Xử lý cần quyết liệt, liên tục…
Hiện nay, việc thiếu không gian an toàn cho người đi bộ, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán còn diễn ra ở nhiều nơi, gây mất trật tự giao thông và mỹ quan đô thị. Về thực trạng này, Thành ủy TPHCM đã chỉ ra nguyên nhân do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp chưa quyết liệt, thường xuyên, liên tục; công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong quản lý, xử lý đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trật tự đô thị chưa thống nhất, đồng bộ.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác quản lý trật tự đô thị, Thành ủy TPHCM giao UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý trật tự đô thị; đầu tư phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng đô thị. Cụ thể, các đơn vị liên quan tham mưu ban hành quy định mới về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè (thay thế Quyết định số 74 năm 2008). Trong đó, TP.Thủ Đức và các quận, huyện chủ động ban hành danh mục các tuyến đường được sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông.
Chính quyền TPHCM cần nghiên cứu, ban hành tiêu chí quy hoạch quỹ đất, không gian dành cho giao thông công cộng, bãi giữ xe (ngầm hoặc cao tầng); đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh (bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, các đầu mối giao thông công cộng...), ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư bến, bãi đỗ xe sử dụng công nghệ đỗ xe thông minh, cao tầng lắp ghép tại khu vực trung tâm.
Một cơ sở trên đường Sư Vạn Hạnh (Q10) cho đậu xe lấn xuống lòng đường
Các đơn vị cần tăng cường quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè để bảo đảm quyền ưu tiên dành cho người đi bộ và tiếp cận giao thông công cộng. Quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè làm điểm trông giữ xe, trung chuyển vật liệu xây dựng... Cơ quan có thẩm quyền tổ chức các tuyến đường kiểu mẫu bảo đảm trật tự đô thị tại các quận, huyện, TP.Thủ Đức; xây dựng thêm những tuyến đường đi bộ tại khu vực trung tâm TPHCM, tạo không gian sinh hoạt chung cho người dân.
Các bên liên quan cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tiếp tục triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát, quản lý và xử phạt ở những nơi thường xuyên xảy ra vi phạm về lòng đường, vỉa hè, phức tạp về trật tự giao thông. Các lực lượng tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công trình có rào chắn chiếm dụng lòng đường, vỉa hè; khẩn trương tái lập, hoàn trả mặt bằng, bảo đảm chất lượng, mỹ quan đô thị ngay từ khâu thiết kế, lập kế hoạch, giải phóng mặt bằng, xử lý giao cắt công trình ngầm...
…Và hợp lý, hợp tình
Với việc chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử phạt, lập lại trật tự an toàn giao thông, đường thông hè thoáng của TPHCM, đông đảo người dân rất đồng tình, ủng hộ. Tất nhiên, còn một số ít những người buôn bán lưu động, sử dụng lòng lề đường để kinh doanh nhỏ lẻ. Họ biết rõ việc chiếm dụng lòng lề đường làm nơi buôn bán là sai, nhưng một số người mong muốn chính quyền và các cơ quan chức năng tạo điều kiện để họ mưu sinh.
Chị Nguyễn Thị Loan bán hàng rong trước chợ đầu mối Hóc Môn, bày tỏ: "Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tôi và nhiều gia đình khác gần như phá sản, đời sống gặp nhiều khó khăn. Sau đại dịch, tôi xoay sở đủ cách để khôi phục lại việc buôn bán. Ai cũng tranh thủ tận dụng từng mét mặt bằng để kinh doanh nên việc lấn chiếm lòng lề đường là không tránh khỏi. Biết lấn chiếm như vậy là sai, nhưng nếu tập trung vào chợ truyền thống thì không đủ chỗ, không đủ tiền thuê mặt bằng, còn "chui" vào hẻm buôn bán thì không có khách".
Cảnh lấn chiếm lòng lề đường ở khu vực chợ đầu mối Hóc Môn
Tương tự, chị Trần Thị Thanh H. bán xe hàng rong trước cổng công viên Lê Thị Riêng (Q10) cho biết: "Hiện giờ, xu thế của các bạn trẻ là đi ăn cùng bạn bè vào ban đêm. Chúng tôi không thể vào các khu chợ truyền thống để kinh doanh. Mà đẩy xe hàng rong như vậy thì lấn chiếm đường phố, dù biết sai nhưng chúng tôi đành chịu. Gần đây, chúng tôi được phường hướng dẫn, sắp xếp cho buôn bán ở một nơi tạm phía trước công viên. Có thể đáp ứng được nhu cầu của các bạn trẻ như vậy là mừng rồi, dù chúng tôi không biết được hoạt động đến khi nào...".
Ông Nguyễn Xuân Hoàng (Phó Chủ tịch UBND P.Tam Bình, TP.Thủ Đức) cho biết, phường có 3 khu chợ chính, gồm: chợ đầu mối Thủ Đức trên QL1A, chợ Tam Bình, chợ Tam Hà và các tuyến đường quan trọng như QL1A, Gò Dưa, Tô Ngọc Vân, Phú Châu, Tam Châu... cùng hơn 100 tuyến hẻm. Ngành nghề chính của người dân P.Tam Bình là thương mại dịch vụ, nông nghiệp đô thị. Dân số tạm cư đông, đa số tập trung xung quanh chợ đầu mối Thủ Đức. Hiện tại, các tuyến đường của phường hầu như không có vỉa hè đạt chuẩn vỉa hè đô thị. Do đó, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè xảy ra thường xuyên, tập trung chủ yếu ở các tuyến xung quanh chợ đầu mối Thủ Đức như: QL1A, Ngô Chí Quốc, Song Hành...
Đảng ủy P.Tam Bình đã ban hành nghị quyết về công tác lập lại trật tự lòng lề đường, thực hiện theo Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. UBND phường này cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Phường xác định đây là công việc thường xuyên, liên tục, kết hợp với lực lượng trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự thực hiện ra quân kiểm tra, xử lý. Từ đầu năm 2023 đến nay, phường đã ra quân hơn 200 lượt, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền là 78,5 triệu đồng. Tuy nhiên, vì mưu sinh, không ít người dân luôn tìm cách đối phó và tiếp tục vi phạm.
UBND P.Tam Bình phân ra 2 nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất gồm những người buôn bán cố định. Phường thường xuyên kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, xem có lấy chiếm lòng lề đường hay không để xử lý. Nhóm thứ 2 buôn bán không cố định, gồm những người bán hàng rong, xe đẩy. Phường cũng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý đối với các vi phạm của nhóm này.
Hiện nay, P.Tam Bình gặp không ít khó khăn do nhân sự của Tổ Trật tự đô thị còn mỏng, việc xử lý vi phạm không thể làm triệt để. Chưa kể giờ hoạt động của chợ đầu mối Thủ Đức diễn ra ban đêm, việc cắt cử, phân ca trực rất khó khăn. Trong công tác xử lý, chưa có hướng dẫn chi tiết về tạm giữ phương tiện, dụng cụ, sản phẩm vi phạm. Một số mặt hàng không rõ nguồn gốc cũng gây khó khăn cho đoàn kiểm tra, thiếu kho tạm giữ... Đối với chợ đầu mối Thủ Đức, tiểu thương nhiều nơi đổ xô về lấy hàng, sau đó xả rác thải bừa bãi xung quanh chợ, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Mặc dù phường cho kiểm tra thường xuyên, nhưng vẫn còn một số hộ chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước thực trạng trên, ông Hoàng kiến nghị: Cấp có thẩm quyền cần chỉ đạo xử lý triệt để các trường hợp xe lôi, xe ba gác, xe tự chế... lưu thông không đúng quy định. Cạnh đó, cần bổ sung lực lượng trật tự đô thị, hướng dẫn cụ thể về lập biên bản, lưu trữ và tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Phương hướng sắp tới, P.Tam Bình sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về bảo đảm trật tự lòng lề đường, phối hợp với các phường lân cận như: Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước và Ban Quản lý chợ đầu mối Thử Đức ký kế hoạch liên tịch phối hợp ra quân xử lý vi phạm trên những tuyến đường giáp ranh. Đồng thời, báo cáo, xin chỉ đạo của Công an TPHCM về việc xử lý các bến xe hoạt động không đúng quy định; kiến nghị UBND TP.Thủ Đức yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Thủ Đức House bàn giao hạ tầng khu dân cư Chợ đầu mối để quản lý.
(Còn tiếp...)
(CATP) Hiện nay, nhiều đoạn vỉa hè một số tuyến đường trên địa bàn TPHCM xảy ra tình trạng bị bong tróc, xuống cấp, nhưng chưa được sửa chữa, trông khá nhếch nhác. Nhiều nơi được lát đá granite nhưng đã nứt, bể do xe máy chạy lên vỉa hè vào giờ cao điểm. Chưa dừng lại ở đó, tình trạng hàng quán, bãi giữ xe lấn chiếm vỉa hè tràn lan, khiến người dân và du khách không khỏi ái ngại khi phải lưu thông qua những tuyến đường này.
HẢI VĂN - KHẮC LÃM - QUỲNH HƯƠNG