Nhiệm vụ thầm lặng của người lính cảnh vệ

Thứ Bảy, 19/09/2020 10:10  | An Hoà

|

(CATP) Với người lính cảnh vệ, chỉ đến khi máy bay chở các nguyên thủ nước ngoài cất cánh khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài thì họ mới hoàn thành nhiệm vụ trọng rách nặng nề mà cấp trên giao phó. Công việc đảm bảo an ninh cho các vị lãnh đạo quốc tế luôn rất cam go và thử thách.

MẬT VỤ MỸ PHẢI THÁN PHỤC

Tổng thống Mỹ Obama có chuyến thăm chính thức Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong 3 ngày (23 đến 25-5-2016). Ông là vị tổng thống đương nhiệm thứ ba của Hoa Kỳ, sau Bill Clinton (2000) và George W. Bush (2006), tới thăm Việt Nam kể từ năm 1975 đến nay. Nhiệm vụ bảo vệ chính nguyên thủ nước bạn được giao cho trung tá Nguyễn Hữu Liệu (nay là thượng tá) - Phó trưởng phòng Cảnh vệ miền Nam.

Để bảo vệ an toàn cho người đứng đầu nước Mỹ, Nhà Trắng đưa đoàn tùy tùng lên tới 800 người. Tại TPHCM, chiều 24-5, trước thời điểm Tổng thống Obama xuất hiện, lực lượng an ninh Mỹ có mặt từ trước nhiều giờ ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Nước Mỹ có 2 chiếc Air Force One phục vụ tổng thống, được trang bị tương đương và giống nhau như hai giọt nước. Khác biệt duy nhất có thể nhận thấy bằng mắt là phần số hiệu trên đuôi máy bay, một chiếc là 28000 và chiếc kia là 29000.

Cảnh vệ kiểm tra an ninh tại Hội nghị APEC 2017

Cũng giống các chuyến công du khác của Tổng thống Mỹ, luôn có 2 chiếc ôtô The Beast đi cùng nhau. Một để chở tổng thống, một có nhiệm vụ dự phòng hoặc đánh lạc hướng. Cả hai xe đều mang biển số 800=002. Có khoảng 12 chiếc The Beast được sử dụng trong thực tế. Chiếc xe bọc thép này do Tập đoàn xe hơi Mỹ General Motors chế tạo, dưới sự giám sát của cơ quan mật vụ. Xe có 7 chỗ, Tổng thống thường ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Hàng đầu gồm tài xế và mật vụ bảo vệ Tổng thống. Phía sau ngoài ghế cho Tổng thống còn có ghế phụ.

Chiều 24-5, từ sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng thống Mỹ ghé thăm chùa Ngọc Hoàng (Q1). Mật vụ Mỹ không yên tâm khi đây là khu vực đông dân cư. Đoàn xe chạy thẳng vào trong sân chùa, có 15 phút tại đây người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ đã cùng đoàn tùy tùng về nghỉ tại khách sạn (KS) Intercontinental, đường Hai Bà Trưng, Q1. Một lần nữa, cảnh vệ nước ta khẳng định sự an toàn và hoàn thành nhiệm vụ, được phía Mỹ đánh giá cao.

Trước đây, Tổng thống Mỹ hay nghỉ tại KS New Word do tập đoàn Mariott (Mỹ) quản lý. Lúc này, trung tá Nguyễn Hữu Liệu (nay là thượng tá) phụ trách điểm đón này. Cuối chiều, trước khi đoàn xe đến đây, người dân hiếu kỳ đứng chật kín hai bên đường, thậm chí ào xuống lòng đường. Mật vụ Mỹ rất lo lắng vì người dân sẽ áp sát xe chở nguyên thủ của họ.

Tuy nhiên, cảnh vệ chúng ta khẳng định: "Các ngài cứ yên tâm, 15 phút trước khi đoàn xe tổng thống tới, toàn bộ khu vực này sẽ rất trật tự, người dân sẽ đứng gọn hai bên đường!". Ngay lập tức, CSGT và Cảnh sát cơ động của CATP có mặt thực hiện nhiệm vụ.

Cảnh vệ Việt Nam (bìa trái) đứng cạnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Cà Mau

Phía tiền sảnh KS, khoảng 30 chó nghiệp vụ được mật vụ Mỹ đưa đến để đảm bảo an ninh khu vực này. Chúng được thả ra để kiểm tra bom, chất nổ nhằm bảo vệ an toàn cho Tổng thống. Chiều tối, đoàn xe của Tổng thống đi về hướng KS. Lực lượng của công an Việt Nam và mật vụ Mỹ bố trí dày đặc. Hai xe "quái thú” của Tổng thống chạy thẳng vào lối riêng, ngay lập tức mật vụ Mỹ dùng tấm chắn để quây lại.

Lần đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào ngày 13-1-2017 cũng để lại nhiều kỷ niệm với người lính cảnh vệ Việt Nam. Chiều cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có buổi nói chuyện với sinh viên, thanh niên của chương trình "Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á" tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM.

Ngoại trưởng Kerry đã có buổi trò chuyện 40 phút để phát biểu về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tối hốm đó, Thành ủy TPHCM tiếp ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại hội trường Thống Nhất trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Hôm sau, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đáp máy bay đi thăm tỉnh Cà Mau. Trung tá Liệu cũng có mặt trên máy bay này để đảm bảo an toàn cho ông. Tại cực nam tổ quốc, vị Ngoại trưởng đã gặp các chuyên gia về môi trường, thảo luận cách thức Mỹ có thể hợp tác với Việt Nam để phát triển năng lượng sạch và hạ tầng bền vững, quản lý hiệu quả nguồn nước và quản lý nguyên hệ sinh thái. Về nước, thông qua Tổng lãnh sự quán Mỹ, vị Ngoại trưởng đã gửi hình và thư cảm ơn tới người sỹ quan cảnh vệ theo sát ông trong suốt quá trình làm việc.

Khó khăn cho cảnh vệ nước ta là mật vụ Mỹ giữ kín các điểm đến, chỉ báo cho chúng ta trước 30 phút. Phía Mỹ còn kĩ lưỡng đến mức độ, báo 2-3 địa điểm mà ngoại trưởng của họ sẽ đến. Tại tất cả các vị trí này, Cảnh vệ Việt Nam cùng các lực lượng khác của Công an TPHCM đã bố trí tất cả nhân sự, phương án và đảm bảo an toàn.

NHẦM LÀ NGƯỜI... NƯỚC NGOÀI

Dịp lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015) đã diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (BTLCV) được cấp trên giao trọng trách là cơ quan thường trực để đảm bảo an toàn cho nguyên thủ các nước bạn. Cùng với CATP, BTLCV đã không để xảy ra bất cứ sự cố nào.

Thiếu tá Bùi Văn Sung (áo trắng) chạy bộ cùng hai mật vụ bảo vệ Thủ tướng Canada Trudeau

Tham dự lễ kỷ niệm ngoài các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước còn có các đoàn khách quốc tế cấp cao. Trung tá Liệu khi đó là Đội phó Đội bảo vệ khách quốc tế, được phân công bảo vệ ông Raúl Modesto Castro Ruz, Trưởng đoàn Cuba. Ông là em trai, cũng vừa là người bạn chiến đấu từ những ngày đầu của Cách mạng Cuba cùng với Chủ tịch Cuba Fidel Castro

Thấy trung tá Liệu nước da ngăm đen giống mình, lãnh tụ Cuba nói vui: "Mình là đồng hương". Tại sân bay Tân Sơn Nhất, trung tá Liệu mặc áo vest đen và cao to, lại ngồi chung với an ninh Cuba, an ninh sân bay của chúng ta nhầm là người của nước bạn nên hỏi bằng... tiếng Anh. Trong 2 ngày đó, lãnh tụ nước bạn ở tại KS Sofitel. Cảnh vệ Việt Nam phối hợp với CATP đảm bảo an toàn trong suốt quá trình đón từ sân bay và tiễn về nước.

Hội nghị APEC Việt Nam 2017 là loạt hội nghị trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ đầu tháng 12-2016 đến tháng 11-2017 tại Đà Nẵng và các thành phố lớn khác như: Hà Nội, Nha Trang, Vinh, Ninh Bình, Hạ Long (Quảng Ninh), Huế, Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh, Hội An (Quảng Nam) với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung".

Đỉnh điểm của sự kiện này là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (hay Hội nghị Cấp cao APEC), diễn ra trong 2 ngày 10 và 11-11 ở Đà Nẵng. Đây là lần thứ hai Việt Nam là chủ nhà APEC và tổ chức Hội nghị này, lần đầu vào 2006 tại Hà Nội. Có 24 chuyên cơ chở lãnh đạo các nước đến sân bay Đà Nẵng, gồm Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng nhiều nước...

Cùng với BTLCV từ Hà Nội vào, Phòng Cảnh vệ miền Nam cũng được tăng cường ra miền Trung. Trong các cuộc gặp thượng đỉnh song phương hay đa phương, đại biểu các nước thường họp rất trễ, tới tận 1-2 giờ sáng hôm sau. Hội nghị thì ở nhiều địa điểm khác nhau nên CBCS cảnh vệ phải chia nhau cơm hộp, bánh mì và thay phiên bảo vệ 2 ca/ngày.

KẾ HOẠCH NGOÀI DỰ KIẾN

Thiếu tá Bùi Văn Sung, hiện là Phó đội trưởng Đội Bảo vệ lãnh đạo trong nước nhớ lại lần bảo vệ Thủ tướng Canada Justin Trudeau sang nước ta, vào tháng 11-2017. Chiều 9-11-2017, sau khi kết thúc cuộc trò chuyện với các sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, đoàn xe của Thủ tướng Canada Trudeau chạy về trung tâm TPHCM. Đoàn xe dừng tại góc đường Trương Định - Lê Thánh Tôn, Q1.

Đoàn xe chở Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam

Thủ tướng Canada Trudeau đi dạo một đoạn ngắn trên đường Lê Thánh Tôn và ghé vào một quán cà phê nhỏ gần ngã tư Lê Thánh Tôn - Lê Anh Xuân. Ông đã gọi 2 ly cà phê phin rồi cùng uống và trò chuyện với ông Nguyễn Công Hiệp, một nhân viên lâu năm của Tổng lãnh sự quán Canada tại TPHCM, trong 10 phút. Ông Hiệp làm lái xe từ những ngày đầu cơ quan đại diện ngoại giao Canada thành lập.

"Sau khi uống cà phê xong, tôi ngồi trên xe của Thủ tướng nước bạn, trực chỉ khách sạn Park Hyatt (số 2 công trường Lam Sơn, Q1). Đoàn của ông Justin Trudeau bước lên trên rồi dứt cơn mưa, họ đề nghị chạy về hướng bờ kênh để Thủ tướng... chạy bộ. Vị lãnh đạo nước bạn có thói quen chạy cả chục km một ngày" - người sĩ quan bảo vệ có thâm niên hơn 20 năm nhớ lại.

Thủ tướng Trudeau và các cận vệ đột nhiên chạy bộ dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bắt đầu hành trình từ cầu Thị Nghè, Q1. Tại đây, Thủ tướng nước bạn mở cửa xe, xuống chạy bộ cùng hai mật vụ, thiếu tá Sung lập tức bám theo. Ngoài lực lượng của CATP bảo vệ dọc tuyến, mật vụ nước bạn cùng cắt cử 2 người "kè” xe đạp xung quanh.

Chạy dọc theo đường Hoàng Sa đến cầu Lê Văn Sỹ, Q3, "ông Thủ tướng băng qua cầu Lê Văn Sỹ và chạy 100m trên đường Trường Sa rồi lên xe rời đi. Việc này phát sinh ngoài kế hoạch của lực lượng cảnh vệ. Người cảnh vệ phải có đủ thể lực để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lãnh đạo nước bạn.

Đến nay, lực lượng cảnh vệ trong công tác chưa bao giờ phải sử dụng đến súng vì biết dựa vào sức mạnh của nhân dân. Luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đối với lực lượng cảnh vệ (nhân hội nghị tổng kết tháng 2-1962), người lính cảnh vệ luôn "phải biết đánh địch, phải biết võ giỏi, phải khỏe, phải bắn súng giỏi và còn phải có kỹ thuật, phải biết giữ bí mật...".

Bình luận (0)

Lên đầu trang