Bạn đọc lên tiếng sau loạt bài "Thế giới Vlog - ẩn họa khôn lường"

Thứ Sáu, 19/03/2021 09:39

|

(CATP) Những ngày qua, loạt bài "Thế giới Vlog - ẩn họa khôn lường" của Báo CATP đã cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn cục về thực trạng đáng báo động liên quan đến thế giới Vlog "đen".

Thực tế rất khó ngăn chặn những Vlog này, dù các nền tảng xã hội lẫn hệ thống pháp luật mỗi quốc gia đều có các hàng rào pháp lý, nhưng Vlog "đen" vẫn phát triển. Trong bối cảnh đó, ngoài việc tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý nghiêm ngặt hơn để điều chỉnh lẫn chế tài các nội dung tiêu cực, các Vlog "trắng" xuất hiện ngày càng nhiều, như cách các trang mạng xã hội "tự điều chỉnh", khi mà những hình ảnh, video nhảm nhí, phản cảm ngày càng nhố nhăng.

Loạt bài trên được đăng giữa lúc Vlogger Thơ Nguyễn gây xì-căng-đan với việc đăng clip "Xin vía học giỏi" bị cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phạt 7,5 triệu đồng vì vi phạm về cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy mê tín dị đoan. Đây là mức phạt rất thấp so với hậu quả mà Thơ Nguyễn gây ra, khiến bạn đọc bất bình. Các độc giả cho rằng, với mức thu nhập dự đoán khoảng 263 ngàn - 4,2 triệu USD/năm, mức phạt thấp như vậy không có tính răn đe và không khéo qua xì-căng-đan này, Vlogger "bẩn" trên càng nổi tiếng!

Theo Thanh tra Sở TT-TT Bình Dương, YouTuber Thơ Nguyễn đăng clip "Xin vía học giỏi" lên mạng xã hội (MXH) đã vi phạm điểm b, khoản 1, điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, đó là hành vi vi phạm về "cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy mê tín dị đoan".

Điều này cho thấy pháp luật điều chỉnh hoạt động của các Vlogger "đen" vẫn chưa đủ sức răn đe.

Một vấn đề khác cũng được bạn đọc quan tâm là làm sao "lập tường lửa" hạn chế việc con trẻ tiếp cận với các video nhảm nhí, phản cảm. Đây là vấn đề lớn của thời đại số, mà chỉ có sự đồng hành của phụ huynh với con trẻ mới có thể hướng dẫn các em tiếp cận những thông tin hữu ích, tránh xa các Vlog nhảm nhí, gây hại lâu dài cho trẻ vốn đầu óc còn non nớt, chưa thể tiếp thu có chọn lọc. Bạn đọc đặt vấn đề nên đưa việc ứng xử với MXH vào giảng dạy ở trường học, ngay từ cấp 1, qua đó dần tạo nên ý thức "phản kháng" và phòng vệ ngay từ nhỏ cho các em. Đây cũng là vấn đề đạo đức, văn hóa trong thời đại số.

Hình ảnh nữ sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TPHCM) đánh nhau bị tung lên mạng

Danh sách Top 10 YouTuber Việt Nam dẫn đầu năm 2020 theo công bố của Google

1. MixiGaming (4,27 triệu người đăng ký)

2. Trấn Thành Town (4,53 triệu người đăng ký)

3. Hau Hoang (6,28 triệu người đăng ký)

4. Thiên An Official (3,11 triệu người đăng ký)

5. Anh Thám Tử (1,91 triệu người đăng ký)

6. Cris Devil Gamer (9,22 triệu người đăng ký)

7. Di Di (2,51 triệu người đăng ký)

8. Gãy Media (2,05 triệu người đăng ký)

9. FAP TV (12,1 triệu người đăng ký)

10. Quynh Tran JP & Family - Cuộc sống ở Nhật (3,57 triệu người đăng ký).

Thêm một ví dụ, cũng trong thời gian Báo CATP đăng loạt bài này, một clip do học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TPHCM) tung lên mạng gây bức xúc dư luận, đặc biệt là với các bậc phụ huynh. Hậu quả là 2 nữ sinh đánh nhau bị đình chỉ học tập 1 tuần, xếp hạnh kiểm yếu; 13 học sinh khác tuy không tham gia nhưng vô cảm đứng xem, có em còn cổ vũ, quay video... cũng bị kỷ luật.

Những trường hợp như vậy từng xảy ra ở một số địa phương, trường học khác. Đây là hậu quả nhãn tiền của cái gọi là "giang hồ mạng", tạo nên những cách hành xử bất chấp đạo đức, lý trí.

Bạn đọc Báo CATP cũng mong cơ quan chức năng có biện pháp chế tài lẫn các hình thức xử lý hình sự mạnh mẽ với số "giang hồ mạng" tung hoành trong thời gian gần đây, dù một số đã vào tù hoặc bị xử lý như Khả "bảnh", Dũng "trọc", Huấn "hoa hồng", Đường "Nhuệ", Phú "Lê”..., nhưng việc xử lý như vậy vẫn chưa đủ tính răn đe.

Bên cạnh đó, các độc giả Báo CATP cũng đặt vấn đề làm sao xây dựng được một không gian mạng sạch, lành mạnh, loại bỏ được các thông tin theo kiểu "thuyết âm mưu", khiến người xem nửa tin nửa ngờ, rất nguy hiểm, đặc biệt trong đời sống chính trị xã hội có độ mở rộng như hiện nay.

Vlogger "trắng" giàu có bền vững

Không thể cấm tuyệt đối hoặc hạn chế được các Vlog "đen". Để cân bằng hoặc thậm chí lấn át những Vlog tiêu cực, hãy ủng hộ các Vlogger "trắng". Tuy nhiên quá trình trở thành 1 Vlogger có tầm vóc, văn hóa, hữu ích, lại kiếm được nhiều tiền cũng rất gian nan và không thể nhanh được, nhưng phần thưởng rất xứng đáng, một khi kênh Vlog đã định hình trong lòng người xem nhờ chất lượng nội dung thì Vlogger có thể kiếm được vài chục triệu USD mỗi năm. Điều đáng nói hơn, nguồn thu nhập này mang tính ổn định và bền vững vì kho nội dung video luôn được nhiều người tìm xem, kể cả nội dung xuất bản đã lâu.

Mỗi năm kiếm 28 tỷ đồng, kênh YouTube của MC Trấn Thành vừa đạt kỷ lục "khủng"

Không phải ngẫu nhiên YouTube dùng thuật ngữ "nhà sáng tạo nội dung" (content creator) để gọi những người tham gia làm video đưa lên MXH này. Chữ "sáng tạo" cho thấy YouTuber đã đầu tư công sức, chất xám để tạo ra nội dung có chất lượng cao.

Trong khoảng 5 năm gần đây, trên thế giới có khá nhiều kênh YouTube nổi tiếng với thu nhập hàng chục triệu USD mỗi năm. Báo chí thế giới cũng bắt đầu dùng thuật ngữ "YouTube Stars" - ngôi sao YouTube với hàm ý so sánh các Vlogger này về độ nổi tiếng và giàu có như những ngôi sao trong các lĩnh vực nghệ thuật khác. Ngoài quảng cáo trên YouTube, nhiều "nhà sáng tạo nội dung" còn có doanh thu từ các hợp đồng (HĐ) ký riêng với những thương hiệu nổi tiếng.

Phần thưởng mà các ngôi sao YouTube nhận được rất xứng đáng với công sức đầu tư họ đã bỏ ra.

Theo Tạp chí Forbes, ước tính trong năm 2020, top 10 ngôi sao YouTube tính trên quy mô toàn cầu đã kiếm được 200 triệu USD, tăng 30% so với năm 2019. Thu nhập của hầu hết YouTuber trong năm ngoái đều đến từ doanh thu quảng cáo, phần lớn video kiếm được nhiều tiền đều có chủ đề giải trí, sử dụng tiếng Anh với độ dài trên 8 phút.

Danh sách Top 5 ngôi sao YouTube kiếm nhiều tiền nhất năm 2020:

1. Ryan Kaji, thu nhập 29,5 triệu USD, tổng lượt đăng ký: 41,7 triệu, tổng lượt xem: 12,2 tỉ. YouTuber này mới 9 tuổi và năm nay tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trong bảng xếp hạng YouTuber kiếm nhiều tiền nhất. Tháng 11 vừa rồi, Kaji đã trở thành YouTuber đầu tiên có hình của bản thân trong cuộc diễu hành bóng bay khổng lồ nhân ngày Lễ tạ ơn. Video nổi tiếng nhất của cậu là Huge Eggs Surprise Toys Challenge với hơn 2 tỉ lượt xem, trở thành 1 trong 60 video được xem nhiều nhất từ trước đến nay trên YouTube.

Ngoài các video "đập hộp" đánh giá đồ chơi, kênh YouTube của Kaji còn có các nội dung về thí nghiệm khoa học tự làm, giờ kể chuyện của gia đình. Tuy nhiên, phần lớn doanh thu của cậu đến từ các hợp đồng cấp phép cho hơn 5.000 sản phẩm khác nhau, từ vật dụng trang trí phòng ngủ tới mặt nạ, bộ đàm của nhân vật hoạt hình. Kaji cũng đã ký HĐ với kênh truyền hình dành cho trẻ em Nickelodeon sản xuất loạt phim mang tên Ryan,s Mystery Playdate.

2. Mr. Beast (Jimmy Donaldson) có thu nhập 24 triệu USD, tổng lượt đăng ký: 47,8 triệu, tổng lượt xem: 3 tỉ. Donaldson là YouTuber mới nổi trong danh sách của Forbes. Các video của anh là sự pha trộn giữa những pha làm trò nguy hiểm, tốn kém và hài hước. Đoạn video nổ 180kg pháo hoa trị giá 160.000 USD của anh được xem gần 60 triệu lần. Kênh YouTube của Donaldson cũng có các HĐ quảng cáo cho các thương hiệu Microsoft, Electronic Arts and Honey.

3. Dude Perfect, thu nhập 23 triệu USD, tổng lượt đăng ký: 57,5 triệu, tổng lượt xem: 2,77 tỉ. Đây là nhóm 5 người bạn gắn bó với nhau từ thời trung học, bao gồm cặp sinh đôi Coby - Cory Cotton, Garrett Hilbert, Cody Jones và Tyler Toney. Các pha biểu diễn ấn tượng trên YouTube của nhóm đã tạo tiền đề giúp Dude Perfect thực hiện chuyến lưu diễn dọc nước Mỹ đầu tiên, qua đó thu về khoảng 6 triệu USD. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Dude Perfect đã dùng kênh YouTube của mình để tổ chức cuộc thi bóng rổ và khúc côn cầu trên xe lăn để quyên góp tiền cho Hội chữ thập đỏ và Feeding America.

4. Rhett and Link, thu nhập: 20 triệu USD, tổng lượt đăng ký: 41,8 triệu, tổng lượt xem: 1,9 tỉ. Đây là 2 trong số những ngôi sao kỳ cựu nhất trên YouTube. Họ bắt đầu sản xuất Chương trình hài Good Mythical Morning từ năm 2012. Rhett (tên thật Rhett James McLaughlin, 43 tuổi) và Link (Charles Lincoln III, 42 tuổi) gần đây đã chi 10 triệu USD để mua lại kênh Smosh - một kênh YouTube chuyên về hài kịch phác thảo. Với thương vụ này, Mythical Entertainment hiện có hơn 100 nhân viên và mang lại doanh thu ước tính khoảng 11 triệu USD từ quảng cáo trên YouTube. Good Mythical Morning cũng sở hữu 1 câu lạc bộ người hâm mộ đông đảo với mức phí hàng tháng từ 10 - 20 USD cho quyền truy cập các nội dung độc quyền.

5. Markiplier (Mark Fischbach, 31 tuổi), thu nhập 19,5 triệu USD, tổng lượt đăng ký: 27,8 triệu, tổng lượt xem: 3,1 tỉ. Kênh Markiplier có mặt trên YouTube được 8 năm, chuyên đăng các video phân tích trò chơi điện tử phổ biến. Năm qua, Mark Fischbach đã hợp tác với game thủ Ethan thành lập kênh mới - Unus Annus. Trên đó, hai người sản xuất các Vlog hài hước mang tính giải trí, mang về 4,5 triệu lượt đăng ký cùng hơn 1 tỉ lượt xem.

Trong năm qua, Unus Annus đăng video mỗi ngày, sau đó bất ngờ thông báo sẽ xóa hoàn toàn kênh. Khi tập cuối cùng của bộ đôi phát trực tiếp trên YouTube tháng trước đã thu hút hơn 1,5 triệu người theo dõi, xấp xỉ số người xem 1 trận bóng chày vào tối chủ nhật trên kênh truyền hình ở Mỹ.

P.V

Bài cuối: Làm sao bảo vệ trẻ khỏi bị nội dung
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang