Cà Mau: Đê biển Tây Nam “kêu cứu”!

Thứ Năm, 21/07/2022 18:05

|

(CATP) Theo số liệu quan trắc của Cục Ứng phó Phòng chống thiên tai thuộc Tổng cục Phòng chống thiên tai, đối với đê biển Tây tỉnh Cà Mau bình quân mỗi năm, bờ biển Tây sạt lở từ 20m đến 50m. Chỉ cần cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão xuất hiện trên Biển Đông ở cách xa bờ biển tỉnh hơn 1.000km có sóng to, gió lớn sẽ uy hiếp trực tiếp đến thân đê biển Tây. Đặc biệt, các đoạn đê không còn đai rừng phòng hộ dẫn đến nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào, hàng chục ngàn hộ dân sinh sống bên trong đê lo lắng.

Huy động lực lượng hộ đê

Sau 5 ngày huy động hàng trăm nhân lực hộ đê, anh Nguyễn Cảnh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây (H.Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết: “Hiện nay, tình hình tạm ổn. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh cần gia cố đê chắc chắn để bảo vệ người dân trong đê và hàng ngàn ha lúa, hoa màu”.

Đê biển Tây đoạn qua địa bàn tỉnh Cà Mau có chiều dài hơn 100km, nằm trên địa bàn 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh. Đây là khu vực quan trọng góp phần bảo vệ hơn 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng ngàn hộ dân. Tuy nhiên, mới vào đầu mưa bão, đê đã bị uy hiếp.

Theo báo cáo của chính quyền địa phương, trong 2 ngày (11 và 12-7), mưa lớn kéo dài kèm theo giông đã làm triều cường dâng cao, sóng biển trực tiếp uy hiếp nhiều đoạn đê biển Tây của tỉnh Cà Mau. Tại đoạn đê thuộc H.Trần Văn Thời, triều cường được cơ quan chức năng ghi nhận cao khoảng 1,7m, dâng gần bằng mặt đê, kèm theo đó là sóng lớn khiến một số đoạn đê không còn rừng phòng hộ bên ngoài bị sạt lở.

Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Cà Mau, cho biết thêm, tại xã Khánh Bình Tây xuất hiện 2 vị trí sạt lở nguy hiểm, 1 đoạn 100m và 1 đoạn khoảng 20m, thân đê bị sóng đánh trực tiếp gây sạt lở nghiêm trọng. Những đoạn này không còn rừng phòng hộ, sóng đánh tràn lên kéo theo cây cối, rác phủ kín mặt đê khiến giao thông bị chia cắt.

Đê biển Tây đang bị uy hiếp gây sạt lở bất cứ lúc nào

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết, trên địa bàn xã Khánh Bình Tây xuất hiện 1 đoạn sạt lở đặc biệt nghiêm trọng dài 300 mét, có nguy cơ gây vỡ đê bất kỳ lúc nào.

Ông Hoai nói: “Khi triều cường dâng cao kèm theo sóng lớn thì nước mặn tràn qua đê. Đây là vùng sản xuất lúa của H.Trần Văn Thời, thuộc Tiểu vùng 3, Bắc Cà Mau, đồng thời là vùng ngọt hóa duy nhất của tỉnh cho nên việc ngăn sạt lở, bảo vệ đê biển là rất cấp thiết. Với những vị trí không còn rừng phòng hộ bảo vệ bên ngoài thì nguy cơ sẽ tiếp tục bị tràn. Do đó, cũng phải có giải pháp, ví dụ như sẽ làm gờ chắn sóng để chặn nước tràn”.

Qua kiểm tra khảo sát các vị trí sạt lở ở đê biển Tây, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo các đơn vị khẩn trương huy động nguồn lực gia cố bờ đê nhằm hạn chế tình trạng nước dâng do triều cường, gây sạt lở.

Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: “Các địa phương trên triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn dân cư, khách du lịch, bảo vệ sản xuất, gia cố các khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực cửa sông, ven biển; tổ chức gia cố các tuyến đê biển có nguy cơ mất an toàn, triển khai lực lượng quản lý đê, lực lượng xung kích tuần tra, canh gác đê, nhất là các khu vực xung yếu có nguy cơ bị sạt lở, tràn”.

Ngay xảy ra sự cố sạt lở đê, hàng trăm người túc trực hộ đê. Tại 3 vị trí sạt lở thuộc đoạn Đá Bạc – Kênh Mới, đê biển Tây, xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời với chiều dài 110m, mặt đê bằng bê tông rộng 5,5m, địa phương đang huy động lực lượng 145 người để xử lý sự cố bằng giải pháp xếp hai lớp rọ đá, bố trí 40 cán bộ thường xuyên túc trực, theo dõi, tuần tra. Tại 3 vị trí thuộc địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh với tổng chiều dài khoảng 75m; mặt đê bằng đất, rộng 6,5m. Rất may, vị trí tràn không gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Gần 200 nhân lực gò đá, lưới những vị trí có nguy cơ sạt lở cao
Lực lượng tham gia gia cố đê

Đề nghị công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai

Trước diễn biến phức tạp thiên tai, đê biển Tây đang bị uy hiếp, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau có văn bản gởi UBND tỉnh đề nghị công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai. Theo văn bản trên, ông Vũ khẳng định, từ năm 2019 đến nay, sóng lớn do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và triều cường hai lần ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Tây, mức độ ảnh hưởng năm sau cao hơn năm trước do hết đai rừng phòng hộ, sạt lở bờ biển Tây diễn biến đến mức cần cảnh báo.

Theo đó, phát sinh sạt lở mới ở những đoạn bờ biển bên trong không còn đai rừng hoặc còn rất mỏng. Qua khảo sát thực tế sạt lở đặc biệt nguy hiểm bờ biển Tây thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh, bao gồm 05 vị trí với tổng chiều dài 3.192m. Nhiều đoạn, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Lãnh đạo địa phương khảo sát diện tích trồng lúa sau đê

Tại đoạn đê biển Tây từ Kênh Mới hướng về Kênh Tư có chiều dài sạt lở 400m. Trong những năm qua, tình hình sạt lở khu vực này vô cùng nghiêm trọng, sạt lở đã khoét sâu vào tận mái đê, ảnh hưởng đến sự ổn định của thân đê, đến nay phần mái đê của đoạn đê này đã được gia cố bằng kè lát mái thảm rọ đá với chiều dài khoảng 550m.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước sự tác động thường xuyên của triều cường, sóng biển nên đã làm sạt lở và diễn biến sạt lở nguy hiểm thêm với chiều dài khoảng 400m, bên ngoài đai rừng còn rất mỏng, chỉ từ 5m - 30m, có vị trí đã sạt lở đến chân đê nên nguy cơ vỡ đê cao.

Tại các vị trí còn lại cũng tương tự. Rừng phòng hộ còn rất mỏng, nhiều điểm đã sạt lở đến chân đê, uy hiếp trực tiếp đến thân đê biển Tây. Đặc biệt đoạn công Kinh Mới hướng Đá Bạc, có thể gây vỡ đê bất cứ lúc nào ảnh hưởng đến vùng ngọt hóa diện tích 500ha, có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống điện cao và trung thế, trạm y tế, trường học (Trường Tiểu học Đá Bạc). Đoạn đê biển Tây từ bờ Bắc Cống Đá Bạc hướng về Cống Sào lưới có chiều dài sạt lở 500m. Hiện bên trong kè, cây rừng thưa, thấp, nền đất yếu, đặc biệt phía sau lưng tuyến kè có dân cư sinh sống.

Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cảnh báo, các vị trí sạt lở nói trên nếu không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thân đê và có thể vỡ đê trong mùa mưa bão, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân trong đê. Đặc biệt, hệ sinh thái vùng ngọt, về lâu dài có thể dẫn đến phá vỡ quy hoạch sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan Nhà nước, các công trình hạ tầng thuộc địa bàn các xã ven biển và các khu vực lân cận của huyện Trần Văn Thời. Sở đề nghị phân bổ nguồn vốn gần 40 tỷ đồng để gia cố, xử lý 5 vị trí có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào với chiều dài 3.192m.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Cứu hộ cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ đầu tháng 7 đến nay, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau ước khoảng 14,5 tỷ đồng, còn tính từ đầu năm là gần 20 tỷ đồng. Địa phương cảnh báo, đang trong mùa mưa, thời tiết cực đoan có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, người dân địa phương cần chủ động các biện pháp phòng tránh. Trong đó, chú trọng việc chằng chống nhà cửa, đặc biệt đối với các hộ dân ven biển. Trong sản xuất, người nuôi trồng thủy sản cần gia cố bờ bao; người dân trồng lúa cần chủ động phương tiện để bơm tát nước chống ngập úng khi cần thiết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang