102 người chết do tai nạn lao động ở Sài Gòn

Thứ Tư, 21/03/2018 21:45

|

(CAO) Năm 2017, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 1.492 vụ tai nạn lao động với 1.508 người bị nạn, trong đó có 102 người chết. Tổng thiệt hại do các vụ tai nạn lao động khoảng 19 tỷ đồng và mất 26.233 ngày nghỉ, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Thông tin này được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết vào ngày 21/3.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, tai nạn lao động chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như sản xuất giày dép, may trang phục, sản xuất gia công kim loại…

Tuy nhiên qua điều tra cho thấy, tình hình tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng vẫn đang ở mức cao, đặc biệt là những vụ tai nạn lao động gây chết người. Cụ thể, trong 102 vụ tai nạn lao động gây chết người thì có 71 vụ thuộc lĩnh vực thi công xây dựng, làm chết 66 người và bị thương nặng 4 người.

“Thông thường các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ do thầu tư nhân hoặc các công ty xây dựng quy mô nhỏ đa số không có hiểu biết và càng không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động nên dễ gây ra tai nạn lao động”, ông Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh.

Phân tích nguyên nhân gây ra tai nạn lao động, ông Nguyễn Văn Lâm cho rằng, nguyên nhân phần lớn vẫn là do lỗi của người lao động như vi phạm nội quy, quy trình làm việc, không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến lỗi của người sử dụng lao động khi không trang bị các thiết bị an toàn hoặc thiết bị không đảm bảo an toàn, không có phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và tổ chức sản xuất không hợp lý.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, năm 2017 chỉ có 5.387 doanh nghiệp báo cáo tình hình tai nạn lao động, chiếm 12,8% trong tổng số cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP. Con số này vẫn chưa phản ánh hết tình hình tai nạn lao động trên địa bàn.

Chính vì thế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, lập danh sách quản lý các cơ sở hoạt động ở các lĩnh vực ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, lao động tự do để tập huấn, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp, nhà thầu thi công các công trình xây dựng; đặc biệt công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, công trình cải tạo, sửa chữa, phá dỡ có sử dụng thiết bị điện, cắt kim loại, hàn… nhằm giảm thiểu tình hình tai nạn và các sự cố kỹ thuật có thể xảy ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang