Quả tim và thận của người đàn ông vượt 1.600km cứu người

Thứ Hai, 19/03/2018 11:18  | Ngô Đồng

|

(CAO) Nhờ quyết định hiến tạng cứu người, giờ đây trái tim của người đàn ông đang đập trong một lồng ngực khác, lá phổi của anh cũng đang thở trong lồng ngực của người khác, hai quả thận ở hai miền Nam -Bắc với 2 người khác nhau,...

Sáng 19-3, BV Chợ Rẫy TP.HCM đã công bố thực hiện thành công ca ghép tim xuyên Việt được thực hiện tại BV Chợ Rẫy.

Theo PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc BV Chợ Rẫy, đây được xem là ca ghép tạng xuyên Việt thứ 3 tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng là ca ghép tạng xuyên Việt đầu tiên nhận tạng từ miền Bắc và là ca ghép tim thứ 2 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Người cho tạng là một người đàn ông 45 tuổi,  bị tai nạn và khó lòng qua khỏi, gia đình có nguyện vọng hiến tạng của anh để cứu những người bệnh đang cần.

Ngay sau khi gia đình anh quyết định hiến tạng, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người Bộ Y tế đã thông báo cho các bệnh viện. Các bệnh nhân trong danh sách chờ ghép tạng có cùng chỉ số ngay lập tức được nhập viện kiểm tra.

Chỉ 40 giờ sau khi quyết định của gia đình được đưa ra, các kíp phẫu thuật và những người bệnh đang cần được cứu đã chờ sẵn. Trong đó có một người ghép phổi, một người ghép giác mạc và một người ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; một người ghép tim và một người ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM; một người ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Trung ương.

Để có trái tim và một quả thận hiến tặng vào được TP.HCM kịp thực hiện hai ca ghép ở Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ phải "chạy đua với thời gian".

Trái tim và phổi của người hiến tặng chỉ có thể sử dụng được 6 tiếng sau khi lấy khỏi cơ thể, thận có thể lâu hơn nhưng không quá 18 tiếng. Do đó, các bác sĩ chỉ có tối đa 6 tiếng đồng hồ sau khi phẫu thuật lấy tim và di chuyển hơn 1.600 km vào TP.HCM. Việc bảo đảm được thời gian giới hạn này đòi hỏi sự kỹ lưỡng, nhịp nhàng ở mức tối đa giữa cả nơi lấy và nơi nhận.

Ngay sau khi người hiến được đưa vào phòng phẫu thuật, trái tim anh được lấy ra đầu tiên, đưa vào thùng bảo quản chuyên dụng. Sau một giờ, quả tim được vận chuyển đi trước, quả thận được chuyển tiếp ra và đưa đến sân bay để đưa lên chuyến bay kế tiếp. Đích đến của trái tim và quả thận đều là TP.HCM.

Ê kip thực hiện lấy ghép tạng BV Chợ Rẫy cúi đầu tri ân trước ca phẫu thuật. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Sự thiêng liêng và quý trọng vô giá từ quả tim và thận của người cho đi xuyên Việt từ Bắc vào Nam khiến êkíp BV Chợ Rẫy “căng mình” hết sức.  Cơ hội sống của người nhận vô cùng quý giá và bệnh viện không cho phép mình phụ lòng người cho. Do đó, tất cả các khâu đều phải liên hệ trước. Giờ dự kiến máy bay đáp cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất là hơn 4 giờ chiều, đúng vào giờ cao điểm. BV Chợ Rẫy đã liên hệ phía hàng không hạn chế các thủ tục bình thường, đồng thời nhờ sự trợ giúp từ hai xe đặc chủng của Công an TP.HCM đưa trái tim được bảo quản về đến BV Chợ Rẫy chỉ trong 15 phút.

Khi biết trái tim mà mình đang vận chuyển là của một người vừa rời cõi dương gian tặng cho một người anh ấy chưa biết mặt, tổ bay hôm đó đã rất xúc động. Rời máy bay, trái tim ấy được xe cấp cứu và cảnh sát giao thông TP.HCM hộ tống về Bệnh viện Chợ Rẫy để được đặt vào một lồng ngực mới.

Các bác sĩ BV Chợ Rẫy cho biết, 2 bệnh nhân may mắn có các chỉ số phù hợp nhận tạng đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng để kịp thời sử dụng quà tặng vô giá này cũng như hỗ trợ cho bệnh nhân đang trong lúc thập tử nhất sinh, Ban lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy đã tạm thời gác lại mọi chi phí cho 2 cuộc ghép để tiến hành ghép cho 2 bệnh nhân. Hai ca phẫu thuật đã huy động 30 y, bác sĩ, phẫu thuật viên.

Hiện nay, 2 bệnh nhân đã ổn định và chuẩn bị xuất viện. Đó là nam bệnh nhân 29 tuổi ở Tiền Giang bị cơ tim giãn nở và nữ sinh viên 25 tuổi quê Ninh Thuận với chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối.

Nhờ quyết định hiến tạng cứu người, giờ đây trái tim của người đàn ông ấy đang đập trong một lồng ngực khác, lá phổi của anh cũng đang thở trong lồng ngực của một người khác, hai quả thận đang ở hai miền Nam-Bắc với 2 người khác nhau, hai giác mạc cũng vậy.Đó là những món quà vô giá và vô cùng thiêng liêng.

Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành ca ghép phổi cho bệnh nhân Trần Ngọc H. (SN 1965, ngụ Nam Định), được chẩn đoán suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Đây cũng là lần đầu tiên ghép phổi từ người cho chết não được thực hiện thành công tại Việt Nam. Ca ghép phổi được tiến hành trong liên tục 8 giờ, với sự tham gia của hơn 60 thầy thuốc, bác sĩ, phẫu thuật viên, kỹ sư, dược sĩ, điều dưỡng, nhân viên phục vụ tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Ngoài ra, kíp mổ còn có sự tham gia của hai chuyên gia đến từ Pháp và Bỉ.

Theo các chuyên gia y tế, ghép phổi được xem là kỹ thuật khó nhất trong ngành ghép tạng, đặc biệt với nguồn hiến từ người chết não, sự khó khăn càng tăng gấp bội bởi yêu cầu khẩn trương, chuyên sâu và phối hợp nhiều nguồn lực. Trước đó, người nhận và người cho phải có những chỉ số đánh giá có đồng nhóm máu và các xét nghiệm tương thích hay không.

Đến nay, ca ghép được đánh giá là rất thành công trước sự hồi phục tốt từ bệnh nhân.

Vận chuyển tạng người vượt hơn 1.000 km cứu chữa bệnh nhân suy tim phổi
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang