Nông dân trồng mía 'bẻ kèo', doanh nghiệp kêu trời vì mất tiền tỷ

Thứ Hai, 01/02/2016 06:03

|

(CAO) Đầu tư, hỗ trợ vốn, giống, phân bón kỹ thuật cho người trồng mía, nhưng đến khi thu hoạch, hàng loạt hộ đã “phá rào” bán cho công ty khác. Thực trạng trên đang diễn ra phổ biến ở các huyện phía đông nam tỉnh Gia Lai.

Câu chuyện phá bỏ hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp luôn nóng vào mỗi mùa thu hoạch mía. Các tư thương với nhiều chiêu trò của mình luôn chiếm ưu thế trong cuộc “tranh mua” nguyên liệu.

Chỉ vì cái lợi trước mắt, nhiều nông dân trồng mía sẵn sàng phá bỏ hợp đồng. Cuối cùng người chịu thiệt vẫn là doanh nghiệp và nông dân.

Doanh nghiệp mất tiền tỷ đầu tư cho vùng nguyên liệu, nông dân thì mất đi sự hỗ trợ cần thiết cho mùa sau.

Nông dân phá hợp đồng với lý do sợ mía cháy

Bỏ tiền, bỏ công đầu tư lại bị “hớt tay” trên

Từ năm 2010, Công ty Cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai (nay là Cty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai – TTC) được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu mía đến năm 2020.

Theo đó, TTC mở rộng diện tích trồng mía nguyên liệu (trên 10.000 ha) ra 4 huyện phía đông nam, gồm: Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhằm ổn định đầu ra cho nhà nông.

Để người dân yên tâm và chủ động hơn trong sản xuất, TTC còn ký hợp đồng đầu tư, hỗ trợ vốn, giống, phân bón kỹ thuật cho người dân ngay từ đầu mùa.

Tuy nhiên, mùa vụ 2015-2016, TTC đang đứng trước nguy cơ tổn thất nghiêm trọng do nông dân phá vỡ hợp đồng, bán mía cho bên thứ 3. Tình trạng tranh mua mía ồ ạt và nỗi lo mía cháy của nông dân khiến vùng nguyên liệu ngày càng thêm “nóng”.

Bà Vũ Thị Lan, Phó GĐ khối nguyên liệu TTC bức xúc: “Hàng năm, công ty bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu mía nhưng hễ đến mùa thu hoạch lại bị các tư thương nhảy vào tranh mua. Gần 1 tháng nay, chúng tôi bị thất thoát gần 10.000 tấn mía do người dân bán cho các công ty ngoại tỉnh và con số đó vẫn không ngừng tăng lên".

"Mỗi ngày có hàng chục xe tải chất mía đầy thùng xe, phủ bạt kín mít chạy ngang qua nhà máy nhưng chúng tôi không làm gì được. Trong số những hộ bán mía ra ngoài thì có đến 40% hộ nông dân được công ty đầu tư vốn và vật tư”, bà Lan cho hay.

Nhiều doanh nghiệp tỉnh khác không cần bỏ tiền đầu tư lại tranh mua vùng nguyên liệu mía

Theo đó, TTC đã “điểm mặt” những doanh nghiệp lớn thu mua mía nguyên liệu của mình là ở Phú Yên và Đắk Nông. Mặc dù vụ thu hoạch bắt đầu chưa được một tháng nhưng TTC đã thống kê danh sách hàng chục trang tên các hộ dân phá vỡ hợp đồng bán mía cho tư thương chở đi Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông. Thậm chí, nhiều nông dân được xếp vào diện khách hàng VIP, được hỗ trợ đầu tư cả trăm triệu đồng mỗi năm nhưng vẫn phá hợp đồng.

Nói về việc bán mía cho tư thương, nông dân Huỳnh Văn Công (tổ dân phố 5, Phú Thiện) cho rằng: Công ty tự ý xếp lịch thu hoạch mía mà không trao đổi với tôi, vì thế phần lớn diện tích thu hoạch của tôi đều rơi vào những tháng cuối. Nếu thu hoạch quá muộn thì khả năng xảy ra cháy, giảm sản lượng rất cao nên tôi đã bán hết 9ha cho tư thương. Vườn của tôi tự đầu tư 100% nên tôi do bán, không bị ràng buộc gì, rút kinh nghiệm năm ngoái tôi bị lỗ nặng do 6ha mía bị cháy.

Theo bà Lan: “Vùng nguyên liệu này đã được tỉnh quy hoạch, công ty bỏ công sức, tiền của ra đầu tư trong khi các doanh nghiệp khác không hề đầu tư nhưng lại tranh mua theo kiểu “cốc mò, cò xơi”. Rõ ràng bất lợi và thiệt hại là công ty tôi hứng chịu, nếu nói về cạnh tranh thì không công bằng”.

Doanh nghiệp kêu trời

Bà Vũ Thị Lan, Phó GĐ khối nguyên liệu Thành Thành Công Gia Lai cho biết: Theo kế hoạch, vụ mía năm nay, nhà máy sẽ ép 720.000 tấn mía, công suất 6.000 tấn/ngày. Nhưng với tình hình hiện tại, nhiều nông dân phá hợp đồng bán mía cho tư thương không chỉ khiến TTC khốn đốn vì thiếu hụt sản lượng mà còn nhiều hao tổn khác.

"Bởi để có vùng nguyên liệu như hôm nay, TTC đã đầu tư rất nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy, đường sá, nguồn giống, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh thiên tai cho nhà nông. Trong khi các doanh nghiệp khác “không làm gì lại đi hớt tay trên”, bà Lan nói.

Câu chuyện phá bỏ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân luôn nóng mỗi mùa mía

Không chỉ năm nay mà các niên vụ trước TTC cũng đối mặt tình trạng thất thoát vùng nguyên liệu mía, cụ thể: Vụ 2013-2014 thất thoát 82.000 tấn, 2014-2015 là 41.000 tấn và mới đầu vụ 2015-2016 đã mất gần 10.000 tấn.

Để cứu nguy, TTC đã làm đơn cầu cứu gởi đến các địa phương vùng nguyên liệu mía và gửi UBND 2 tỉnh Gia Lai - Phú Yên khẩn thiết nhờ can thiệp, dừng ngay việc tranh mua mía vùng nguyên liệu của TTC.

Mặt khác, trên tinh thần hợp tác, TTC đánh công văn trực tiếp gửi doanh nghiệp “hớt tay trên của mình” đề nghị dừng, không mua mía từ vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, đến nay TTC vẫn chưa nhận được hồi âm nào từ phía các doanh nghiệp trên.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lừng, Phó Tổng giám đốc Thường trực TTC nói thẳng: "Nguyên nhân khiến nông dân phá hợp đồng bán mía là do tiểu thương đẩy giá lên cao miễn sao mua được hàng. Thực tế họ không tốn chi phí đầu tư, không xây dựng vùng nguyên liệu nhưng lại lao vào thu mua là một việc hết sức phi lý".

"Chúng tôi không đủ thẩm quyền để ngăn họ được, mà nhờ sự vào cuộc chỉ đạo của các tỉnh và các cơ quan ban ngành liên quan. Đối với nông dân phá vỡ hợp đồng nếu kiện ra tòa thì rất nhùng nhằn, để lại hình ảnh không hay. Hiện nhiều hộ trồng mía vẫn còn nợ công ty hơn 3 tỷ đồng tiền đầu tư chưa trả", ông Lừng nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang