Điên đảo vì mạng ảo

Thứ Hai, 21/09/2020 16:33

|

(CATP) Tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin (CNTT) kéo cuộc sống con người gắn liền với không gian mạng, tạo điều kiện để mạng xã hội (MXH) và các nền tảng giao tiếp thông tin trực tuyến lên ngôi. 

Tuy MXH là ảo, nhưng hành vi chia sẻ, bộc lộ thái độ, chính kiến của người dùng là thật. Đi kèm với đó là tình trạng tin “bẩn”, những chiêu trò hạ bệ, công kích cá nhân, “ném đá” tập thể khiến nạn nhân vô tình rơi vào vòng xoáy thị phi.

Khi mạng ảo hóa… gươm dao

Đến giờ, chị Trần Ý Linh (24 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) vẫn chưa hết bàng hoàng về mức độ kinh khủng mà mình phải nhận lấy từ MXH mà chị vướng phải cách đây không lâu. Chị Linh kể lại, giữa năm 2019, chị vô tình bị hàng trăm tài khoản facebook công kích mà không rõ lý do. Thậm chí, hình ảnh cá nhân của chị gắn liền với gia đình cũng bị đưa lên các hội nhóm công khai để giễu cợt.

Quá hoảng loạn, chị Linh chỉ còn cách cầu cứu người thân để tìm hiểu rõ sự việc. Theo đó, ngày 28-7, trên MXH lan truyền video ghi lại hình ảnh một cô gái có lời qua tiếng lại với một nhân viên giao hàng. Ngay lập tức, cư dân mạng nhanh chóng truy tìm tung tích của cô gái nói trên. Tuy nhiên, lần này các “thám tử” online lại tìm nhầm nhân vật xuất hiện trong video clip. Nguyên nhân dẫn đến vụ lùm xùm này đến từ việc chị Linh và cô gái trong clip có nét tương đồng về ngoại hình!

Hậu quả là hàng trăm ngàn lượt bình luận khiếm nhã nhắm đến Ý Linh, gia đình và bạn bè của cô gái trẻ này. Sự việc chỉ được giải quyết ổn thỏa khi cơ quan điều tra vào cuộc. Tuy vậy, vụ việc vẫn chưa được “hạ hỏa” khi lâu lâu lại có người sử dụng lại thông tin này và đăng tải lên MXH nhằm… “câu like”.

“Thời điểm vụ việc xảy ra, mình cảm giác rất căng thẳng và thậm chí không dám ra khỏi nhà vì sợ bị người lạ mặt tấn công. Dù đến thời điểm hiện tại vụ việc đã được giải quyết, nhưng những dư chấn từ vụ việc đem lại vẫn còn ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống và công việc của mình” – chị Linh tâm sự.

Nguồn cơn của trận đòn mà anh Đoàn Văn T. (30 tuổi, ngụ Tiền Giang) phải hứng chịu đến từ đoạn video clip ghi lại cảnh ông bố này đánh con mình cách đây 2 năm, vô tình bị phát tán trên mạng xã hội (MXH).

Dù người này đã ý thức được hành động sai trái nhưng cư dân mạng lại không chấp nhận, cho là lối hành xử bạo lực và trở thành lý do để 1 nhóm thanh niên tự ý liên kết nhau “đòi lại công bằng” cho đứa trẻ. Hàng chục thanh niên bất ngờ xuất hiện cùng những tiếng hô to: "Bắt được nó rồi anh em ơi!". Giữa vòng vây của đám đông hung hãn là hình ảnh ông bố khốn khổ trước vô vàn lời chửi bới, lăng mạ.

Nhiều người quá khích còn đạp liên tục vào đầu anh. Khuôn mặt đầy vết bầm tím và chiếc miệng ngậm đầy máu là hậu quả mà anh T. phải gánh chịu từ những người xa lạ. Thậm chí, hình ảnh ông bố này còn được nhóm người trên ghi hình, chia sẻ trực tiếp lên Facebook...

Một bộ phận thanh thiếu niên khi xem những hình ảnh ám ảnh này đều tỏ ra hả hê, mong những “anh hùng mạng” có thể biến thành những “quan tòa” để đưa ra các hình phạt thích đang dành cho người đàn ông nói trên!

Hình ảnh anh T. bị nhóm người lạ mặt tấn công vì bạo hành con gái

Cách đó không lâu, ông chủ của một quán nướng ở TP.Bắc Ninh (Bắc Ninh) đã bị cơ quan CSĐT Công an TP.Bắc Ninh khởi tố về tội danh “làm nhục người khác” do bắt nữ khách hàng quỳ gối xin lỗi sau khi người này “bóc phốt” đồ ăn trong quán có sán. Vụ việc xảy ra khiến dư luận một phen sục sôi bởi tính chất côn đồ của vị chủ quán trên.

Trong diễn biến được các nhân viên trong quán quay lại, vị chủ quán đã yêu cầu khách nữ đã quay video clip phản ánh đồ ăn của quán cung cấp có sán phải quỳ gối xin lỗi.

Người này cho rằng thông tin mà cô gái cung cấp là không chính xác và y có nhiệm vụ yêu cầu vị khách nữ phải quỳ gối nhận lỗi. Hành vi “tuyên án” mà vị chủ quán nướng ở TP.Bắc Ninh dành cho “thượng đế” của mình ngay sau đó đã bị pháp luật trừng trị nghiêm minh.

Chủ quán nướng bắt thực khách quỳ gối xin lỗi

Đằng sau vụ việc này đã để lại cho cộng đồng dư luận nhiều lo lắng về hành vi côn đồ và cách giải quyết vụ việc không theo một quy tắc pháp luật nào đến từ người dân trong thời điểm MXH đang cực kỳ thịnh hành. Cách hành xử theo lối phá vỡ các quy tắc pháp luật đang trở thành thói quen được nhiều người dùng mạng lựa chọn.

Tình trạng sử dụng sức ảnh hưởng của bản thân trên không gian mạng nhằm dẫn dắt dư luận, hướng đến cái nhìn tiêu cực tới một cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, trong khi chưa có đầy đủ chứng cứ xác thực cũng giống như hình thức “tuyên án”… không cáo trạng

Văn hóa mạng lệch chuẩn

Streamer chưa được xem là một nghề chính thức ở Việt Nam, nhưng đã và đang trở thành mảnh đất màu mỡ, trở thành kế sinh nhai dành cho nhiều bạn trẻ đam mê công việc nói chuyện, giao lưu qua MXH.

Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, các streamer đang dần trở thành những “thần tượng” cho đông đảo giới trẻ tại Việt Nam. Có người còn trở thành hình mẫu, chân lý sống để các bạn nhỏ học tập và bắt chước theo. Điều này đặt ra bài toán về định hướng văn hóa cho giới trẻ hiện nay.

Đi đôi với những giá trị tốt đẹp mà một số streamer mang lại thì có hàng trăm kênh youtube vẫn ngày ngày đăng tải những video nội dung tục tĩu, phát ngôn sặc mùi bạo lực dù chủ kênh đã kỹ lưỡng gắn mác… “chỉ dành cho người trên 18 tuổi”!

Chị Vương Thu Ngọc (32 tuổi, ngụ Q9) than phiền: “Cứ học bài xong là 2 đứa nhỏ nhà tôi lại cắm đầu vào xem các video trên mạng. Có lần tôi phát hiện nội dung trong video sặc mùi bạo lực, nhân vật trò chuyện trong clip thì văng tục không ngại miệng”.

Lý giải nguyên nhân này, chuyên gia tâm lý Lý Nhật Trung cho rằng, tâm lý các bạn nhỏ thường sẽ bị gò bó, không được thực hiện nhiều các hoạt động, các công việc mà mình thích nên thấy được bất kỳ ai có thể thay mình làm điều đó, các bạn sẽ lập tức xem đó là thần tượng, bày tỏ sự ngưỡng mộ.

“Sức ảnh hưởng của các nhân vật trên MXH sẽ được tăng cao do có nhiều người theo dõi. Lợi dụng sức ảnh hưởng trên không gian mạng, nhiều người sẽ sử dụng để thực hiện các hành vi không hay, chuyên gia Lý Nhật Trung nói.

Bà Hoàng Thị Anh Thư, Phó Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Khi đã lan truyền các video trên mạng xã hội thì đó đều là thông tin chung, ai cũng có thể vào xem được.

Và nếu sử dụng thường xuyên những lời nói dung tục trong video thì được xem là hành động không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, và đó cũng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Cụ thể tại Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có quy định, cấm “Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc”.
Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết, Đoàn Luật sư TPHCM

Các hành vi như chửi bậy, xúc phạm người khác ngay cả trên không gian mạng đều được xem là hành vi vi phạm phát luật với mức xử lý phạt tiền từ 10 cho đến 20 triệu đồng. Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Trong trường hợp người bị xúc phạm chứng minh những hành động của người khác đã xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm làm ảnh hưởng đến công việc của mình, gây thiệt hại về vật chất, tinh thần thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người” khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Bình luận (0)

Lên đầu trang