'Điểm mặt' những vũ khí rô bốt có khả năng giết người hàng loạt trên thế giới

Thứ Sáu, 15/12/2017 00:23  | Huy Bân

|

(CAO) Tương lai của vũ khí rô bốt không còn xa nhưng các nhà khoa học ở lĩnh vực này đang rất lo sợ một viễn cảnh thảm họa. Khi mà các cỗ máy vô tri giác có thể giết người hàng loạt trong chớp mắt.

Các nhà khoa học đứng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và rô bốt vừa ký vào một bức thư ngỏ kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) cấm việc sử dụng vũ khí "tự sát" hoặc "rô bốt có khả năng giết người hàng loạt" được phép sản xuất "đại trà". Bức thư cũng bày tỏ nguyện vọng sếp các loại vũ khí trên vào danh mục cấm cao nhất, tương tự như vũ khí hóa học hay vũ khí hạt nhân. 

Tương lai con người phải giao chiến với máy móc đang rất gần

Toby Walsh, giáo sư khoa Khoa học trí tuệ của trường Đại học New South Wales, Sydney, Úc chia sẻ: "Chúng ta cần đưa ra quyết định vào ngày hôm nay để lựa chọn những tương lai tốt đẹp mà chúng ta mong muốn. Tôi ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi của nhiều tổ chức nhân đạo và các tổ chức khác về lệnh cấm của Liên hợp quốc đối với các loại vũ khí này, tương tự như các loại vũ khí có mức nguy hiểm cao nhất". 

Sự lo lắng dâng cao

Bức thư được công bố tại Hội nghị Hợp tác Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo ở Melbourne (Úc) hôm chủ nhật, đã được ký bởi 116 nhà khoa học, người tiên phong trong lĩnh vực rô bốt và trí tuệ nhân tạo. Tất cả họ đến từ 26 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những người nổi tiếng như: Elon Musk (Tesla và SpaceX), Mustafa (Alphabet Suleyman),...

Nhiều nhà khoa học hàng đầu ở lĩnh vực rô bốt cảm thấy bất an trong việc phát triển các cỗ máy có khả năng giết người hàng loạt 

Stuart Russell, người sáng lập và phó chủ tịch của Bayesian Logic cho biết trong một thông báo kèm theo bức thư: "Chúng tôi không làm nghiêm trọng vấn đề nhưng rõ ràng chẳng ai muốn nhìn thấy các loại vũ khí giết người hàng loạt một cách nhanh chóng lại được xuất xưởng. Điều này sẽ giúp các "cỗ máy đáng sợ" xuất hiện khắp nơi. Nếu chúng ta không nỗ lực ngăn chặn ngay từ bây giờ thì anh ninh của mỗi quốc gia nói riêng và quốc tế nói chung chắc chắn sẽ bị đe dọa".

Vào tháng 12-2016, 123 quốc gia thành viên của LHQ đã đồng ý thảo luận chính thức về các vũ khí "tự sát" hoặc "rô bốt có khả năng giết người hàng loạt", trong đó 19 người đã kêu gọi ban bố lệnh cấm. Tuy nhiên, LHQ đã trì hoãn một cuộc họp dự kiến ​​vào ngày 21-8 để thảo luận tiếp tục về vấn đề này do không đủ kinh phí tổ chức.

Nếu lệnh cấm được thông qua thì rất nhiều vũ khí nguy hiểm sẽ bị tiêu hủy

Lá thư gửi LHQ có đoạn viết: "Không thể biết trước được tương lai khi các loại vũ khí này được đưa vào sử dụng. Nó có thể khiến nhiều người "ôm mộng bá quyền", nguy hại hơn nó sẽ gần như mất kiểm soát khi rơi vào tay khủng bố,... Khi hộp của Pandora được mở ra, rất khó để đóng nó trở lại. Nếu LHQ không sớm có những biện pháp ngăn chặn thì những "mối nguy hiểm này" sẽ hiện hữu ngày một rõ rệt hơn".

Sự lo lắng không chỉ đến từ những nhà kho học, bởi Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Tướng Paul Selva, mới đây cũng kêu gọi giữ nguyên các quy tắc đạo đức chiến tranh thay vì chế tạo robot mà con người không biết cách kiểm soát.

Tướng Paul Selva

 "Điểm mặt" vũ khí rô bốt

Chiến đấu thay cho bộ binh

Những sáng kiến về vụ khí rô bốt đều xoay quanh một mục đích duy nhất là trong tương lai nó có thể thay thế cho bộ binh chủ lực. Tiên phong trong lĩnh vực này không thể không nhắc tới nước Nga, bởi họ đang từng bước cho thử nghiệm hợp đồng tác chiến giữa rô bốt và con người.

Điển hình là rô bốt chiến đấu Platform-M được Quân đội Nga giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2014. Với khung gầm bánh xích, robot Platform-M có thể hoạt động ở nhiều loại địa hình khác nhau hoặc vượt các vật cản nhỏ.

Platform-M "càn quét" trên chiến trường

Hệ thống vũ khí chính là súng máy tự động 7,62mm với dây tiếp đạn tự động. Platform-M cũng đã được sử dụng trên chiến trường tại Syria là thu thập thông tin tình báo; tuần tra trinh sát; phát hiện và tiêu diệt mục tiêu ẩn nấp,... thậm chí là chi viện hỏa lực cho lực lượng hải quân đánh bộ.

Không chỉ làm chủ bầu trời

Máy bay không người lái dã trở nên quá quen thuộc, tuy nhiên khi trở thành vũ khí rô bốt hiện đại nó chỉ có nhận lệnh và thực thi, nhiệm vụ được giao sẽ không bao giờ thất bại. Điều làm phát sinh nhiều hoài nghi nhất là trong vụ ám sát trùm khủng bố khét tiếng là Al-Masri, Mỹ lần đầu tiên đưa vào sử dụng một loại vũ khí bí mật.

"Kẻ vận chuyển" vũ khí này là máy bay không người lái tàng hình RQ-170 Sentinel. RQ-170 có thiết kế cánh bay, chứa một động cơ và được tờ báo chuyên về hàng không Aviation Week ước tính có sải cánh cỡ 66 feet (20,1m). Trọng lượng cất cánh của loại máy bay này ước tính lớn hơn của RQ-3 DarkStar (3.855,5 kg).

Quân đội Mỹ cho đến nay vẫn giữ bí mật về tính năng và đặc điểm của các máy bay không người lái (UAV)

Các thông tin về RQ-170 hiện cũng rất ít ỏi, quân đội Mỹ cho đến nay vẫn giữ bí mật về tính năng và đặc điểm của các máy bay không người lái (UAV). Tuy nhiên, vũ khí ám sát Al-Masri, cũng được cho là một vũ khí rô bốt tối tân. Bởi Al-Masri bị tiêu diệt trong xe nhưng gần như không có vụ nổ nào xảy ra, chiếc xe chở tên này cũng không bị hư hỏng.

Rõ ràng, khả năng giết người hàng loạt và mức độ nguy hiểm của vũ khí rô bốt là không cần phải bàn cãi. Loài người đang đứng trước một "bờ vực" nguy hiểm mà nếu không biết hành xử khéo léo và khôn ngoan thì hậu quả của nó không biết sẽ khủng khiếp tới nhường nào?

Bình luận (0)

Lên đầu trang