(CAO) Bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh “trái rạ” đang vào mùa theo chu kì hằng năm. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc, dễ lây lan và nhiều biến chứng nguy hiểm nếu chủ quan.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu tập trung ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch yếu. Đáng lưu ý, bệnh thủy đậu không được điều trị đúng cách có thể biến chuyển rất nặng. Trong đó, biến chứng nguy hiểm là viêm phổi bội nhiễm, viêm não, nhiễm trùng máu.
Bệnh thường xuất hiện vào tháng 3-6 hàng năm. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian 1-2 tuần ủ bệnh mới xuất hiện các triệu chứng nhiễm siêu vi như: sốt, đau đầu, uể oải. Tuy nhiên đây là loại virus lây 'rất dữ', mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân. Đồng thời bệnh vẫn tiếp tục lây lan cho người khác khi đã hết bệnh trong vòng 3 tuần.
BS khuyến cáo, nếu một người trong gia đình bị mắc có thể sẽ lây cho cả nhà, thậm chí cả công ty nếu người tiếp xúc chưa được chích ngừa hoặc chưa bị nhiễm bệnh trước đó.
Virus thủy đậu cũng có thể truyền từ mẹ sang thai nhi và có thể gây ra dị tật bẩm sinh, thậm chí sảy thai cho nên bác sĩ thường khuyên phụ nữ dự định có thai làm xét nghiệm máu để xác định xem họ đã có miễn dịch với bệnh hay chưa. Chích ngừa 1-3 tháng trước khi có ý định mang thai.
Tại khoa khám bệnh BV Nhi Đồng 2 TP.HCM ghi nhận, số lượt bệnh nhân đến khám vì bệnh thủy đậu gia tăng đáng kể, từ 20-30 lượt/tuần, nay đã tăng lên 150-170 lượt/tuần, trong đó có nhiều trường hợp phải nhập viện vì biến chứng nhiễm trùng da, viêm phổi.
Tương tự, tại BV Nhi Đồng 1, theo số liệu thống kê, từ đầu tháng 2-2018 đến nay, BV đã tiếp nhận điều trị cho hàng chục trường hợp, chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi.
Cả nhà có thể mắc bệnh thủy đậu nếu chưa được chích ngừa phòng bệnh. Ảnh: Ngô Đồng
Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính toàn thân do virus varicella zoster. Khi đã mắc bệnh, con người sẽ có miễn dịch suốt đời và không bị lại lần hai.
Theo BS Trương Hũu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, bệnh thủy đậu 'lành tính', có thể điều trị ngoại trú, không cần nhập viện. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, tổn thương thần kinh, thậm chí tử vong nếu điều trị không đúng cách.
Tiêm phòng vắc xin thủy đậu là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Nên chích 2 mũi, mỗi mũi cách nhau ít nhất 3 tháng.
BS khuyến cáo, khi trẻ mắc thủy đậu, phụ huynh tuyệt đối không nên mua các loại lá về tắm để cho trẻ nhanh khỏi. Da trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất mỏng nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Vì các loại lá mọc bờ bị, dễ bị nhiễm khuẩn, thậm chí là có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi nên nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn là rất cao.
Nên chú ý giữ sạch tay và cắt ngắn móng tay cho trẻ để tránh cho trẻ gãi ngứa, vì gãi làm nốt phỏng bị vỡ, có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn.
Việc kiêng nước, không nên không tắm hay kiêng gió, trùm mềm kín cũng là một sai lầm. Có nhiều trẻ bị biến chứng viêm da bội nhiễm, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết vì không giữ vệ sinh tốt
Cho trẻ ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng hạn chế biến chứng. Không cần phải kiêng ăn cho trẻ, chỉ nên kiêng những thức ăn mà trẻ bị dị ứng, vì tránh làm cho trẻ ngứa.
(CAO) Gần đây, tình trạng nhiều phụ huynh bị nhiễm bệnh thủy đậu rồi lây sang con trẻ khá phổ biến. Nhiều cha mẹ cứ nghĩ khi bị thủy đậu thì cần kiêng gió, kiêng tắm, hoặc tắm nước gốc rạ,.. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai lầm, thậm chí sẽ gây biến chứng, tử vong.