Huyện Phú Quốc: Biến đất hẻm chung thành "của riêng"?

Thứ Tư, 01/07/2020 16:16  | Mỹ Thanh

|

(CATP) Mong muốn được làm con đường dân sinh bằng phẳng, sạch sẽ với chiều ngang 3m, dài 200m của 12 hộ dân thuộc tổ 10, khu phố 6, TT.An Thới, huyện Phú Quốc, để thuận tiện việc đi lại cho bà con bỗng chốc trở nên nan giải, khi một hộ dân đầu hẻm tìm cách ngăn cản. Không còn cách nào khác, họ đành làm đơn khiếu nại tập thể gởi đến chính quyền địa phương yêu cầu được làm rõ.

Trong đơn khiếu nại gởi cho Tòa soạn Báo Công an TPHCM, các hộ dân bức xúc cho biết: con hẻm dân sinh 3m này đã có từ lâu trong sơ đồ địa chính, sơ đồ 15. Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được UBND huyện Phú Quốc cấp cho các hộ dân ở khu vực thì con hẻm 3m cũng được thể hiện rất rõ. Đây chính là lối đi chính của bà con khi đổ ra mặt đường Cáp Treo (đường Đất đỏ cũ).

Từ nhiều năm nay, do không được bê-tông hóa nên con hẻm lầy lội, nhếch nhác, do nước hai bên chảy ra gây mất vệ sinh môi trường. Trẻ em, người già đi lại khó khăn, có nhiều trường hợp còn bị vấp ngã. Hơn nữa, với tình trạng chung như vậy thì bà con rất bất an nếu như có hỏa hoạn xảy ra sẽ không kịp ứng phó.

Điều khiến 12 hộ dân "ăn không ngon, ngủ không yên" đó là căn nhà đầu hẻm của bà Nguyễn Thị Gái. Bà Gái cho xây dựng một số căn nhà trọ tạm nằm cặp hẻm nhưng lại không đảm bảo vệ sinh khi hàng ngày xả nước dơ bẩn chảy lênh láng cả con hẻm. Người dân đến góp ý đều nhận thái độ khó chịu, bất hợp tác.

Không những thế, thời gian trước, gia đình bà Gái còn làm hàng rào chắn đầu hẻm để chặn đường không cho xe ra vào chở đồ đạc của người dân hoặc có ý ngăn cản việc đổ đất xà bần chống trơn trượt của các hộ bên trong. Người dân phải sống trong khổ sở suốt nhiều năm nay.

Con hẻm lầy lội, nhếch nhác gây khổ sở cho cư dân tại khu vực

Khi Chính phủ có chủ trương xây dựng "Nông thôn mới" thể theo nguyện vọng của nhân dân, từ năm 2018, bà con trong hẻm đã đồng tình làm đơn xin bê-tông hóa đường hẻm đất dân sinh nói trên.

UBND thị trấn An Thới, UBND huyện Phú Quốc đã cử cán bộ khảo sát, lập dự án duyệt cấp kinh phí 50%, còn dân đóng góp 50% với tổng số tiền hơn 132 triệu đồng. Giữa tháng 6-2019, các hộ dân đã phấn khởi nộp tiền vào Kho bạc Ngân sách Nhà nước để chờ ngày khởi công.

Khi công trình đang chuẩn bị thi công thì ông Trung - con trai của bà Gái bỗng dưng xuất hiện làm đơn yêu cầu khu phố và Đảng ủy, UBND thị trấn An Thới không được bê-tông hóa con hẻm dân sinh này. Theo ông Trung, con hẻm này chỉ được làm ngang 1,5m, dài khoảng 50 - 60m vì hiện ông đang yêu cầu chính quyền cấp giấy CNQSDĐ thêm 1,5m đất hẻm vào giấy tờ nhà đất cho mẹ ruột mình.

Ông còn đưa ra quan điểm, nếu các hộ dân muốn làm đường 3m thì phải bồi thường tiền cho gia đình. Từ việc kiện đó, công trình thi công bê-tông con hẻm dân sinh bị gián đoạn cho đến bây giờ khiến người dân sinh sống trong khu vực vô cùng bức xúc.

Khi mọi chuyện còn chưa ngã ngũ thì đầu tháng 5-2020, gia đình bà Gái đã mua cọc bê-tông, lưới kẽm B40 chôn cột rào hẻm lại 1,5m và tự làm bảng hiệu đặt tên hẻm "HẺM ÔNG TRƯƠNG CHO ĐI 1,5M" treo ngay ở đầu hẻm. Đây chính là động thái mới nhất nhằm thông báo với người dân chỉ được đi lối đi 1,5m còn lại. Ngay lập tức, bà con đã trình báo cho khu phố và chính quyền thị trấn.

Gia đình bà Gái đã làm biển báo đặt ngay đầu hẻm

Không lâu sau đó, ông Phan Quốc Thới - Chủ tịch UBND thị trấn An Thới cùng cán bộ địa chính thị trấn và lãnh đạo khu phố 6 đã xuống làm việc với gia đình bà Gái, nhưng cuối cùng lại hẹn sau đại hội Đảng thị trấn sẽ giải quyết.

Bà con trông chờ vào sự quyết liệt của chính quyền địa phương nhưng đến nay đại hội đã xong nhưng vụ việc vẫn "dậm chân tại chỗ". Bảng hiệu cho đi 1,5m và hàng rào chắn giữa hẻm của gia đình bà Gái vẫn còn nằm nguyên đó như một sự thách thức.

Người dân ở đó cho rằng, sở dĩ chính quyền địa phương không cương quyết làm rõ trắng đen là ngại đụng chạm với gia đình cố quan chức địa phương. Điều khiến họ thắc mắc là vì sao gia đình này lại không đi đầu trong các phong trào thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương?

Khi tiếp nhận đơn, chúng tôi đã chủ động gọi điện liên hệ với ông Phan Quốc Thới, để xin xác minh đơn khiếu nại của 12 hộ dân. Sau nhiều cuộc gọi không được phản hồi, phóng viên Báo Công an TPHCM đã nhắn tin về nội dung được làm việc. Sau đó, ông Thới báo đang bận họp rồi cúp máy.

Hơn bất cứ lúc nào, bà con trong hẻm rất mong có được con đường dân sinh bê-tông để thuận tiện đi lại, sinh hoạt, đảm bảo an toàn phòng chữa cháy để ổn định cuộc sống. Thiết nghĩ, UBND huyện Phú Quốc, cao hơn là UBND tỉnh Kiên Giang cần sớm làm rõ vụ việc này để không tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân nơi đây.

Bình luận (0)

Lên đầu trang