5 năm thi hành luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước: Đã chi số tiền bồi thường gần 77 tỷ đồng

Thứ Sáu, 03/11/2023 14:11

|

(CAO) Sau 5 năm triển khai thi hành Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017, các Bộ ngành và địa phương cả nước đã thụ lý, giải quyết 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong đó, có 103 vụ giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật với số tiền bồi thường gần 77 tỷ đồng.

Ngày 3/11, Bộ Tư Pháp tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm triển khai thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 tại TPHCM. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Theo đó, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Sau 5 năm triển khai thi hành, Luật này đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác thực thi công vụ, tạo thuận lợi cho việc giải quyết bồi thường, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại.

Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả 5 năm triển khai thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017”

Đồng thời, đây cũng là công cụ pháp lý hữu hiệu để người bị thiệt hại trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án… khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được hưởng mức bồi thường thích đáng đối với các thiệt hại đã phải chịu.

Ông Nguyễn Văn Bốn – Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư Pháp) cho biết từ khi Luật có hiệu lực ngày 1/7/2018 đến ngày 30/6/2023, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên toàn quốc đã thụ lý, giải quyết 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong đó, số vụ đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là 103 vụ việc (đạt tỷ lệ 61,3%) với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường gần 77 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 22 vụ việc đã đình chỉ và 43 vụ việc đang tiếp tục được giải quyết.

Phân theo lĩnh vực, trong hoạt động quản lý hành chính có 64 vụ việc yêu cầu giải quyết bồi thường Nhà nước đã được thụ ý. Trong đó có 33 vụ việc đã được giải quyết bồi thường với tổng số tiền gần 11,9 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động tố tụng có 79 vụ việc yêu cầu trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Cơ quan chức năng đã giải quyết 58 vụ việc với số tiền bồi thường gần 53,1 tỷ đồng.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, TAND các cấp đã giải quyết 12 vụ việc, trong đó có 8 vụ đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Viện KSND các cấp thụ lý giải quyết 60 vụ việc có yêu cầu trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Có 48 vụ việc đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật với tổng số tiền bồi thường hơn 43,6 tỷ đồng…

Đến ngày 30/6/2023, Bộ Tài Chính đã cấp hơn 66,4 tỷ đồng để các cơ quan thực hiện chi trả bồi thường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Sở Tài chính tại các địa phương đã thực hiện cấp gần 6 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để thực hiện việc chi trả bồi thường cho 13 vụ việc.

Ông Nguyễn Văn Bốn – Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư Pháp) phát biểu tại hội nghị

Về tình hình trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại phải trả lại cho ngân sách nhà nước, các cơ quan trực tiếp quản lý đã xem xét hoàn trả đối với 68/72 vụ việc đã chi trả tiền bồi thường. Trong đó có 14 vụ việc trong lĩnh vực quản lý hành chính; 48 vụ việc trong hoạt động tố tụng hình sự và 6 vụ việc trong hoạt động thi hành án dân sự với số tiền phải hoàn trả gần 868,5 triệu đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cho rằng Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 đã tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và quyền, lợi ích của Nhà nước; từng bước nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thi hành Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước cho thấy các quy định vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số quy định còn chưa rõ ràng, chồng chéo gây khó khăn trong việc áp dụng Luật. Mức thiệt hại được bồi thường theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước còn thấp, chưa bù đắp được thiệt hại thực tế, đặc biệt là thiệt hại về tinh thần trong hoạt động tố tụng…

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao về kết quả quá trình 5 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật thời gian qua và tiếp thu các đề xuất, kiến nghị, giải pháp được nêu lên tại Hội nghị nhằm đưa Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.

“Việc bồi thường cho người bị thiệt hại do hành vi công vụ gây ra thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với người bị thiệt hại, thể hiện tính nhân văn, nhân quyền được đề cao. Ngoài vấn đề vật chất, thì những người bị thiệt hại được bồi thường sẽ giải tỏa được áp lực rất lớn về mặt tinh thần, lấy lại danh dự khi bị người thực thi công vụ vô tình hay hữu ý gây ra thiệt hại cho người dân”, Thứ trưởng Bộ tư Pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang