1.000 tấn mía có nguy cơ thành củi vì sự cố nhà máy đường

Thứ Ba, 04/04/2017 18:12  | PV

|

(CAO) Người dân thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) như đang “ngồi trên lửa” sau sự cố nước thải Nhà máy Đường Khánh Hòa. Hiện hơn 1.000 tấn mía thu hoạch chưa được thu mua, đang bị phơi nắng, có nguy cơ thành củi…

Theo đó, hiện nay lượng mía tồn chủ yếu tập trung ở các xã như: Ninh Tây, Ninh Tân, Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa), với ước tính hơn 1.000 tấn mía. Theo người dân, số mía này đã thu hoạch hơn một tuần nay nhưng chưa bán được do sự cố nước thải Nhà máy Đường Khánh Hòa. Cũng tại Khánh Hòa, tình trạng mía sau thu hoạch, phơi nắng cũng xảy ra ở huyện Cam Lâm, Diên Khánh.

Sự cố nước thải Nhà máy Đường Khánh Hòa khiến người trồng mía ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) khốn đốn, mía phơi trên ruộng

Hiện ngành chức năng ở các huyện, thị xã nói trên đang thống kê số mía tồn đọng, báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa để có hướng tháo gỡ khó khăn, tránh thiệt hại cho người dân. Theo ông Bùi Minh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa), cho biết, hiện nay Nhà máy Đường Khánh Hòa đang ngừng hoạt động và mời chuyên gia từ TPHCM ra để cùng khắc phục sự cố nước thải.

Theo ông Sơn, trước đó một mẻ lò luyện đường của nhà máy bị cháy, dẫn đến men vi sinh trong hệ thống xử lý nước thải bị chết. Khi đó, nhà máy bổ sung, phục hồi men vi sinh nhưng không phục hồi được nên đêm 12 rạng sáng 13-3, nước thải chảy tràn ra hệ thống mương thoát nước, thoát ra đầm Thủy Triều gây cho cá tự nhiên chết.

Hiện nay, ngành chức năng đã niêm phong cống xả, chỉ cho nhà máy hoạt động trở lại khi nào kiểm tra nước thải đạt loại A. “Vì sự cố này nên toàn bộ lượng mía ở các nơi như Ninh Thuận, Đắc Lắc, Ninh Hòa (Khánh Hòa)… chở về nhà máy đang bị dồn ứ, nhiều xe tải chở mía đang phơi nắng ở nhà máy, còn mía ngoài ruộng chặt rồi thì mất lượng đường”, ông Sơn cho biết.

Trước đó, vào sáng 13-3, khi người dân ra đầm Thủy Triều (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) thì phát hiện cá, cua, ghẹ… tự nhiên trong đầm bất ngờ chết hàng loạt. Điều đáng nói, nhiều hộ dân có ao, hồ nuôi hải sản như: tôm, cá mú, ốc hương… ở gần đó khi dẫn nguồn nước từ đầm vào ao thì hải sản cũng bị chết hàng loạt. Nhiều hộ dân nuôi hải sản gần nhà máy cho biết, họ bị thiệt hại từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng. Được biết, hiện nay UBND huyện Cam Lâm đang phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa kiểm đếm số hộ dân bị thiệt hại và đã tiếp nhận ít nhất 18 đơn đòi bồi thường từ người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang