Đà Nẵng:

Cá chết hàng loạt tại kênh Đa Cô do thiếu ô xi vì ô nhiễm môi trường nước

Thứ Hai, 03/10/2016 17:58  | Xuân Hoài

|

(CAO) Ngày 3-10, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng thành phố cho biết, cá chết ở Kênh Đa Cô ban đầu được xác định là do thiếu ô xy.

“Lượng ô xy đo được tại khu vực cá chết rất thấp so với quy định. Bên cạnh đó, nhiều cửa xả nước thải chưa qua xử lý đã xả trực tiếp xuống dòng kênh. Cạnh đó, những ngày vừa qua nắng mưa thất thường dẫn đến hiện tượng đảo bùn là một trong những nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt”, ông Mã nói.

Cá chết hàng loạt tại Kênh Đa Cô

Trước đó, ngày 2-10, tại Kênh Đa Cô (quận Liên Chiểu), cá chết hàng loạt, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người dân sống cạnh kênh Đa Cô cho biết, nhiều cá rô phi đã chết trắng ngay tại một cửa xả, mùi hôi bốc lênh nồng nặc.

Ngay sau đó, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đã tiến hành xử lý hiện trường. Qua ghi nhận, dọc kênh Đa Cô nước đen ngòm. Nhiều cửa xả nước thải chảy ra trào bọt trắng xóa. Dưới dòng kênh (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng xuống khu vực Nhà máy Coca Cô la) nhiều con cá rô phi lừ đừ.

Được biết, tại Đà Nẵng, ngoài Kênh Đa Cô bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều tuyến kênh hở khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng lâm vào tình trạng tương tự, trong đó đặc biệt là kênh Khe Cạn, Phần Lăng.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thành phố cho biết, thời gian qua các kênh hở gây ô nhiễm do chưa xây dựng được cống bao nên nước thải chưa thể thu gom để xử lý. Cạnh đó, do ý thức của một số người dân trong việc xả rác thải nên rác tồn đọng tại các dòng kênh, nhất là tại Kênh Khe Cạn.

Theo ông Mã, để giải quyết tình trạng này, thành phố đang đầu tư xây dựng cống bao tại Kênh Phần Lăng. Thời gian đến sẽ đầu xây dựng kênh Khe Cạn để hạn chế ô nhiễm.

“Khi các kênh được đầu tư cống bao, đậy nắp, nước thải sẽ được thu gom về để đưa về xử lý tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc. Hiện tại, để giải quyết tạm thời ô nhiễm, Công ty Thoát và Xử lý nước thải tiến hành xử lý bằng việc phun chế phẩm, vớt rác tại các dòng kênh. Cạnh đó, trồng bè thủy sinh...”, ông Mã cho biết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang