Lập trình viên Việt Nam gian lận tiền tỉ trên App Store

Thứ Tư, 14/06/2017 00:01

|

(CAO) Một số lập trình viên của Việt Nam đã tạo ra những ứng dụng thuộc top kiếm được nhiều tiền nhất trên App Store. Tuy nhiên, những ứng dụng này không có bất kì hiệu quả nào, ngược lại nó gian lận tiền của người dùng và thu về 80.000 USD mỗi tháng.

Tại WWDC 2017 vừa qua, Apple cho biết họ đã chi trả 70 tỷ USD cho các nhà phát triển, riêng trong năm 2016 là 21 tỷ USD. Đó là một số tiền rất lớn, các nhà phát triển làm thế nào để ứng dụng của mình có thể kiếm được khoản tiền đó?

Một chàng trai tên Johnny Lin đã quyết định tìm ra xem những ứng dụng này kiếm tiền như thế nào và ai đứng sau thu về số tiền đó; thật bất ngờ ngoài một vài ứng dụng của các công ty nổi tiếng như Dropbox, Evernote và Microsoft thì còn có ứng dụng của các lập trình viên Việt Nam.

Sẽ là một điều đáng tự hào nếu ứng dụng của các lập trình viên Việt Nam có thể sánh ngang với ứng dụng của các hãng lớn. Tuy nhiên, những ứng dụng của các công ty có uy tín và nổi tiếng như Dropbox, Evernote và Microsoft thật sự hữu ích cho người dùng, còn những ứng dụng của các lập trình viên Việt Nam thì hoàn toàn trái ngược.

Nói là ứng dụng kiếm tiền nhiều nhất nhưng thật ra nó lại chẳng có lợi ích gì, thậm chí có thể nói là hoàn toàn vô tích sự; ngược lại nó còn thừa cơ gian lận tiền nếu người dùng không chú ý cẩn thận.

Một điển hình là ứng dụng có tên Mobile protection :Clean & Security VPN, ngay ở phần đặt tên cho ứng dụng cũng đã có nhiều lỗi sai (viết hoa không nhất quán và sai về mặt ngữ pháp khi sử dụng Clean & Security VPN).

Tuy nhiên, ứng dụng này lại thu về 80.000 USD (khoảng hơn 1 tỷ đồng) mỗi tháng và cũng thật bất ngờ khi đứng sau ứng dụng này không phải là một công ty mà lại là một nhà phát triển có tên “Ngan Vo Thi Thuy”.

Tên ứng dụng có nhiều lỗi sai nhưng vẫn lọt top 10.

Ứng dụng này theo như tên gọi là giúp làm sạch và bảo vệ người dùng khi kết nối với VPN nhưng phần mô tả ứng dụng thì lại nói theo một hướng khác. Phần mô tả cho biết ứng dụng này có thể bảo vệ thiết bị và quét để đảm bảo không có danh bạ, tên, số điện thoại trùng lặp.

Phần mô tả không liên quan gì đến tên của ứng dụng.

Giữa làm sạch và bảo vệ người dùng khi kết nối với VPN với lọc các nội dung bị trùng lặp trong điện thoại hoàn toàn không có bất kì liên quan nào.

Tuy có nhiều điểm đáng ngờ và chưa chắc làm nên việc gì hay không nhưng ứng dụng này yêu cầu người dùng chi trả 99.99 USD cho 7 ngày sử dụng. Nếu người dùng không cảnh giác và nhập thông tin cá nhân thì số tiền đó đã chính thức ra đi mà không thu về bất kì lợi ích gì. 

Ứng dụng yêu cầu người dùng chi trả 99.99 USD cho 7 ngày sử dụng.

Mobile protection :Clean & Security VPN đã nhanh chóng lọt top những ứng dụng kiếm tiền nhiều nhất chỉ trong 2 tháng, nhà phát triển đã lợi dụng một số sơ hở trong tính năng tìm kiếm trên App Store để tối ưu hóa và đẩy ứng dụng của mình lên đầu danh sách tìm kiếm.

Không chỉ riêng Mobile protection :Clean & Security VPN mà còn một loạt ứng dụng khác như Protection for iPhone — Mobile Security VPN, ACR Recording App - Auto Call Recorder For iPhone với tính năng “lừa đảo” tương tự cũng do các lập trình viên Việt Nam phát triển.

Một vài ứng dụng với tính năng tương tự.

Để tránh bị các ứng dụng này "bẫy", người dùng phải thật cảnh giác khi tải các ứng dụng về máy, đọc kĩ phần mô tả và đọc các nhận xét xem ứng dụng này có thật sự hữu ích hay không.

Sau khi tải về và cài đặt, người dùng cũng cần phải cẩn thận không nên cung cấp thông tin cá nhân, không cho phép ứng dụng không có liên quan truy cập vào danh bạ. Thoát và xóa ngay ứng dụng nếu thấy ứng dụng đưa ra những yêu cầu bắt buộc khác thường, báo cáo ứng dụng lừa đảo thông qua iTunes Connect.

Những ứng dụng trên không hoàn toàn có ích nhưng lại hay dùng những “mánh” nhỏ để lừa người dùng phải bỏ tiền, điều đó làm cho hình ảnh của các lập trình viên và những ứng dụng do Việt Nam phát triển không được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Trước đây, một số người dùng và lập trình viên đã lừa đảo, gian lận khi giao dịch với người nước ngoài qua mạng, khiến cho một số nước chặn địa chỉ IP không cho truy cập vào ứng dụng, trang web, tệ hơn là chặn mọi giao dịch qua mạng với người dùng Việt Nam.

Nếu tình trạng lừa đảo, gian lận vẫn còn tiếp diễn thì có khả năng Google, Apple và một số ông lớn khác trong ngành công nghệ sẽ ra các quy định khắt khe đối với ứng dụng của lập trình viên Việt Nam. Thậm chí có thể cách ly, chỉ cho phép những ứng dụng đó xuất hiện tại thị trường Việt Nam, không cho phát triển ra toàn cầu.

Bình luận (1)

Hãy là lập trình viên chân chính. Việc làm của các bạn đã, đang và sẽ làm hại rất nhiều thế hệ lập trình Việt Nam. Để bị cấm cửa là một nổi ô nhục trầm trọng đấy thưa các bạn "lừa".

dương phong - Thứ Tư, 14/06/2017, 08:21 Trả lời | Thích
Lên đầu trang