111.655 ngôi nhà tại Hà Tĩnh và Quảng Bình bị sập và tốc mái do bão số 10

Thứ Sáu, 15/09/2017 22:20  | Văn Tình

|

(CAO) Sau 5 giờ quần thảo tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, bão số 10 đã khiến 3 người chết, 21 người bị thương ,111.655 ngôi nhà bị tốc sập, tốc mái.

Quảng Bình thiệt hại hơn 1.743 tỷ đồng do bão

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thị xã Ba Đồn cho biết ông Nguyễn Văn Hoa (SN 1967, trú thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh, thị xã Bà Đồn) trong lúc phòng chống cơn bão số 10 đã bị tử vong. Ngoài ra, tại địa phương này 16.000 nhà dân bị tốc mái và 2.500 nhà dân bị ngập nặng. Nhiều nhà dân sống quanh khu vực sông Gianh bị nước dâng ngập lụt.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quảng Trạch, bão số 10 đã làm cho 80% ngôi nhà trên toàn huyện bị sập và tốc mái. Trong đó, toàn bộ xã Quảng Đông bị tốc mái 100%, xã Quảng Châu bị tốc mái 90%.

Trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã có mưa lớn trên diện rộng, kèm theo gió giật cấp 9 đến cấp 10. Nhiều tàu thuyền dưới 20CV tại thị trấn Ròn bị sóng đánh chìm.

Tính đến 14 giờ chiều 15-9, do ảnh hưởng của bão số 10, tại tỉnh Quảng Bình đã có 1 người chết, 6 người bị thương, 13 nhà bị sập, 49.155 ngôi nhà bị tốc mái và 1.500 nhà bị ngập lụt. Ước tính thiệt hại ban đầu do bão gây ra là hơn 1.743 tỷ đồng.

Mái che nhà dân tại Hà Tĩnh bị bão thổi bay ra đường

Bão quần nát các huyện, thị phía nam Hà Tĩnh

Lúc 11 giờ trưa 15-9, bão số 10 bắt đầu đổ bộ vào tỉnh Hà Tĩnh. Là nơi nằm trong vùng tâm bão nên thị xã Kỳ Anh có gió giật cấp 12 đến cấp 15. Hàng loạt nhà dân, trường học bị tốc mái. Một số trụ điện cao thế bị gió giật đổ gãy.

Ông Phan Duy Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết lúc 11 giờ 10, cột truyền hình thị xã Kỳ Anh cao 100 mét đã bị bão số 10 giật đổ vào nhà dân. Rất may, trước đó, những hộ dân sinh sống gần đó đã di tản đến vùng an toàn nên không có ai bị thương vong.

Bà Nguyễn Thị Hoài Nam – Chánh văn phòng phòng chống thiên tai thị xã Kỳ Anh, cho biết do ảnh hưởng của bão số 10, 100% hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã Kỳ Anh bị ngập, 80% nhà dân bị tốc mái. Ngoài ra, hàng chục trụ điện bị bão quật đổ.

Đang ra sức chằng chéo lại trang trại, ông Võ Ngọc Dũng (trú xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh), cho biết: “Gió giật mạnh quá. Đã nhiều năm qua, tôi chưa thấy cơn bão nào có sức gió tàn phá mạnh như vậy”. Theo ông Dũng, bão số 10 đã thổi bay mái tôn che trước nhà cùng với mái ngói nhà ở và trang trại của gia đình ông. Hàng loạt cây cối trong trang trại ông Dũng cũng bị bão quật ngã ngổn ngang. “Làm trang trại đã khó khăn, vất vả nhưng khi bão vào thổi bay sạch nên giờ không biết lấy tiền đâu mà đầu tư lại”- ông Dũng than thở.

Ông Nguyễn Xuân Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thành (huyện Nghi Xuân, cho biết tại địa phương đã có một người bị tử vong trong lúc ứng phó với bão. Nạn nhân là anh Trần Văn Lập (SN 1987, trú thôn Thành Hải, xã Xuân Thành) trong lúc giằng néo nhà hàng của gia đình tại bãi biển Xuân Thành thì bị thanh gỗ xà nhà gãy khiến anh Lập rơi xuống đất tử vong.

Do ảnh hưởng của bão số 10, từ 9 giờ sáng ngày 15-9, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị mất điện hoàn toàn.

Lực Công an TP. Hà Tĩnh dọn dẹp, khắc phục sau bão

Chiều 15-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có mặt tại huyện Kỳ Anh để kiểm tra tình hình mưa bão, công tác ứng phó hoàn lưu sau bão và triển khai công tác khắc phục hậu quả.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo huyện Kỳ Anh và các ngành chức năng báo cáo, Phó Thủ tướng nhận định, mặc dù cơn bão đã đi qua nhưng để lại hậu quả vô cùng nặng nề.

Phó Thủ tướng chia sẽ với những khó khăn của nhân dân huyện Kỳ Anh nói riêng và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nói chung, đồng thời yêu cầu chính quyền các cấp tiếp tục tập trung cao độ để ứng phó với những diễn biến tiếp theo sau bão.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước mắt phải tập trung động viên, thăm hỏi những gia đình bị thiệt hại. Cung cấp thuốc men, lương thực để người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục lại sản xuất.

Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh cần theo dõi sát những diễn biến hoàn lưu sau bão để sơ tán dân khỏi những khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Cột truyền hình thị xã Kỳ Anh bị bão giật đổ gãy

Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Hà Tĩnh, tính đến chiều 15-9, bão số 10 đã khiến 62.500 nhà dân bị tốc mái. Nhiều trường học, trạm y tế và một số cơ quan hành chính bị tốc mái nhưng hiện chưa thể thống kê hết.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 3.100ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.000 ha nước ngọt và 1.100 ha mặn lợ bị ngập, hư hại hoàn toàn. Bão số 10 cũng làm cho gần 1.000 ha lúa mùa cùng nhiều diện tích hoa màu bị ngập, hư hỏng. Khoảng 8000 ha cây ăn quả bị hư hỏng, đổ gãy, trong đó có 2.000 ha bưởi và 6.000 ha cam đang thời kỳ thu hoạch.

Đặc biệt, bão cũng đã làm cho tuyến QL1A, đoạn chạy qua thị xã Kỳ Anh bị tê liệt trong nhiều giờ.

Chiều 15-9, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, cho biết trong buổi trưa đến chiều cùng ngày, bệnh viện đã tiếp nhận 14 bệnh nhân tại TP. Hà Tĩnh và các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà bị thương do bão gây ra Trong đó, có 4 bệnh nhân đang theo dõi chấn thương sọ não, chấn thương cột sống.

Hiện tại các bệnh nhân đang được điều trị, theo dõi sát tại bệnh viện.

Một biển hiệu quảng cáo bị bão quật gãy

Lực lượng công an lao vào bão dữ giúp dân

Đại úy Nguyễn Quốc Hùng – Trưởng Công an TP. Hà Tĩnh, cho biết từ ngày 14 đến ngày 15-9, Công an TP. Hà Tĩnh đã huy động gần 600 lượt cán bộ, chiến sĩ để di dời 204 hộ dân/704 người. Khi bão vào, Công an thành phố cũng đã huy động gần 500 lượt cán bộ, chiến sĩ để chặt cây, giúp dân khắc phục sau bão, đảm bảo không để ùn tắc giao thông và hướng dẫn người dân không đi vào các nơi ngập lụt, nguy hiểm. Ngoài ra, đơn vị cũng huy động 100 lượt cán bộ giúp dân thu hoạch lúa.

Ngay sau khi thông tin cơn bão số 10 đổ bộ vào Hà Tĩnh, lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh cùng công an các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đã huy động lực lượng gặt lúa vụ hè thu giúp dân để “chạy đua” với bão.

Khung cảnh tan hoang sau bão

Trên những cánh đồng của 2 xã Sơn Ninh và Sơn Lễ, những màu áo xanh và áo vàng của hàng chục cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Hương Sơn thay nhau gặt lúa, vận chuyển đến điểm để tuốt lúa cho các hộ dân.

Tại huyện Nghi Xuân, 100% cán bộ chiến sĩ cũng đã xuống địa bàn 19 xã, thị trấn để giúp dân ứng phó với con bão số 10, đồng thời di dời những hộ dân nằm trong vùng xung yếu.

Công an huyện Nghi Xuân cõng người dân ở khu vực xung yếu đến những nơi an toàn

Nghệ An: 1 người chết, 1 người bị thương do bão số 10

Lúc 10 giờ 40 ngày 15-9-2017, bà Đào Thị Thức (trú phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) đang ở trong nhà để tránh bão thì mái nhà bị gió tốc mái khiến tấm lợp fibro xi măng rơi trúng đầu bị thương nặng dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 10, ông Ngụy Đình Ân (trú xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) cũng bị thương nặng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang