Đồng Tháp:

Giám đốc và phó giám đốc sở bị kỷ luật vì nhiều tài sản “đắp chiếu”

Thứ Sáu, 19/03/2021 08:43  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đồng Tháp được đầu tư ngân sách hàng chục tỷ đồng để mua sắm nhiều tài sản, trang thiết bị, nhưng sau thời gian dài không được đưa vào sử dụng.

Ngoài ra trong các dự án triển khai, đơn vị này thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến giá cả chênh lệch với thị trường cả tỷ đồng. Không những thế, còn cho nhiều đơn vị, cá nhân tạm ứng số tiền lớn và đến nay vẫn chưa thu hồi xong.

Hàng loạt vi phạm

Theo thông báo kết luận của Thanh tra tỉnh Đồng Tháp, công tác quản lý nhà nước của Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp chưa thực hiện công khai, minh bạch dự toán năm 2019, chưa đúng quy định. Thu, chi nguồn kinh phí tại thời điểm kiểm tra quỹ tiền mặt trên sổ sách kế toán và thủ quỹ, nguồn kinh phí địa phương âm hơn 202 triệu đồng. Số nợ tạm ứng kéo dài từ năm 2003 đến ngày 30-3-2020 là hơn 2,4 tỷ đồng. Các cá nhân còn nợ tạm ứng số tiền hơn 429 triệu đồng.

Việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án sở chi cho một số cá nhân trong đơn vị, số tiền hơn 39,5 triệu đồng là vi phạm theo quy định. Công trình cải tạo khu tượng đài và phòng truyền thống thuộc Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh còn một số vi phạm như: không thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện, không lập báo cáo về công tác giám sát thi công xây dựng công trình, chậm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.

Dự án mua sắm máy móc, thiết bị Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp (gồm gói thầu số 01 và số 02), chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chưa thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng công trình và thi công theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Cụ thể là đơn vị thi công không có tài liệu chứng minh về tính hợp lệ của thiết bị, hàng hóa…

Chủ đầu tư không thành lập đoàn khảo sát thực tế về nhu cầu sử dụng nên hầu hết các thiết bị do đơn vị thi công, cung cấp, lắp đặt vào công trình đều được bảo quản trong kho, chưa có nhu cầu sử dụng. Công tác kiểm tra thiếu chặt chẽ dự toán gói thầu trước khi phê duyệt nên quyết định phê duyệt giá gói thầu có giá trị cao hơn giá thực tế trên thị trường với số tiền hơn 785,8 triệu đồng.

Công trình Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh với hạng mục lắp đặt hệ thống đèn led chiếu sáng 2 khu Tượng đài và Hồ sen, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chưa thực hiện đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, đơn vị thi công không đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động xây dựng, chủ đầu tư nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu. Chủ đầu tư lựa chọn các đèn pha led công suất 16W, 20W của Công ty Trách nhiệm hữu hạn nghệ thuật nước Đại Phát Đạt để lắp đặt vào công trình, sản phẩm chưa đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chất lượng. Đồng thời thẩm định giá các sản phẩm trúng thầu cao hơn so với các sản phẩm cùng loại, cùng công suất và thông số kỹ thuật trên thị trường, với tổng số tiền 201 triệu đồng, chưa đúng các quy định.

Việc quản lý, sử dụng tài sản giao từ năm 2017 đến nay của 4 đơn vị trực thuộc sở gồm các trường: Trung cấp Tháp Mười, Trung cấp Thanh Bình, Trung cấp Hồng Ngự và Trung tâm bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh chưa căn cứ vào các điều kiện cần thiết để lắp đặt, vận hành kèm theo, với tổng số tiền trên 16,9 tỷ đồng, dẫn đến đầu tư chưa mang lại hiệu quả cao, chưa đúng quy định.

Cụ thể giai đoạn 2017-2020, sở được đầu tư ngân sách để mua 267 loại tài sản, với nguyên giá là hơn 44 tỷ đồng. Tuy nhiên vào thời điểm thanh tra, có đến 164 loại tài sản chưa được đưa vào sử dụng (nguyên giá là 16,9 tỷ đồng).

Theo đó, tại Trường Trung cấp Tháp Mười có 12 loại tài sản chưa đưa vào sử dụng (nguyên giá là 460,5 triệu đồng), bao gồm: đầu phân đội vạn năng, máy may công nghiệp (15 cái), thiết bị mạng (2 bộ)... Trường Trung cấp Thanh Bình với 94 loại tài sản chưa đưa vào sử dụng (nguyên giá 1,91 tỷ đồng). Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp với 47 loại tài sản chưa sử dụng (nguyên giá 4,09 tỷ đồng) và các trang thiết bị thuộc dự án Hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn chưa được lắp ráp, vận hành (nguyên giá 10,4 tỷ đồng).

Thanh tra tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bùi Thành Nhơn và Phó giám đốc Lê Thị Hoa Nàng chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về quản lý, điều hành, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm máy móc, trang thiết bị và Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Công tác lãnh đạo, điều hành chưa chặt chẽ, đồng bộ và thiếu đôn đốc, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc, dẫn đến không kịp thời phát hiện để chấn chỉnh những sơ hở trong hoạt động chuyên môn…

Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp – nơi có nhiều tài sản tiền tỷ mua xong chưa đưa vào sử dụng.

Nợ chậm thu hồi

Trước việc chưa thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, việc công khai, minh bạch tài chính, quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị và nợ tạm ứng kéo dài, dẫn đến những sai sót, hạn chế mà Thanh tra chỉ ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định kỷ luật ông Bùi Thành Nhơn – Giám đốc Sở Sở LĐ-TB&XH với hình thức cảnh cáo.

Còn bà Lê Thị Hoa Nàng - Phó giám đốc Sở bị kỷ luật với hình thức khiển trách do chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công phụ trách: quản lý tài chính, ký hồ sơ, thủ tục thanh toán đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm máy móc, trang thiết bị và nợ tiền tạm ứng, dẫn đến những sai sót, hạn chế.

Đến tháng 2-2021, ông Bùi Thành Nhơn đã có báo cáo UBND tỉnh Đồng Tháp việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Đồng Tháp về việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hoạt động và các Quỹ tại đơn vị. Theo đó, về xử lý nợ tạm ứng, đã thực hiện thu hồi được hơn 269 triệu đồng, chưa thu hồi được số tiền hơn 159 triệu đồng.

Đối với 2 hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, 3 máy giặt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp, sở đã phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp về việc điều chuyển toàn bộ các thiết bị sang các cơ sở y tế để bố trí sử dụng, khai thác hết công suất, có hiệu quả theo chỉ đạo.

Tuy nhiên, Sở Y tế cho biết các cơ sở y tế không có nhu cầu sử dụng đối với hệ thống xử lý nước thải công suất 150m3/ngày/đêm và lò đốt rác ngoại nhập công suất 30-40 kg/giờ, cùng phụ kiện lò đốt; chỉ có Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh có nhu cầu 1 máy giặt công nghiệp.

Từ đó, Sở Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp cho ý kiến chỉ đạo đối với các máy thiết bị chưa xử lý được gồm: hệ thống xử lý nước thải công suất 150m3/ngày/đêm, lò đốt rác ngoại nhập công suất 30-40kg/giờ, cùng phụ kiện lò đốt và 2 máy giặt. Hệ thống đèn led chiếu sáng 2 khu Tượng đài và Hồ sen – Nghĩa trang liệt sĩ không thực các bước kiểm định chất lượng sản phẩm theo kết luận thanh tra…

Ngày 18-3, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp xác nhận, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa thông qua hình thức xử lý về mặt Đảng đối với ông Bùi Thành Nhơn và bà Lê Thị Hoa Nàng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang