(CATP) Liên tiếp trên các số báo ngày 17-3, 26-3 và 23-4, Báo Công an TPHCM đã đăng tải loạt bài phanh phui về sai phạm trong việc huy động vốn trái phép của Tập đoàn (TĐ) Trường Tiền. Đó là nhiều dự án “ma” trải dài từ Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định ra tận phía Bắc. Số lượng nạn nhân vì thế cũng tăng lên rất nhiều.
“XẺ THỊT” ĐẤT TRỒNG CAO SU
Đơn cử là miếng đất công tờ bản đồ 71, số thửa 35, tọa lạc tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) dù thuộc quản lý của Nông trường cao su Long Thành nhưng đã được các công ty thành viên của TĐ Trường Tiền huy động vốn trái phép. Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai khẳng định, đó là đất công.
Người dân kéo đến treo băng-rôn tố cáo tại địa chỉ 132 - 134 Điện Biên Phủ, Q1
Trả lời Báo Công an TPHCM trong văn bản phản hồi ngày 27-3, đại diện TĐ Trường Tiền nói “tại khu vực này, TĐ chưa hề huy động ủy thác đối với bất kỳ ai. TĐ đề nghị Báo Công an TPHCM đưa ra bằng chứng”. Điều tra của phóng viên cho thấy, Công ty Kim Phú (trụ sở tại Q.Thủ Đức) dù không phải là chủ sở hữu của đất công nói trên, nhưng đã ký hợp đồng (HĐ) “chi tiền” môi giới cho ông T.V.C (quê Nghệ An, SN 1990) để bán lại cho Công ty CP Trường Tiền Holdings (thuộc TĐ Trường Tiền) miếng đất trên.
Vụ sang nhượng đất công trái phép “biến” Công ty CP Trường Tiền Holdings thành chủ đầu tư dự án. Tiếp theo, ông Lê Khánh Trình làm Chủ tịch HĐQT của TĐ Trường Tiền đã ký HĐ góp vốn với ông T.V.C để cùng hợp tác kinh doanh trên dự án này với diện tích 2,8ha, tổng số tiền góp vốn là 135 tỷ đồng. HĐ này cho thấy, ông C. góp vào 40 tỷ đồng.
Cuối tháng 8-2019, TĐ này đã ký “HĐ hợp tác đầu tư” (ba bên) tại miếng đất công nêu trên mà họ cho là dự án để huy động vốn trái phép với rất nhiều khách hàng. “HĐ hợp tác đầu tư” sẽ được ký giữa người mua (bên A); Công ty CP đầu tư Gold Garden (Công ty Gold Garden) là nơi nhận vốn góp (bên B), do ông Khiếu Xuân Khương làm chủ tịch HĐQT và Công ty CP Trường Tiền Holdings là chủ đầu tư dự án, do ông Lê Khánh Trình làm chủ tịch HĐQT (bên C).
Ngoài ra, cũng trên đất công này, chúng tôi phát hiện còn có một loại “HĐ góp vốn” khác giữa người mua và Công ty CP Trường Tiền Holdings. Lúc này, vai trò của ông Khiếu Xuân Khương sẽ là tổng giám đốc của công ty này.
Đa số khách hàng đều góp vào 1 tỷ đồng/người. Tại điều 6 của HĐ này nêu rõ, sau 12 tháng ký HĐ, bên C cam kết khách hàng có thể nhượng lại quyền sử dụng đất trên cho bên C với giá 1,2 tỷ đồng. Lợi nhuận TĐ Trường Tiền chia thêm là 20 triệu đồng/tháng, trong vòng 12 tháng. Khách hàng là các ông, bà sau: N.V.T, P.V.T, P.V.H, H.T.M.H...
Để tạo niềm tin, hai công ty con của Trường Tiền còn lập bản cam kết là đến tháng 12-2019 sẽ giao đầy đủ giấy tờ liên quan tại dự án nêu trên, bao gồm: sổ hồ ng thử ađấ tva â giấ ytơ â liên quan. Nếu không thực hiện cam kết thì Trường Tiền sẽ hoàn trả 100% số tiền đã đóng của khách hàng và lợi nhuận. Thế nhưng, không như cam kết này, đã gần 4 tháng trôi qua, nhiều khách hàng đang đứng trước nguy cơ mất cả vốn lẫn lãi dù đã nhiều lần kéo lên trụ sở của TĐ Trường Tiền tại phía Nam (132 - 143 Điện Biên Phủ, P.Đakao, Q1, TPHCM). Có ít nhất 40 nạn nhân “dính” vào dự án này.
Dự án Sky Garden (Hà Nội) vẫn đắp chiếu
NHIỀU DỰ ÁN KHÔNG RÕ RÀNG
Trong nhiều clip mà nhóm nạn nhân của TĐ Trường Tiền cung cấp cho Báo Công an TPHCM, chúng tôi nhận thấy rất nhiều đoạn quay ghi lại cảnh phát biểu của ông Lê Khánh Trình - chủ tịch HĐQT với cổ đông, nhà đầu tư. Đó là cảnh đang thực hiện quá trình mua bán và sáp nhập dự án (M&A) tại nhiều nơi, với ba dự án tại TX.Lagi (Bình Thuận), thực hiện dự án đầu tư nghỉ dưỡng mang tên Greenhill Quy Nhơn (Bình Định) với 155 căn biệt thự biển, mở văn phòng đại diện tại Lào, liên kết làm ăn với một tập đoàn của Thái Lan...
Ngày 5-5, trả lời Báo Công an TPHCM, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Định khẳng định, tại TP.Quy Nhơn có dự án Greenhill nhưng nhà đầu tư chưa triển khai; chắc chắn không phải là dự án của TĐ Trường Tiền và đó là sự mạo nhận. Tương tự, ông Hồ Lâm - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, tại địa phương này không hề có dự án nào liên quan đến TĐ Trường Tiền.
Văn bản mới đây nhất của ông “chủ tịch” này là hứa hẹn về trả cổ tức trong khi nạn nhân thì chờ “dài cổ”. Đối với những nạn nhân có đơn gởi đến cơ quan chức năng thì Trường Tiền sẽ chi trả quyền lợi khi có kết luận của cơ quan chức năng. Các trường hợp được ủy quyền đòi tiền thì tập đoàn này sẽ cử luật sư làm việc...
Nhằm xoa dịu sự căng thẳng với khách hàng, ông Khiếu Xuân Khương - Tổng giám đốc TĐ Trường Tiền đã có “tâm thư” nêu rõ, anh ta chỉ là người làm thuê cho TĐ này. Tiền của khách hàng được “rót” vào tài khoản của chủ tịch Lê Khánh Trình và ban lãnh đạo TĐ gồm 9 người sẽ ra quyết định cuối cùng. Số tiền khách hàng được TĐ dùng không đúng mục đích, chẳng hạn để... mua nhà đất cá nhân và đầu tư một số dự án không chất lượng, khả năng thanh khoản không cao. Bên cạnh đó, ban cổ đông sử dụng khoản chi phí rất lớn được hưởng từ dòng vốn của khách hàng đầu tư. Lo sợ đến sự an toàn tính mạng của bản thân, tổng giám đốc Khương mong muốn khách hàng cứ gặp chủ tịch HĐQT Lê Khánh Trình.
Báo Công an TPHCM sẽ tiếp tục theo dõi sự việc và chuyển toàn bộ hồ sơ đến cơ quan chức năng, Bộ Công an điều tra theo thẩm quyền.
(CATP) Ngày 17-3 và 26-3-2020, Báo Công an TPHCM đăng loạt bài phanh phui về sai phạm trong việc huy động vốn trái phép của Tập đoàn (TĐ) Trường Tiền. Đi sâu tìm hiểu, phóng viên (PV) phát hiện hàng loạt dấu hiệu bất thường tại các dự án của TĐ này.