Cần điều chỉnh ngay các quy định gây ách tắc lưu thông hàng hóa

Thứ Năm, 26/08/2021 14:08

|

(CATP) Thủ tướng nhấn mạnh trong Công điện ngày 23-8: "Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi", nhưng đến nay vẫn tồn tại những ách tắc không đáng có, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác cung ứng hàng hóa tiêu dùng và sản xuất. Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các địa phương không để ùn tắc giao thông ở bất cứ tuyến nào. "Tất cả các địa phương phải rà soát lại văn bản, không được chỉ đạo trái với các văn bản của Chính phủ. Mệnh lệnh cao nhất là từ Thủ tướng".

Mỗi nơi quy định mỗi kiểu

Thực tế thời gian qua, việc xe chở hàng thiết yếu ùn ứ tại các cửa ngõ, nhất là các tỉnh, thành phố (TP) đang thực hiện giãn cách xã hội vẫn diễn ra sau nhiều chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, bộ, ngành.

Việc ách tắc lưu thông hàng hóa ở Cần Thơ ngày 24-8 là rất điển hình cho tình trạng mỗi nơi quy định mỗi kiểu, những cách làm khác nhau, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, kể cả hàng hóa rất thiết yếu, khi hàng trăm xe vận tải hàng hóa bị ùn tắc trên Quốc lộ 1 và tại điểm tập kết trung chuyển hàng hóa ở bến xe trung tâm TP.Cần Thơ.

Nguyên nhân là do TP.Cần Thơ buộc các tài xế không có giấy đăng ký trước với Sở Công thương TP.Cần Thơ, nên không được tiếp tục lưu thông. Cần Thơ quy định xe chở hàng từ các tỉnh, thành khác vào TP.Cần Thơ phải đăng ký trước với Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp và quận, huyện. Ngoài ra, tất cả phương tiện đến TP.Cần Thơ giao nhận hàng hóa đều phải tập trung tại các điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận do TP quy định, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch. Các quy định này khiến tình trạng ùn ứ tại các chốt kiểm soát với xe chở hàng hóa hướng từ TPHCM về Cần Thơ xảy ra sáng 24-8, do chủ doanh nghiệp lẫn tài xế không kịp đăng ký danh sách trước với Sở Công Thương. Các tài xế cho biết rất bất ngờ vì những quy định này, được áp dụng từ 23-8.

Giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ Hà Vũ Sơn cho biết, quy định không cho tài xế từ nơi khác chở hàng vào nội ô để đảm bảo cho TP "sạch", hạn chế lây lan dịch bệnh.

Quy định này đã làm cho các xe vận tải oxy cấp cứu của Xí nghiệp hơi kỹ nghệ Cần Thơ (Khu công nghiệp Trà Nóc, TP.Cần Thơ) lâm vào cảnh hết sức khó khăn sáng 25-8. Cơ quan chức năng Cần Thơ buộc các xe vận tải chở bình oxy phải sang chuyển hàng hóa tại chốt kiểm soát cửa ngõ, làm ách tắc lưu thông, các chủ hàng không thể đi giao oxy cho các bệnh viện đúng tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Theo ông Nguyễn Văn Vinh - Chánh Văn phòng UBND TP.Cần Thơ, TP có quy định phải tập kết hàng hóa giao nhận tại điểm trung chuyển, đổi tài xế để trung chuyển hàng hóa vào nội ô "nhưng không phải áp dụng với tất cả hàng hóa, cái này do anh em ở các chốt kiểm soát làm việc cứng nhắc", ông Vinh thông tin và cho biết UBND TP.Cần Thơ đã có chỉ đạo tháo gỡ để các xe vận chuyển oxy được phép lưu thông.

Hàng trăm xe vận tải hàng hóa bị ách tắc lưu thông tại TP.Cần Thơ sáng 24-8 Ảnh: CTV

Lường trước được tình hình, ngày 24-8, Xí nghiệp hơi kỹ nghệ Cần Thơ (Khu công nghiệp Trà Nóc, TP.Cần Thơ) đã có văn bản phản ánh việc không thể vận chuyển oxy cho các bệnh viện ở miền Tây đúng tiến độ. Lãnh đạo xí nghiệp này cho biết rong ngày 24-8 toàn bộ các xe của xí nghiệp đều bị tắc vì các chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP.Cần Thơ, khi TP này buộc tất cả các xe vận tải hàng hóa đi và về phải đổi tài và trung chuyển giao nhận hàng hóa tại điểm tập kết theo quy định của TP đề ra. Quy định này đã làm cản trở việc lưu thông hàng hóa thiết yếu, đặc biệt hàng hóa cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19. Oxy là mặt hàng rất khác biệt, dễ gây cháy nổ khi vận chuyển, nên yêu cầu an toàn đặt lên trên hết.

Việc ách tắc vận tải tại Cần Thơ chỉ là một ví dụ điển hình khi mỗi địa phương đưa ra những quy định khác thường, lấy yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 để biện minh. Nếu địa phương nào cũng đặt ra rào cản như vậy, việc lưu thông hàng hóa không ách tắc mới lạ.

Quy định như vậy, chắc chắn Xí nghiệp hơi kỹ nghệ Cần Thơ sẽ không thể giao mặt hàng oxy cho các tỉnh lân cận, còn các tỉnh xa như Cà Mau, Bạc Liêu thì càng hết sức khó khăn. Đó là mặt hàng oxy - loại hàng đặc biệt dành cho cấp cứu, còn với các mặt hàng phục vụ đời sống, sản xuất khác thì sao? Chắc chắn những quy định của mỗi địa phương như vậy, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng và phục vụ sản xuất là đương nhiên.

TPHCM kiến nghị không để đứt gãy chuỗi cung ứng

TPHCM đang là tâm dịch, cũng đã phải hứng chịu hậu quả của việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng, đặc biệt trong những ngày thực hiện việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt và trong việc cung ứng nguyên liệu sản xuất. Chính vì vậy, cách đây mấy ngày, Chủ tịch UBND TPHCM đã có công văn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về đề xuất giải pháp duy trì, ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND TPHCM kiến nghị 4 nhóm giải pháp với Thủ tướng Chính phủ và các bộ - ngành. Trong đó, nhóm giải pháp duy trì, không để đứt gãy sản xuất hàng hóa, dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu.

Theo UBND TPHCM, hiện tất cả nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tại TPHCM đều lệ thuộc vào các tỉnh, nhất là 19 tỉnh, thành phía Nam. Vì vậy TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất, không để đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới. UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh thành khác thực hiện nghiêm Công văn 1015 của Chính phủ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Theo đó chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa tại nhà máy, kho, không kiểm tra trên đường. TP cũng Kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp Bộ Công an, Bộ Y tế ban hành phương thức kiểm tra phương tiện vận chuyển người và hàng hóa lưu thông qua các chốt để thống nhất áp dụng, tránh gây ách tắc lưu thông hàng hóa.

Bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp

Thấy rõ vấn đề này, vì thế trong Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23-8-202, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: "Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành và các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu... Đề xuất thống nhất giấy thông xe qua chốt kiểm soát Covid-19".

Tất cả cho thấy vấn đề ách tắc trong lưu thông hàng hóa đang rất nóng bỏng, nếu không có biện pháp, chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng hàng háo cho tiêu dùng, phòng chống dịch bệnh và sản xuất càng thêm nghiêm trọng.

Liên quan đến sự cố gây ách tắc lưu thông hàng hóa ở Cần Thơ, trong cuộc họp trực tuyến với 63 Sở Giao thông - Vận tải, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương về công tác lưu thông hàng hóa chiều 25-8, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu: "Đề nghị không có trung chuyển gì hết. Hải Phòng, TPHCM mỗi ngày hàng chục ngàn xe tải hoạt động đến các cảng, nếu buộc phải trung chuyển như Cần Thơ thì chết luôn. Đề nghị bỏ, để vậy gây bức xúc. Các tỉnh khác không làm vậy sao Cần Thơ lại làm?".

Trong cuộc họp này, đại diện Bộ Công Thương cho biết hiện nay chỉ duy nhất Cần Thơ thực hiện trung chuyển hàng hóa với xe từ các địa phương khác đến, gây khó khăn cho công tác vận tải vận tải hàng hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các địa phương không để ùn tắc giao thông ở bất cứ tuyến đường nào. "Tất cả các địa phương phải rà soát lại văn bản, không được chỉ đạo trái với các văn bản của Chính phủ. Mệnh lệnh cao nhất là từ Thủ tướng. Cái gì không trái nhưng phát sinh thêm thủ tục, khó khăn thì phải bỏ. Không thể đưa ra văn bản mà gây thêm chi phí, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Lúc đó sự hỗ trợ của Chính phủ không còn ý nghĩa nữa" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Bộ Công thương đề nghị tháo gỡ

Ngày 24-8, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Bộ Giao thông - Vận tải, đề nghị ngành giao thông cần thống nhất các văn bản hướng dẫn trước đây, để các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và các doanh nghiệp dễ thực hiện, triển khai đồng bộ.

Đề nghị này được Bộ Công Thương đưa ra khi nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp cho biết, vẫn gặp khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nhất là khi đi qua các chốt kiểm soát, cần hướng dẫn doanh nghiệp liên hệ với đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ (ĐT: 088601664) và Sở Giao thông - Vận tải tại địa phương để được hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang