tương ứng thời gian giao đất, thuê đất đã thanh toán tiền.
Việc này không chỉ làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của Lavenue và các cổ đông với đối tác trong và ngoài nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của nhiều lao động của Lavenue và các nhà thầu tham gia dự án.
Liên quan đến việc TTrCP đề nghị thu hồi dự án, Giám đốc Quân lên tiếng: “Chúng tôi thật sự quá bất ngờ và hoàn toàn tuyệt vọng nếu thông tin này là đúng sự thật. Chúng tôi cũng như các đối tác không thể lý giải được lý do vì sao dự án đã thực hiện đầy đủ các bước thủ tục theo quy định, không có bất cứ vi phạm pháp luật nào về đất đai, xây dựng, nhà ở hay các quy định khác như nội dung được nêu trong KLTT của Thanh tra TP số 537/KL-TTTP/P7 ngày 7-8-2013 lại bị đề nghị thu hồi.
Thêm vào đó, một số ý kiến trên báo chí lại sử dụng giá thị trường tại thời điểm sôi động của bất động sản vào quý 2 năm 2018 để ấn định giá thị trường của thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đóng băng bất động sản năm 2011 để cho rằng giá đất được giao, thuê của dự án là thấp, không phản ánh đúng giá thị trường hiện tại là hoàn toàn sai lệch, làm ảnh hưởng đến uy tín của Sở Tài chính TPHCM” (?!)
Niềm vui của Công ty Lavenue trong ngày động thổ đóng cọc thử tải dự án
Theo Giám đốc Quân, Sở Tài chính đã thẩm định giá đất theo đúng quy định của pháp luật và đơn giá đất mà Lavenue đã thực hiện là cao hơn so với các dự án khác tại cùng thời điểm. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 250 triệu USD, hoạt động kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng khách sạn và sảnh thương mại, không phải đầu tư xây dựng nhà ở để bán. Lavenue đã được nhà nước giao đất hợp pháp, đã bỏ ra khoảng 800 tỷ đồng và rất nhiều công sức, tâm huyết để đầu tư dự án trong 8 năm.
Suốt thời gian ấy, Lavenue không có bất cứ sự thay đổi về chủ thể sử dụng đất cũng như không vi phạm bất cứ quy định nào của pháp luật. Công ty cũng có khả năng tài chính và kinh nghiệm trong quá trình làm việc với các nhà thầu, tổ chức tài chính quốc tế cũng như trong nước suốt thời gian qua.
Bởi các lẽ trên, Lavenue đề nghị lãnh đạo Chính phủ và TP.HCM chấp thuận cho công ty được tiếp tục triển khai dự án nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, bảo vệ niềm tin của nhà đầu tư về chính sách pháp luật của Việt Nam.
Quan điểm của Thanh tra Chính phủ
Phóng viên Báo CATP đã liên lạc với một thành viên trong Đoàn thanh tra dự án Lavenue Crown, vị này cho biết, ông không có chức năng trả lời báo chí, những vấn nổi cộm liên quan đến nhà đất số 8 - 12 Lê Duẩn đã được nêu cụ thể trong KLTT số 645/KL-TTCP ngày 4-5-2018.
Sở dĩ TTrCP kiến nghị thu hồi khu đất bởi UBNDTP không tổ chức đấy giá quyền sử dụng đất cũng như không tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định. Trước khi giao đất để thực hiện dự án, 4 DN của Bộ Công thương đang thuê đất tại đây, trả tiền thuê hàng năm.
Tại thời điểm UBND TP có quyết định giao đất, cả 4 DN trên đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Công ty Kinh Đô. Điều này đồng nghĩa với việc “tổ chức kinh tế đang được nhà nước cho thuê đất, trả tiền hàng năm” không còn. Trên thực tế, Lavennue có 2/3 cổ đông là tư nhân chiếm đến 80% vốn góp nên việc giao đất cho công ty là không đúng đối tượng.
Theo kết luận của TTrCP, việc kiến nghị thu hồi khu đất để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định không chỉ làm tăng thu cho ngân sách mà quan trọng hơn nhằm khôi phục lại trật tự kỷ cương trong việc sắp xếp và xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, trong đầu tư, giao và thuê đất, đặc biệt là khu đất có vị trí đắc địa sinh lời cao, tạo sự minh bạch trong thực thi pháp luật; tránh được dư luận xấu cho rằng có khuất tất trong việc chỉ định nhà đầu tư gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của lãnh đạo UBND TP.HCM.
Liên quan đến KLTT số 537/KL-TTTP/P7 ngày 7-8-2013 của Thanh tra TP, vị thành viên của Đoàn thanh tra cho rằng Công ty Lavenue đã nhầm lẫn. Bởi trong KLTT năm 2013, Thanh tra TP đã chỉ ra nhiều vi phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án nên kiến nghị UBND TP xem xét ra quyết định thu hồi khu đất đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường chấm dứt hợp đồng thuê đất với Lavenue.
Liên quan đến việc 4 DN Bộ Công thương “nhượng quyền đầu tư” cho Công ty Kinh Đô thu lợi 200 tỷ đồng, vị thành viên của Đoàn thanh tra bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng tình với loạt bài điều tra của Báo CATP đã. Trong pháp luật về đầu tư của Việt Nam, không có quy định nào về “nhượng quyền đầu tư”; bản chất của vụ việc là “bán chủ trương” đúng đắn của TP để thu lợi lớn.
Hồ sơ thể hiện: Đến ngày 26-7-2010, UBND TP mới có văn bản thống nhất về tỷ lệ vốn góp để thành lập công ty cổ phần triển khai dự án (Công ty Lavenue sau này) nhưng trước đó, đại diện 4 DN đã nhiều lần gặp Công ty Kinh đô để thương thuyết, bán dự án từ trong “trứng nước”.
Ngày 27-7-2010, toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị Công ty VITACO ra nghị quyết “nhượng lại cổ phần cho Kinh Đô” để nhận trọn gói 50 tỷ đồng. Đây là nghị quyết “khống” bởi thời điểm ngày 27-7-2010, VITACO làm gì có cổ phần để “nhượng”?
Cả 4 DN của Bộ Công thương không hề có ý muốn triển khai dự án, việc tìm mọi cách để có tên trong dự án rồi đồng loạt bán cho Kinh Đô đã được tính toán từ trước; lộ rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Liên quan đến Công ty QLKDN “cắt” 30% giao cho Công ty Hoa Tháng Năm cũng có nhiều bất thường. Việc Công ty Lavenue bị “tư nhân hóa” chưa dừng lại ở đây…
(CAO) Liên quan đến dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và Trung tâm thương mại (Lavenue Crown) tại số 8-12 Lê Duẩn, cho đến nay đã có 2 kết luận thanh tra (KLTT), một của Thanh tra TP.HCM năm 2013 và một của Thanh tra Chính phủ (TTCP) năm 2018. Ngoài ra, TTCP còn có KLTT ngày 9-7-2015 và kết luận kiểm tra ngày 10-10-2016 liên quan đến dự án số 8 - 12 Lê Duẩn.
Nhóm phóng viên chuyên đề